25/4/21

NGƯỜI MẸ ĐẤT THÉP - MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG, ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN NGUYỄN THỊ RÀNH

 Những ngày tháng 4 lịch sử lại về. Hơn bao giờ hết, ký ức hào hùng của dân tộc lại trỗi dậy trong lòng mỗi người con Việt Nam. Ôi! Tháng 4 lịch sử! Tháng 4 vĩ đại! Tháng của niềm kiêu hãnh về một dân tộc kiên cường, bất khuất nhưng cũng chứa đựng vô vàn những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại mà không gì có thể bù đắp được. Chiến tranh đi qua đã cướp đi biết bao xương máu, nước mắt, mồ hôi của bao thế hệ người.

Là một người con của Củ Chi – quê hương đất thép thành đồng, nơi đã từng ghi dấu biết bao chiến tích trong chiến tranh khiến kẻ thù phải khiếp sợ, tôi lại thấy trong lòng trào dâng niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc cứu nước của ông cha khi mỗi lần tháng 4 về. Tự hào hơn khi Phước Hiệp quê tôi lại là quê hương của “Bà mẹ dũng sĩ” Nguyễn Thị Rành – người mẹ đã hy sinh 8 người con trai và 2 cháu nội, ngoại khi Tổ quốc cần.


Tôi còn nhớ trong bài hát “Đất nước” sáng tác Phạm Minh Tuấn có đoạn:
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu,
Nghe dịu nỗi đau của mẹ,
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,
Các anh không về mình mẹ lặng im…”!
Lời bài hát đã làm cho bạn bè khắp năm châu đồng cảm và thán phục sự hy sinh chịu đựng của những người mẹ Việt Nam khi ba lần tiễn con ra chiến trường thì đã hai lần chịu nỗi đau mất con. Nhưng như vậy thì có thấm vào đâu so với nỗi đau của má Tám Rành – tên gọi thân mật của mẹ Nguyễn Thị Rành bởi mẹ đã phải nén đau 8 lần khóc con, hai lần khóc cháu. Những đứa con, đứa cháu thân yêu của mẹ sẽ không thể về bên cạnh mẹ nữa. Thân xác họ đã vùi sâu dưới ba tấc đất để những chồi xanh mới được mọc lên trong bình yên.
Có dịp tìm hiểu về cuộc đời mẹ, tôi mới thấy hết được những khổ cực, đau thương mà mẹ phải trải qua từ lúc tuổi thơ. Mẹ Nguyễn Thị Rành (1900 – 1979). Cha mẹ mất sớm. Mẹ bị tên Lý Hạnh ở Xóm Giữa kêu lính đến bắt về làm mướn cho hắn để trừ món nợ của cha mẹ khi mới 14 tuổi. Sau đó, mẹ lập gia đình cùng thầy giáo Nguyễn Văn Cảm ở ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Mẹ được bà con xóm giềng khen ngợi: “Vợ thầy Cảm đẹp nết, đẹp người”. Lấy chồng, mẹ lại phải vừa lo cho gia đình vừa lo cho đất nước. Trong những năm chiến tranh, mẹ là người chí cốt với cách mạng. “Một tấc không đi, một ly không rời”, mẹ quyết không vào ấp chiến lược của địch, mà ở lại xã Phước Hiệp chịu đựng bom rơi, pháo chụp. Mẹ nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, du kích địa phương và chỉ vẽ cho con cháu đánh giặc. Trong hệ thống địa đạo Củ Chi nổi tiếng, có công lao đóng góp của mẹ. Cùng với nhân dân Củ Chi, mẹ nhẫn nại kiên trì đào hầm để chiến đấu, tự vệ và phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ ròng rã của nhân dân vùng đất thép nổi tiếng. Địch nhiều lần bắt mẹ, hết dụ dỗ, lừa gạt đến tra tấn dã man hòng ép mẹ kêu gọi con cháu về đầu hàng chúng và ly khai với cách mạng. Nhưng trước sau, mẹ vẫn một lòng một dạ kiên trung, bất khuất, bám trụ giữ đất, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ và đội du kích nữ Củ Chi đến ngày toàn thắng.
Có lẽ đối với mẹ hay với bất cứ những người mẹ nào khác thì những khổ cực trên cũng chẳng là gì so với nỗi đau mất đi núm ruột của mình. Từ năm 1947 đến 1969, 22 năm, mẹ đã phải đau đớn chịu cảnh tre già khóc măng non khi 8 đứa con trai yêu quý của mẹ là Dúng, Sóc, Vẻ, Hè, Huội, Sướng, Nâng, Luôn lần lượt ra đi mãi mãi không về theo tiếng gọi của non sông. Đau thương, mất mác là thế nhưng mẹ quyết không ngã quỵ, quyết không từ bỏ khi đất nước còn lâm nguy. Những đứa cháu trai của mẹ lại tiếp tục lên đường đánh giặc tiếp bước những người cha, người chú, người cậu anh hùng của mình. Và rồi, mẹ lại khóc tiễn đưa chúng.
Những ai đã từng làm mẹ mới thấu hiểu được phần nào nỗi đau xé lòng của Mẹ. Ôi! Người mẹ đất thép thật anh hùng và vĩ đại làm sao! Cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho non sông, đất nước. Cống hiến cả những đứa con thân yêu - thứ quý giá nhất của mình cho hòa bình dân tộc. Sự hy sinh, mất mát của mẹ không gì có thể bù đắp được. Tôn vinh công lao to lớn ấy của mẹ, ngày 06/01/1978, Chủ tịch nước và Quốc hội quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam dành cho mẹ - người đã biểu hiện tấm gương sáng tuyệt vời của bà mẹ Việt Nam với sự hy sinh cao cả, một lòng một dạ trung thành với dân với nước. Đến năm 1994, mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Góp phần tôn vinh công lao đóng góp và sự hy sinh của mẹ, Đại hội Đại biểu phụ nữ thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã thống nhất chọn công trình Nhà tưởng niệm mang tên mẹ là một trong sáu công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội phụ nữ thành phố lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011 – 2016. Công trình được xây dựng tại quê hương của mẹ: ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.
Công trình Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng – anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành được khởi công xây dựng ngày 21/7/2012 và khánh thành vào ngày 31/01/2013. Tổng diện tích khu đất 1.109,3m2. Công trình gồm các hạng mục: diện tích Nhà tưởng niệm 106,2m2, diện tích nhà ở của gia đình má Tám Rành 79,38m2, diện tích sân vườn 923,72m2. Tổng mức đầu tư công trình hơn 3,5 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng công trình do cán bộ, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ 24 quận, huyện, các đơn vị và nhà hảo tâm đóng góp.
Công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước của phụ nữ Sài Gòn – Gia Định, một điểm sinh hoạt của nhân dân thành phố, là địa chỉ đỏ, điểm đến tham quan và học tập của nhân dân mọi miền đất nước, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Củ Chi ngày càng giàu đẹp.
Hoài Tâm - Huyện Củ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...