Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, những mảnh đất nhỏ còn lại sau khi thu hồi thuộc quyền sử dụng của dân mà đặt vấn đề Nhà nước thu hồi ngay để không mọc nhà siêu mỏng, siêu méo thì có thể vi hiến.
Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vào ngày 30/8, nhiều đại biểu bàn luận xung quanh câu chuyện thu hồi đất tránh tình trạng mọc nhà siêu mỏng, siêu méo.
Đất siêu mỏng, siêu méo xuất hiện nhiều ở Hà Nội
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP Hà Nội) bày tỏ đồng tình với quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích còn lại của các thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của UBND tỉnh.
“Tôi tán thành với đề nghị là phải thu hồi, tuy nhiên đề nghị chỉnh sửa luật để phù hợp với thực tiễn, tránh thực trạng phát sinh rất nhiều mảnh đất siêu mỏng, siêu méo xuất hiện trên đường phố Hà Nội”, nữ đại biểu nói.
Bà Mai đề nghị thực hiện thu hồi bắt buộc đối với những trường hợp này để đảm bảo không phát sinh những quỹ đất xen kẹt; đề nghị giao Chính phủ có cơ chế để quản lý, sử dụng, quy định tùy theo thực tiễn của địa phương đối với diện tích đất này để đảm bảo nguyên tắc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng, Nhà nước không nên thu hồi đất trong những trường hợp này.
“Đối với diện tích còn lại mặc dù nhỏ, chéo như thế nào, khi đã thực hiện các dự án xong thì còn lại phần của người ta. Thường đây là những miếng đất vàng, nếu chúng ta bắt buộc thu hồi sẽ có lợi cho người phía đằng sau hưởng”, đại biểu Hòa nêu thực tế.
Theo ông Hòa, khi quy hoạch và thu hồi đúng phần đất đó rồi, còn 1-2m lại phá quy hoạch để thu hồi thì người dân đặt vấn đề “có tiêu cực trong việc đó”. Vậy nên việc thu hồi là cần thiết nhưng phải có sự thỏa thuận, đồng tình của người dân.
Ngoài ra, đại biểu Hòa cho rằng, việc cho xây nhà siêu mỏng hay không là do Nhà nước, nếu không cho xây, không cho sử dụng thì người dân không dám làm.
Chỉ dám đề xuất cơ chế vận động dân để thu hồi
Giải trình vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong dự luật đang quy định “nếu thu hồi với điều kiện người dân phải đồng tình, đồng thuận”.
“Quy định này nhằm đảm bảo được quyền của nhân dân, còn việc xây nhà siêu méo, siêu mỏng có một luật khác và quy định về quy hoạch đô thị điều chỉnh”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Bộ trưởng cũng giải thích thêm về cơ chế thỏa thuận, một số đại biểu nêu các dự án thương mại người dân đã thỏa thuận được khoảng 70 - 80% rồi Nhà nước phải đứng ra thu hồi.
“Đây là một nội dung các địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất nhưng theo luật khi chúng ta đã tự thỏa thuận có nghĩa đây là quan hệ dân sự, còn việc Nhà nước thu hồi là quan hệ hành chính. Như vậy, một việc làm đầu là dân sự, đuôi là hành chính”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phân tích.
Ông cho biết, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc này phải đảm bảo quy định của pháp luật và bày tỏ băn khoăn nếu thực hiện “đầu dân sự đuôi hành chính” như hiện nay liệu có đúng không.
Đề cập đến trường hợp nhà ở siêu mỏng, siêu méo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết “chúng tôi chỉ dám đề xuất” Nhà nước bổ sung thêm cơ chế, chính sách và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng chính sách này để đề nghị thu hồi.
“Đây là quyền của người ta mà đặt vấn đề thu hồi ngay thì có thể vi hiến. Còn trường hợp để nhà siêu mỏng, siêu méo thì trong pháp luật về xây dựng sẽ phải xử lý vấn đề này. Trong trường hợp đấy không cho phép xây dựng nhà trên diện tích đất không đủ để tách thửa”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến câu chuyện thu hồi đất, ông Thanh cho biết, vẫn còn các phương án mở rộng hay thu hẹp các trường hợp đất cho xây dựng nhà ở thương mại, còn nhiều ý kiến khác nhau thì có lẽ giữ lại như quy định hiện hành ở Điều 23 của Luật Nhà ở.
“Vấn đề rất khó, chúng tôi thấy bây giờ rất lúng túng. Các địa phương rất muốn trong trường hợp thỏa thuận nhưng không thỏa thuận được hết 100% thì Nhà nước thu hồi, nhưng luật không cho phép từ dân sự chuyển sang hành chính. Phương án nào để giải quyết vấn đề này cũng là thách thức cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra”, ông Thanh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét