14/8/23

Biển số xe định danh: Nhiều vướng mắc cần được giải quyết

 Biển số định danh là phương thức quản lý tích cực dựa trên nền tảng số hóa, nhưng vẫn còn đó những vướng mắc mà việc nhìn nhận và đưa ra giải pháp khắc phục là điều nên làm càng sớm càng tốt.

Ngày mai (15-8), Thông tư 24/2023/TT-BCA của bộ trưởng Bộ Công an (gọi tắt là Thông tư 24) quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới sẽ có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, biển số định danh sẽ được cấp và gắn liền với mỗi cá nhân, tổ chức. Nếu như trước đây biển số sẽ gắn liền với xe (xe nào biển số đó) thì khi Thông tư 24 có hiệu lực, biển số sẽ gắn liền với cá nhân, tổ chức cụ thể (người nào biển số đó). Khi bán xe thì cá nhân, tổ chức phải giữ biển số và nộp lại cho cơ quan công an để công an làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi cá nhân, tổ chức đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.

Nhìn chung, việc cấp biển số định danh phù hợp với xu thế chuyển đổi số và là sự thay đổi biện pháp quản lý trong thời kỳ công nghệ lên ngôi. Quản lý biển số xe theo mã định danh sẽ là tiền đề quan trọng tiến tới sử dụng đăng ký xe điện tử, tích hợp trên ứng dụng VNeID. Với sự tiện lợi này, người dân sẽ không phải mang nhiều giấy tờ khi tham gia giao thông hay thực hiện các thủ tục hành chính, từ đó giảm thời gian, chi phí đi lại mà vẫn đảm bảo thông tin chính xác.

Đồng thời, biển số định danh sẽ giúp cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước trở nên hiệu quả. Cụ thể, quản lý biển số theo mã định danh sẽ giúp các cơ quan nhà nước dễ dàng xác minh chủ xe thực sự. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, quá trình truy tìm và chứng minh trách nhiệm của chủ xe cũng như trách nhiệm của người điều khiển xe sẽ đơn giản hơn.

Biển số xe định danh: Nhiều vướng mắc cần được giải quyết ảnh 1

Quản lý biển số xe theo mã định danh sẽ là tiền đề quan trọng tiến tới sử dụng đăng ký xe điện tử, tích hợp trên ứng dụng VNeID.Ảnh minh họa: TRẦN MINH

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực thì những rắc rối, vướng mắc vẫn có thể phát sinh từ biển số định danh.

Trước hết, theo Thông tư 24, khi bán xe, cá nhân, tổ chức phải nộp lại biển số cho cơ quan công an và cơ quan công an sẽ cấp lại biển số này khi cá nhân, tổ chức đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình. Trường hợp cá nhân, tổ chức bán đồng thời từ hai xe trở lên và chỉ mua lại một xe thì việc cấp lại biển số xe sẽ được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức có được lựa chọn giữa các biển số theo ý muốn của bản thân hay biển số sẽ được cấp theo thứ tự thu hồi và lưu giữ? Câu hỏi này chưa được trả lời thấu đáo.

Theo Thông tư 24 thì biển số xe có ký hiệu CD cấp cho ô tô chuyên dùng, còn biển số có ký hiệu RM cấp cho rơmoóc, sơmi rơmoóc… Biển số dành cho các loại xe này có các ký hiệu đặc biệt là nhằm thể hiện sự đặc thù riêng. Do đó, ngay cả khi biển số là định danh thì cũng phải thể hiện được đặc thù này. Việc bán rồi mua lại xe mới không có tính năng tương tự sẽ khó thỏa mãn điều kiện để tiếp tục sở hữu biển số định danh cũ. Vì vậy, việc thu hồi, lưu giữ và cấp lại biển số định danh có các ký hiệu đặc thù trong nhiều trường hợp là một sự lãng phí không cần thiết.

Thứ hai, đối với xe đã đăng ký biển ba hoặc bốn số thì xe vẫn được phép tham gia giao thông trừ khi chủ xe có nhu cầu đổi sang biển số định danh. Nói cách khác, các xe đang sử dụng biển ba hoặc bốn số thì không có yêu cầu bắt buộc phải cấp đổi biển số định danh. Từ đây, việc quản lý các xe có biển ba hoặc bốn số vẫn là bài toán nan giải.

Trên thực tế, số lượng xe có biển ba hoặc bốn số tuy không nhiều nhưng phần lớn là các xe đã cũ và ít có giá trị. Các xe này thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa cồng kềnh (xe chở gas, xe chở nước đá…). Do ít có giá trị nên người điều khiển cũng có thái độ ít cẩn trọng trong khi tham gia giao thông. Vì vậy, xác suất xảy ra tai nạn giao thông hay vi phạm giao thông là cao hơn hẳn so với người điều khiển các xe đời mới, có giá trị cao.

Vướng mắc phát sinh là do không quản lý được theo biển số định danh, việc truy tìm người vi phạm giao thông hay người điều khiển gây tai nạn sẽ rất khó khăn, chẳng khác nào mò kim đáy biển. Như vậy, với biển số định danh thì đối với những phương tiện giao thông có nguy cơ cao thì lại là nhóm khó phát hiện và xử lý nhất.

Cuối cùng, biển số định danh được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng biển số xe giả. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để có thể khẳng định được mục đích này. Ở nước ta, tình trạng biển số xe giả trong những năm qua là rất đáng báo động. Từ biển số xe đẹp đến biển số xe không đẹp bị làm giả. Với tính chất “xe nào biển số đó” như trước đây thì việc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi phạm pháp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chủ xe chân chính. Chính chủ chỉ cần chứng minh các yếu tố ngoại phạm là sẽ hoàn toàn vô can. Thế nhưng, với tính chất “người nào biển số đó”, biển số định danh lại có thể mang lại nhiều phiền phức hơn.

Hãy thử hình dung, khi vi phạm giao thông xảy ra, các cơ quan nhà nước sẽ chú ý ngay đến cá nhân, tổ chức sở hữu biển số định danh. Để phục vụ cho công tác điều tra, chứng minh vi phạm, cá nhân, tổ chức sở hữu biển số định danh sẽ là chủ thể đầu tiên được mời đến để giải quyết. Trong bối cảnh này, họ phải chứng minh mình không điều khiển xe và cũng không cho ai mượn xe. Thậm chí, họ còn phải chứng minh rằng biển số xe của mình đã bị làm giả. Trong tương quan này, việc chứng minh là một gánh nặng rất lớn.

Biển số định danh là phương thức quản lý tích cực dựa trên nền tảng số hóa và cũng phù hợp với pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, biển số định danh vẫn còn đó những vướng mắc mà việc nhìn nhận và đưa ra giải pháp khắc phục là điều nên làm càng sớm càng tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...