Nhiều ý kiến đề nghị tính toán kỹ lưỡng chế độ chi cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tránh tăng chi ngân sách và tránh sự so bì của các lực lượng khác.
Sáng 28/8, hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Các khoản chi “khá lớn”
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào một số nội dung, trong đó có quy định về vị trí, chức năng theo hướng đây là lực lượng tại chỗ, cơ sở do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân tham gia, được ngân sách nhà nước bảo đảm có hỗ trợ từ các nguồn lực khác...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tính toán kỹ lưỡng tổ chức biên chế, khái toán ngân sách để bảo đảm cụ thể, khả thi, không làm tăng biên chế, kinh phí. Nhất là những địa phương mà chưa tự cân đối được ngân sách thì việc hỗ trợ như thế nào.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về chế độ chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn "rất cao".
Mặc dù dự thảo luật không quy định cụ thể mức bồi dưỡng là bao nhiêu, nhưng với mức thấp nhất bằng mức lương cơ sở thì chi cho mỗi người khoảng 1,8 triệu/tháng.
"Như vậy 100.000 tổ, trung bình mỗi tổ 3 người thì cả nước có 300.000 người. Với mức bồi dưỡng 1,8 triệu thì mỗi tháng phải chi 540 tỷ tháng, chia đều cả nước thì mỗi tỉnh thành là 8,4 tỷ đồng", đại biểu Phạm Văn Hòa tính toán.
Ngoài ra, lực lượng này còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cùng với đó, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn được bồi dưỡng “phần mềm”, khi được cử đi huấn luyện, đi làm nhiệm vụ từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau.
Lưu ý các khoản chi “khá lớn”, vừa có chế độ, còn bồi dưỡng, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị cân nhắc để tránh khi luật ban hành rồi khó thực hiện ở địa phương.
Ông so sánh, dân quân tự vệ cũng hoạt động giống với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhưng lực lượng dân quân tự vệ không có chế độ bồi dưỡng.
Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cân nhắc lại nội dung này để quy định chế độ bồi dưỡng sao cho không có sự “so bì” ở địa phương.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, chế độ phải phù hợp khả năng của ngân sách và vừa phải động viên các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Để địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng
Giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng này do quần chúng nhân dân tự nguyện tham gia, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách.
Theo ông Tới, nếu quy định cứng trong luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội. Ngoài ra việc này còn có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.
Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an) đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo luật.
Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Vào đầu tháng 5, khi trình dự án luật này, Chính phủ đề nghị thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng (hiện có khoảng 300.000 người) thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thành các tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại 103.568 thôn, tổ dân phố trên cả nước. Thời điểm đó, Chính phủ khẳng định sẽ không làm tăng chi ngân sách khi kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một lực lượng. Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, tổng mức chi trung bình dự kiến của 1 tỉnh, TP để chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất là khoảng 2,4 tỷ đồng/1 tháng/1 tỉnh, thành; trung bình mỗi tỉnh chi khoảng 28,8 tỷ đồng/năm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét