Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, cách bố trí nhân sự cấp cao hiện nay ở Việt Nam là tối ưu và hài hòa, một mặt vừa cho phép hiện đại hóa hệ thống chính trị, tạo tiền đề tiếp tục đổi mới.
Những ngày qua, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Nga đã dành sự quan tâm lớn đến quá trình kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, nhất là sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gửi lời chúc mừng đến các đồng chí lãnh đạo vừa được Đảng, Quốc hội và nhân dân tín nhiệm bầu chọn để tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đi đến thành công.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nga, Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, cho rằng cách bố trí nhân sự cấp cao hiện nay ở Việt Nam là tối ưu và hài hòa, một mặt vừa cho phép hiện đại hóa hệ thống chính trị, tạo tiền đề tiếp tục đổi mới và đưa đất nước tiến lên phía trước, mặt khác vẫn giữ được sự ổn định, giữ lại được những đồng chí lãnh đạo đã có uy tín rộng rãi và giàu kinh nghiệm trong công tác điều hành nhà nước.
Theo giáo sư, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hết sức phức tạp như hiện nay, để duy trì sự phát triển bền vững và nhanh chóng của Việt Nam trong bất cứ tình huống nào, như văn kiện Đại hội XIII đã nêu ra, đòi hỏi phải có các nhà lãnh đạo được đào tạo hết sức cơ bản và chuyên nghiệp, như trường hợp tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, “người đã trải qua nhiều khóa đào tạo ở cả trong và ngoài nước, có học thức và năng lực chuyên môn cao, có khả năng đưa ra những quyết định nhanh chóng và đúng đắn."
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, chuyên gia Valeria Vershinina thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Moskva đánh giá rất cao về phẩm chất cũng như năng lực công tác của các đồng chí vừa được tín nhiệm bầu vào các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam.
Chuyên gia Nga bày tỏ tin tưởng, với những kinh nghiệm tích lũy được và những thành công trong cải cách kinh tế, cũng như duy trì chính sách đối ngoại cân bằng, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và đóng vai trò ngày càng lớn trong các tiến trình toàn cầu và khu vực.
Ngoài ra, một loạt các tờ báo lớn, hãng thông tấn có uy tín như Nhân chứng và sự kiện, Độc Lập, TASS, Infox, Bigasia,… cũng thường xuyên đăng tải các tin, bài bình luận của giới học giả, chuyên gia Nga về thành công trong công tác nhân sự cấp cao của Việt Nam.
Tờ báo lớn có uy tín Sự thật Đoàn viên ngày 6/4 đăng bài “Nga mong chờ gì từ ban lãnh đạo mới của Việt Nam," trong đó nhà báo nổi tiếng Israel Shamir nhấn mạnh Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kép khi vừa đối phó tốt với đại dịch COVID-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ giúp Việt Nam đạt được những bước tiến lớn và thực hiện các cải cách cần thiết, đặc biệt là số hóa nền kinh tế dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quy mô lớn làm trong sạch hàng ngũ đảng viên, đáp ứng mong đợi của người dân.
Về triển vọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga thời gian tới, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Nga đều bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào thực chất, trên cơ sở coi nhau là những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình./.
Hồng Quân-Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét