22/8/23

15 lần ông chủ Việt Á mang túi tiền USD hối lộ các quan chức

 


Phan Quốc Việt bị cáo buộc 15 lần tự mang tiền đi hối lộ, một lần chỉ đạo cấp dưới đưa và 3 lần chuyển khoản khi Công ty Việt Á xin cấp phép đăng ký và bán kit xét nghiệm Covid-19.

Trong đại án Việt Á, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Việt Á, cùng phó tổng Vũ Đình Hiệp là hai người bị cùng đề nghị truy tố về cả hai tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng  Đưa hối lộ.

Trong 37 người bị đề nghị truy tố còn lại có 3 nguyên ủy viên trung ương là cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Theo kết luận điều tra, Việt dùng mối quan hệ cá nhân để xin tham gia đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19 với Học viện Quân y để sau đó "biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty".

Quá trình hối lộ xuyên bộ ngành, địa phương của Việt bắt đầu từ tháng 8/2020. Ngày 27/8 năm đó, Việt dùng phần mềm chuyên biệt nhắn tin cho Bộ trưởng Chu Ngọc Anh hẹn gặp nhưng không được hồi âm. Qua một người khác, chiều cùng ngày, Việt được dẫn vào phòng làm việc của ông Ngọc Anh.

Theo lời khai, Việt ngồi ở ghế gần cửa, để balo máu xám đựng tiền dưới chân. Trong balo là túi màu xanh in tên website và số điện thoại Hotline của Công ty Việt Á, đựng 200.000 USD (4,6 tỷ đồng) cùng vài bộ khẩu trang, một chai nước rửa tay khô dạng xịt do Việt Á sản xuất.

Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an

Sau trao đổi về công tác phòng chống dịch chừng 15 phút, Việt đặt túi lên bàn, lôi khẩu trang và chai nước rửa tay hướng dẫn ông Ngọc Anh cách sử dụng. Bỏ khẩu trang vào lại túi, Việt nói: "Em mới có được ít thanh toán, ghé cảm ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp". Ông Ngọc Anh nhận quà và nói: "Tớ cảm ơn Việt".

Kết luận điều tra cho rằng khi Tổng giám đốc Việt Á ra về, ông Ngọc Anh cất túi quà vào buồng ngủ phía trong phòng làm việc. Khoảng cuối tháng 9/2020, khi dọn phòng để chuyển nơi làm việc mới ở trụ sở UBND Hà Nội, ông mới thấy túi quà này, mở ra thấy có 2 cọc, mỗi cọc 10 tệp, mỗi tệp có 100 tờ mệnh giá 100 USD, tổng cộng 200.000 USD.

Việt khai đưa tiền cho ông Ngọc Anh với mục đích cảm ơn đã tạo điều kiện cho Việt Á cùng tham gia nghiên cứu kit test. Đặc biệt, ông Ngọc Anh đã "không đề xuất biện pháp thu hồi khi Việt Á sử dụng kit xét nghiệm thuộc sở hữu của Nhà nước để kinh doanh trái pháp luật".

Cảnh sát xác định giá sản xuất tối đa một kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng nhưng Việt Á được hiệp thương giá 470.000 đồng. Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và đã tiêu thụ 8,3 triệu kit theo đơn giá 470.000 đồng, thu lợi bất chính 1.235 tỷ đồng.

USDCác lần Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt mang tiền đi cảm ơnTheo: Bộ Công an2 250 0002 250 0001 130 0001 130 000350 000350 000300 000300 000200 000200 000200 000200 000100 000100 000100 000100 00084 00084 00050 00050 000Nguyễn Thanh Long cựu Bộ trưởng Y tếPhạm Duy Tuyến cựu Giám đốc CDC Hải…Trịnh Thanh Hùng cựu vụ trưởng của Bộ …Nguyễn Minh Tuấn cựu vụ trưởng thuộc …Chu Ngọc Anh cựu Bộ trưởng KH&CHNguyễn Văn Trịnh cựu cán bộ VPCPNguyễn Nam Liên cựu vụ trưởng thuộc B…Phạm Xuân Thăng cựu bí thư Hải DươngNguyễn Huỳnh thư ký Bộ trưởng Y tếPhạm Công Tạc cựu Thứ trưởng KH&CN0500k1 000k1 500k2 000k2 500kVnExpress

Cùng thời gian này, Việt cũng đi cảm ơn Vụ phó Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng bởi đây là người có vai trò quyết định cho Việt Á được tham gia nghiên cứu, sử dụng kết quả nghiên cứu để kinh doanh. Việt và ông Hùng cũng có thỏa thuận ăn chia % doanh thu tiêu thụ.

Ngay sau khi Việt Á được Bộ Y tế thanh toán tiền bán 200.000 kit test đầu tiên, cuối tháng 8/2020, Việt mang 100.000 USD đến nhà riêng ông Hùng. Tiền để trong túi màu xanh cũng in địa chỉ website và số điện thoại Hotline của Việt Á.

Theo cáo buộc, ngồi trong nhà vụ phó Hùng nói chuyện chừng 30 phút, Việt đưa túi quà và nói lời cảm ơn như đã nói với ông Ngọc Anh: "Cảm ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ nhiệt tình, nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp". Việt ra về, ông Hùng mang tiền lên phòng ngủ kiểm tra, thấy trong túi có 10 tệp, mỗi tệp 100 tờ mệnh giá 100 USD. Lần hai cũng tương tự nhưng số tiền Việt đưa ông Hùng nhiều hơn gấp 2,5 lần - 250.000 USD.

Cùng cách thức, giữa tháng 4/2021, Việt được Thứ trưởng Phạm Công Tạc đồng ý gặp tại phòng làm việc trên tầng 3 trụ sở cơ quan. Ngồi nói chuyện khoảng 30 phút, Việt cầm túi màu xanh đựng 50.000 USD đưa cho ông Tạc và nói cảm ơn với nội dung như với ông Ngọc Anh và Hùng, cơ quan điều tra xác định.

Nhà chức trách cho hay đã thực nghiệm điều tra về cách Việt sắp xếp tiền, tư thế xách túi tiền trong các lần, cách vào trụ sở, vị trí để túi tiền... Các thực nghiệm trùng khớp với lời khai người liên quan nêu trên.

Tại Bộ Y tế, do có mối quan hệ từ trước, Việt cũng dễ dàng hơn trong tiếp cận. Vụ hối lộ quan chức y tế lần đầu tiên diễn ra tháng 12/2020, Việt xách túi vải in logo một ngân hàng đến nhà riêng của ông Nguyễn Huỳnh, thư ký của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Trước khi ra về, tại bàn uống nước ở tầng một, Việt đặt túi tiền lên mặt bàn nhờ Huỳnh chuyển cho ông Long. Việt về, ông Huỳnh kiểm tra thấy hai cọc tiền, tổng 200.000 USD. Tối cùng ngày, nam thư ký xách túi tiền này chuyển cho ông Long.

Trong một lần khác ăn tối tại nhà, ông Huỳnh nói với Việt rằng mua ôtô Volvo XC90 phải vay tiền ngân hàng. Nghe thấy vậy, Việt hứa đưa một khoản để trả nợ. Đầu tháng 1/2021, tức 5 tháng sau lần trao đổi đó, ông chủ Việt Á bảo cấp dưới mang 2 tỷ đồng tiền mặt đến đưa cho ông Huỳnh ở khu vực gửi xe trước cửa một khách sạn Hà Nội. Khi về nhà, ông Huỳnh kiểm tra thì thấy trong túi vải màu xanh có 4 cọc, mỗi cọc 10 tệp, mỗi tệp 100 tờ mệnh giá 500.000 đồng.

Theo kết luận điều tra, một tháng sau, đầu tháng 2/2021, ông Huỳnh chủ động gọi điện thoại cho Việt, truyền đạt chỉ đạo của ông Long về việc "đang cần huy động một số tiền lớn để xử lý công việc". Việt hỏi "cần số tiền bao nhiêu và thời gian nào để sắp xếp", ông Huỳnh nói "tùy bố trí và nếu chuyển được nhiều thì đỡ phải huy động chỗ khác".

Kết luận điều tra nêu do chơi thân từ lâu, Việt bảo Huỳnh đưa ra con số và được trả lời: "Một triệu USD, càng sớm càng tốt". Tổng giám đốc Việt Á đồng ý nhưng xin thời gian để sắp xếp vì "gần Tết âm lịch, khó xử lý nguồn tiền". Đầu tháng 2/2021, Việt mang một triệu USD và 2 tỷ đồng đến nhà Huỳnh nói: "Em gửi anh số tiền hôm trước anh dặn mang cho sếp và có chút ít chúc Tết anh".

Ngay tối hôm đó, khi chở ông Long về nhà riêng, Huỳnh xách túi tiền một triệu USD đưa cho sếp. Mang túi lên phòng làm việc, ông Long kiểm tra thấy 10 cọc tiền, mỗi cọc 10 tệp, mỗi tệp 100 tờ mệnh giá 100 USD.

Đầu tháng 11/2021, Huỳnh nhắn tin qua Whatsapp cho Việt trao đổi về việc ông Long "cần huy động một số tiền lớn để xử lý công việc, đề nghị hỗ trợ". Lần này, Huỳnh hẹn cho Việt gặp ông Long tại căn hộ chung cư cao cấp trên phố Núi Trúc. Khi Việt đến, thư ký Huỳnh bận nên Việt tự lấy thẻ từ mở cửa vào nhà ngồi chờ theo chỉ dẫn. Do ông Long sau đó không đến được, Việt đưa một triệu USD nhờ Huỳnh "đưa cho sếp lo việc".

Theo kết luận, lần duy nhất Việt đưa tiền trực tiếp cho ông Long vào cuối tháng 6/2021. Khi đó Việt đến trụ sở Bộ Y tế gặp nhờ ông Long ủng hộ chủ trương phát triển vaccine phòng chống Covid-19 nên đưa bọc tiền 50.000 USD. Ông Long cầm và cười nói: "Vẽ chuyện".

Cũng tại Bộ Y tế, Việt 2 lần đưa tổng cộng 300.000 USD cho ông Nguyễn Minh Tuấn, vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; một lần đưa 100.000 USD cho Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế. Khác với những người còn lại ở Bộ Y tế, khi Việt đưa tiền, ông Nam Liên từ chối, chỉ xin nhận khẩu trang và nước rửa tay. Thế nhưng Việt nói "chỉ là chút tiền cảm ơn" rồi để lại túi tiền trước khi ra về

Với bị can Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ, Việt đưa 2 lần tiền tại quán tại quán cafe trên phố Vạn Phúc gần nhà Trịnh, mỗi lần 100.000 USD.

Cơ quan điều tra đã cho Việt thực nghiệm việc xếp tiền vào hộp cùng với khẩu trang, nước rửa tay rồi cho vào valy, túi cùng với tư thế xách túi tiền trong các lần đi hối lộ. C03 cũng tổ chức cho những người nhận tiền xác định vị trí, đặc điểm nhận dạng túi tiền. Tất cả đều trùng khớp.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Huy Vũ

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Huy Vũ

Không chỉ tại Trung ương, Việt còn chi tiền ở địa phương trong giai đoạn bán kit xét nghiệm. Tại tỉnh Hải Dương, do gặp khó khi có một số đơn vị cạnh tranh với giá rẻ hơn rất nhiều, ngày 20/2/2021, Việt đến phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đưa 100.000 USD và đề nghị cho Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, người lao động. Bí thư Thăng đồng ý.

Kết luận điều tra nêu với giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, Việt chỉ đạo nhân viên Việt Á chuyển khoản 27 tỷ đồng cho ông Tuyến thông qua tài khoản ngân hàng của bạn học và tài khoản của thông gia nhà ông này. Số tiền này được xác định là % ngoài hợp đồng theo thỏa thuận giữa Việt và ông Tuyến, tương đương 20-25 %.

Vì sao cùng nhận tiền nhưng tội danh khác nhau?

Trong các quan chức đã nhận tiền trên, ông Long cùng Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Phạm Duy Tuyến, Trịnh Thanh Hùng bị cáo buộc Nhận hối lộ.

C03 xác định ông Long và thư ký Nguyễn Huỳnh đã gợi ý, đề nghị Việt đưa tiền. Đặc biệt là hai lần nhận nhiều nhất, mỗi lần một triệu USD, Việt đều đưa tiền do ông Long thông qua Huỳnh khi được gợi ý. Bị can Hùng và Tuyến còn thỏa thuận ăn chia % với Việt.

Trong nhóm Nhận hối lộ, ông Minh Tuấn và Nam Liên không bị cáo buộc có hành vi gợi ý hay gây khó dễ để người khác phải đưa tiền.

Cơ quan điều tra cáo buộc 6 cựu quan chức trên đã nhận nhận hối lộ tổng cộng 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng)

Ông Ngọc Anh và ông Tạc bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bị can Trịnh bị đề nghị tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Theo lý giải của cơ quan điều tra, việc không xử lý tội Nhận hối lộ là do ông Ngọc Anh và ông Tạc "không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận gì với Việt về việc đưa nhận tiền". Hai ông cũng không gây khó khăn nhằm mục đích Việt phải đưa. Số tiền đã nhận là tiền hưởng lợi do lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Số tiền Việt đưa cho ông Ngọc Anh bị cơ quan điều tra xác định có yếu tố "vụ lợi". Hành vi của ông Ngọc Anh gây thiệt hại tài sản Nhà nước 18,98 tỷ đồng (tiền ngân sách Nhà nước cấp phục vụ nghiên cứu đề tài, là giá trị tối thiểu của tài sản hình thành qua nghiên cứu đề tài).

Chuyên viên Nhà xuất bản dùng 'người có chức vụ' để trục lợi

Trong 38 bị can chỉ Nguyễn Thị Thanh Thủy (56 tuổi, cựu chuyên viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam) và Bạch Thùy Linh (45 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Từ giữa tháng 3/2020, khi Việt Á mới bắt đầu tham gia nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19, bà Thủy và Linh chủ động gặp Việt đề nghị cho làm đại lý cấp 1, độc quyền xuất khẩu. Do bà Thủy là chuyên viên nên việc phân phối kit test phải thông qua công ty của vợ chồng Linh.

Theo thỏa thuận, Việt Á sẽ chi cho bà Thủy 40% giá trị kit xét nghiệm xuất khẩu. Đổi lại, bà có trách nhiệm "dùng mối quan hệ cá nhân để can thiệp, tác động đến lãnh đạo bộ ngành", thúc đẩy giúp Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit test. Từ đó Việt Á mới đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu CE và lưu hành tự do CFS, phục vụ xuất khẩu.

Bà Thủy khai khi biết kit xét nghiệm của Việt Á chưa xuất khẩu được do Bộ Y tế chưa cấp phép đã nhắn tin bảo Việt liên hệ với thư ký Huỳnh. Với việc chi tiền lót tay, ngày 4/12/2020, kit xét nghiệm Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành chính thức.

Nguyễn Thị Thanh Thủy (trái) và Thùy Linh lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (trái) và Thùy Linh lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Bà Thủy và Linh bị cáo buộc đã móc nối cho một công ty nước ngoài mua một triệu USD kit xét nghiệm của Việt Á để tặng cho Việt Nam. Công ty này đồng ý mua nhưng ra điều kiện phải có đại diện Chính phủ dự buổi lễ trao tặng.

"Thủy đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân trực tiếp liên hệ, can thiệp để ông Nguyễn Thanh Long, khi đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, đến buổi lễ trao nhận kit test", C03 kết luận.

Ông Long khai biết Thủy "có mối quan hệ rộng với người có chức vụ, quyền hạn" nên khi Thủy điện thoại nhờ có mặt tại buổi lễ trao tặng kit xét nghiệm ông mới nhận lời. Ông Long còn nhắn tin cho Thủy số điện thoại của một lãnh đạo Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam để liên hệ, bố trí việc tham dự.

Nhờ sự sắp xếp của Thủy và Linh, Việt Á đã ký hợp đồng trị giá hơn 23 tỷ đồng, bán 40.000 kit xét nghiệm cho công ty nước ngoài trên. Đầu tháng 4/2020, Việt đã chuyển hơn 8 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng cho Thủy như thỏa thuận. Số tiền này, Thủy hưởng 2 tỷ đồng, Linh nhận 6 tỷ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...