Một trong những giải pháp để nâng cao “sức đề kháng” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là phát huy vai trò định hướng thông tin chính thống của hệ thống báo chí cách mạng và mạng xã hội của Việt Nam.
ĐẤU TRANH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG NGÀY CÀNG KHỐC LIỆT
Trong quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng luôn chú trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong mọi hoàn cảnh và tình huống, điều đó cho thấy rất rõ quyết tâm và bản lĩnh của Đảng. Những thành quả quan trọng và kinh nghiệm của Đảng trong công tác này đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên con đường Đảng đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, kiên định đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường xuất bản, tán phát nhiều loại ấn phẩm, tài liệu như: Các báo cáo, nghị quyết, dự luật của nghị viện, quốc hội một số nước phương Tây; các văn bản pháp lý của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ như: Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW)…; các ấn phẩm xuất bản, như: sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước; các trang web, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt;... Đặc biệt, các đối tượng này đã lập hàng nghìn trang web, blog, các ứng dụng mạng xã hội (facebook, zalo,…); hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng.
Nội dung chính trong các hoạt động tuyên truyền này nhằm phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc chiến tranh đã qua và trong công cuộc đổi mới, bóp méo thực tế những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội; nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc, chung tay của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Một trong những trọng tâm đấu tranh là trên không gian mạng, tuy diễn ra thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt hơn. Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, xuyên tác trên mạng xã hội là quá trình lâu dài, phức tạp. Bởi vậy, mỗi công dân cần có thái độ khách quan, nhìn nhận trách nhiệm này theo hướng chủ động, tăng cường đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại, ảnh hưởng tiêu cực chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Chỉ khi nhận thức được như vậy, sẽ có được thái độ và hành vi ứng xử phù hợp trong môi trường thông tin số, thích ứng với nó và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài.
Để nâng cao “sức đề kháng” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đặc biệt là trên trọng tâm đấu tranh không gian mạng, một trong những liều “vắc-xin” là phải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức cho thanh niên. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp mỗi cá nhân đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, tốt - xấu, từ đó, tạo nên “sức đề kháng”, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước những thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đây là chìa khóa căn cơ lâu dài để tăng “sức đề kháng” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
ĐỀ CAO VAI TRÒ ĐỊNH HƯỚNG
Làm thế nào để nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” nhằm đẩy lùi, giảm thiểu tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu? Trong khuôn khổ bài viết này, một số giải pháp bước đầu được nêu ra:
Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần ban hành hệ thống văn bản có tính pháp quy, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí, các trang mạng xã hội tham gia đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, hiệu quả cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch còn không ít hạn chế, yếu kém. Chủ yếu mới là lực lượng chuyên trách tham gia đấu tranh. Tình trạng “nói chưa đi đôi với làm”, thờ ơ trước tác động của các quan điểm sai trái, thù địch phát tán trên mạng còn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh này là “thuốc” đặc hiệu, là cơ sở quan trọng để lấy lại niềm tin của cộng đồng mạng. Từ niềm tin đó sẽ tạo “sức đề kháng” cho mỗi công dân mạng, đặc biệt là thế hệ trẻ trước tác động của các quan điểm sai trái, thù địch.
Mặt khác, để đẩy lùi, giảm thiểu tối đa tác động từ các thông tin sai trái, thù địch, rất cần đổi mới, mở rộng các hình thức, phương tiện đấu tranh. Các cơ quan báo chí có lượng người đọc lớn, có tác động, chi phối thông tin trên mạng cần mạnh dạn tạo các diễn đàn mở để trao đổi trực tuyến các ý kiến, quan điểm khác biệt. Từ đó, triển khai tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Đây cũng là diễn đàn để một mặt tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng mặt khác, nhân dân có thể tham gia trao đổi - tranh luận hoặc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ. Các báo điện tử, trang tin điện tử chú trọng đổi mới, xây dựng giao diện app mobile cho điện thoại di động, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập Internet qua mạng di động có thể sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm giúp mỗi công dân nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là nhiệm vụ quan trọng của báo chí chính thống, đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời cung cấp những thông tin chính xác, làm cho mỗi công dân mạng có thể nhận thức, nhận diện đúng đâu là thông tin xấu, thông tin độc, hiểu rõ thế nào là quan điểm sai trái, thế nào là quan điểm thù địch. Từ đó, sẽ định hình cho mình những suy nghĩ, hành động đấu tranh thích hợp.
Để làm tốt nhiệm vụ cung cấp chính xác, kịp thời thông tin, các cơ quan báo chí phải chủ động phân tích, làm rõ nội hàm, bản chất quan điểm sai trái, quan điểm thù địch ở từng cấp độ thông tin khác nhau. Có những hệ thống thông tin ở mức độ tổng quan, phân tích bài bản âm mưu, thủ đoạn khái quát từ hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch. Có những thông tin phân tích trực diện, cụ thể, kịp thời đối với từng loại thông tin sai trái, thù địch.
Báo chí chính thống cần trang bị tri thức cho cộng đồng mạng nhận diện rõ mục tiêu của các thế lực phản động là nhằm làm tan rã niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta, kích động nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng chuyển hóa chế độ. Làm rõ phương thức, thủ đoạn mới nhất hiện nay của chúng. Đó là triệt để lợi dụng những “khuyết tật”, yếu kém, tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ đại án lớn hiện nay để xuyên tạc, nói xấu Đảng, chế độ ta. Thủ đoạn của chúng là viện cớ những yếu kém, tiêu cực đó để “bình luận”, tham chiếu, coi đó là nguyên nhân, hệ lụy của việc níu kéo, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin lỗi thời, lạc hậu vào con đường phát triển của Việt Nam. Cũng từ đó, các tổ chức phản động ở nước ngoài tung hứng, ra yêu sách đòi Đảng từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đòi đa nguyên, đa đảng.
Cần tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, đổi mới, sáng tạo cách thức tuyên truyền, học tập, triển khai các nghị quyết của Đảng, của Đoàn. Đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Hằng năm, triển khai hiệu quả học tập các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức diễn đàn đối thoại “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng”; các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên tham gia, như: thi tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của Đảng, liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, xem phim lịch sử cách mạng, thăm các địa chỉ đỏ
Thứ ba, phát huy vai trò định hướng thông tin của hệ thống báo chí cách mạng và mạng xã hội của Việt Nam để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ “sức đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch.
Hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 35 NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã chỉ ra. Đó là tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao “sức đề kháng”, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tiến bộ, thành tựu toàn diện của đất nước; tăng cường tuyên truyền những thành tựu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và niềm tin cho mỗi công dân mạng về sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; việc xử lý các tội phạm trong các vụ đại án tham nhũng thể hiện rõ chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bất kỳ người đó là ai.
Hệ thống mạng xã hội của Việt Nam tuy mới ra đời nhưng đã có sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng mạng. Vì vậy, cần có định hướng rõ ràng để các mạng xã hội có thế mạnh vào cuộc, tham gia một cách chủ động trong gợi mở, định hướng, dẫn dắt và chi phối thông tin tích cực trên mạng xã hội. Ngoài mạng xã hội VCNet, Mocha, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, quy định rõ các chủ thể của các mạng xã hội như Zing.me, Lotus, Nhaccuatui… có trách nhiệm trong thông tin mặt tích cực của đời sống xã hội. Đây là cách tốt nhất để thực hiện phương châm “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, nhằm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc, sai trái, thù địch.
Thứ tư, cần sớm có chủ trương, giao các cấp ủy đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ban hành quy tắc tham gia mạng xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… khi tham gia mạng xã hội. Quy định rõ nhiệm vụ của đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch. Ban hành nghị định với các chế tài cụ thể đối với các hành vi đồng phạm, chủ động phát tán, a dua nói xấu Đảng, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Mặt khác, toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, đảng viên, công dân tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân chủ động tiến công, tự giác đấu tranh, phản bác đối với các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch phát tán trên mạng.
Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống quan điểm sai trái.
Chú trọng việc tổ chức để các đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… tham gia đấu tranh trên mạng Internet đối với những quan điểm và hành động sai trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch. Phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng, binh chủng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh tư tưởng chính trị, đặc biệt là về tư tưởng chính trị trên mạng Internet.
Thứ năm, để khuyến khích tinh thần yêu nước, dũng cảm tham gia đấu tranh trên không gian mạng,các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế, khuyến khích việc thành lập các tổ chức dưới dạng tự nguyện xung kích. Nếu các tổ chức tình nguyện tham gia đấu tranh trên mạng xã hội xuất hiện càng nhiều, chúng ta càng có lực lượng lớn đủ sức đẩy lùi các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc. Chính vì vậy, cần nghiên cứu, có cơ chế khen thưởng để cổ vũ, động viên, tập hợp đoàn kết các công dân mạng tích cực tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng xã hội.
Thứ sáu, phát huy tính tích cực, năng động, có trách nhiệm của mỗi đoàn viên thanh niên – những công dân trẻ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Với giải pháp này, đòi hỏi mỗi tổ chức Đoàn, căn cứ vào đặc thù nhiệm vụ công tác và đối tượng đoàn viên trong đơn vị mình để lựa chọn những hình thức, giải pháp phù hợp. Có thể thông qua các hoạt động hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền phát động đoàn viên tham gia viết bài trên báo, các trang điện tử, đăng các bình luận trên các trang mạng xã hội facebook, zalo của tổ chức đoàn,…
Trong các hoạt động này, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm và tinh thần nêu gương của người đứng đầu - những thủ lĩnh đoàn. Nâng cao trách nhiệm cán bộ Đoàn trong nắm bắt, định hướng dư luận nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TWĐ của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ đoàn” nhằm xây dựng hình ảnh người cán bộ đoàn, không suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xứng đáng là đội hậu bị thực sự tin cậy của Đảng. Đối với mỗi đoàn viên thanh niên cần xác định trách nhiệm, ý thức với Tổ quốc, với Đảng trong mỗi phát ngôn, mỗi hành động trên mạng xã hội của mình nhằm tham gia có hiệu quả, thiết thức vào hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời, căn cứ vào thế mạnh của mình, mỗi đoàn viên lựa chọn những hành động phù hợp, có thể tham gia viết bài, tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến hoặc đơn giản là những hành động chia sẻ những bài viết nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các trang mạng chính thống…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét