Lâu nay, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) vẫn tự phong mình làm một thứ công tố viên quốc tế, với sứ mệnh phán xét các vi phạm nhân quyền của chính phủ nhiều nước, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, ít người biết rằng bản thân tổ chức này cũng có một môi trường làm việc “độc hại”, nơi các vi phạm nhân quyền phát sinh một cách dày đặc và có hệ thống.
Giữa năm 2018, dư luận đã dồn sự chú ý vào tổ chức Ân xá Quốc tế, sau khi một nhân viên 65 tuổi và một thực tập sinh 28 tuổi của tổ chức này liên tiếp tự sát vì làm việc quá sức. Các tin nhắn để lại cho thấy Gaëtan Mootoo, nhân viên 65 tuổi tự sát tại văn phòng Ân xá Quốc tế tại Paris, đã bị cấp trên trù dập, bỏ rơi sau một đợt thay đổi nhân sự. Sự kiện này đã dấy lên một làn sóng phản đối của dư luận, buộc Ân xá Quốc tế phải tiến hành một cuộc điều tra lớn, trên khoảng 475 nhân viên.
Tháng 05/2019, BBC tiếng Việt đăng một bài báo tóm tắt kết quả điều tra, trong đó có đoạn:
“Nhiều nhân viên đưa ra những ví dụ cụ thể về việc họ từng trải qua, hoặc từng chứng kiến tình trạng cán bộ cấp trên bắt nạt cấp dưới.
Có những tường thuật nói cán bộ cấp trên coi thường nhân viên trong các cuộc họp, nói những lời lẽ gây mất mặt và hăm dọa nhân viên, chẳng hạn như: ‘Anh/chị lẽ ra nên nghỉ việc di. Nếu cứ ở vị trí này thì đời anh/chị sẽ rất khốn.’
Có nhiều lời kể về tình trạng phân biệt đối xử do chủng tộc, giới tính, trong đó có các cáo buộc rằng phụ nữ, nhân viên không phải người da trắng, và những người thuộc cộng đồng LGBT bị trở thành mục tiêu công kích, hoặc bị đối xử không công bằng.
Bản phúc trình cũng nêu ra tình trạng ‘chúng tôi chống lại họ’ giữa nhân viên và ban lãnh đạo.
‘Trong nhiều cuộc phỏng vấn, từ 'độc hại' được dùng để mô tả văn hóa làm việc tại Amnesty từ thời thập niên 1990. Các cụm từ 'đối địch', 'thiếu tin cậy', và 'bắt nạt' cũng thế,’ bản phúc trình nói.
Unite, nghiệp đoàn đại diện cho hàng trăm nhân viên Amnesty ở các văn phòng toàn cầu, tiết lộ rằng một phần ba các nhân viên tham gia khảo sát do nghiệp đoàn thực hiện cảm thấy ‘bị đối xử tồi tệ hoặc bị bắt nạt nơi làm việc kể từ 2017’.”
Sau cuộc điều tra trên, Ban Lãnh đạo gồm 7 người tổ chức Ân xá Quốc tế đã buộc phải giải thể trong lúc chờ bầu lại, do không có cấp quản lý nào nhận trách nhiệm về vụ tự sát của hai nhân viên vừa nêu. Tuy nhiên, tờ The Times tiết lộ rằng 7 lãnh đạo này đã nhận được các khoản bồi thường “hậu hĩnh” cho quyết định buộc thôi việc.
Ân xá Quốc tế không phải là tổ chức nhân quyền duy nhất bị chỉ trích về cách thức đối xử với nhân viên. Một báo cáo được xuất bản đầu năm 2019 đã nói rằng tình trạng bắt nạt và quấy rối xảy ra khá phổ biến tại tổ chức Oxfam. Năm 2018, tổ chức Save the Children cũng vướng phải những cáo buộc nghiêm trọng về quấy rối tình dục nơi công sở.
Qua những ví dụ này, có thể thấy các tổ chức nhân quyền quốc tế hoàn toàn có thể trở thành một môi trường hành chính tham nhũng, quan liêu, nhất là khi chúng ngày càng phình to theo đà bành trướng của trật tự Mỹ, và khi chúng được dư luận phương Tây mặc nhiên xem là “phe thiện”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét