Mẹ Lê Thị Đào, năm nay đã 94 tuổi, ở thôn 4, xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, người có gần 30 năm luôn sát cánh, giúp đỡ lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, song mẹ vẫn luôn sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết bà con lương giáo, là tấm gương mẫu mực cho mọi người noi theo.
Năm 1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP được thành lập, trên toàn tuyến biên giới bờ biển hình thành các đồn CANDVT. Tại huyện biên giới Hương Khê triển khai xây dựng 3 đồn CANDVT, Đồn 97 (Trại Trụ) được ra đời từ ngày ấy. Địa bàn quản lý của đồn gồm 3 xã biên giới là Phú Gia, Hương Long và Hòa Hải. Đội công tác địa bàn có nhiệm vụ nắm tình hình hoạt động của các loại đối tượng phản động, tội phạm; vận động nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Gia đình mẹ Lê Thị Đào được chọn làm nơi ở và làm việc cho đội công tác, bởi ngôi nhà nằm giữa vườn cây cọ già và hàng chục cây cổ thụ, thuận lợi khi xây hầm trú ẩn, có đường hào thoát hiểm nối với khe suối.
Không những thế, mẹ còn dành hàng ngàn mét vuông vườn nhà làm khu điều trị cho Bệnh viện huyện Hương Khê sơ tán về. Gia đình mẹ thường xuyên đón từ 2 đến 4 đồng chí CANDVT và 2 cán bộ thuộc Phòng 48 (phản gián) của Ty Công an đến ở. Do tình hình an ninh phức tạp nên cán bộ, chiến sĩ hoạt động không kể ngày đêm, mẹ là người lo bữa ăn hàng ngày cho các cán bộ và cảnh giác, phát hiện các đối tượng nghi vấn lảng vảng quanh khu vực. Khổ nhất là vào ban đêm, chỉ cần có ánh sáng le lói là bị ném bom tọa độ. Máy bay Mỹ suốt ngày gầm rú, thả bom phá hoại tuyến đường từ Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao dọc con đường chiến lược 15b của bộ đội ta vào Nam, chúng tung hàng chục toán gián điệp, biệt kích xuống núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn nhằm hoạt động chỉ điểm cho máy bay ném bom, đặt mìn phá hoại cầu cống và ám sát cán bộ.
Những ngày chiến tranh ác liệt đó, sự nguy hiểm lúc nào cũng cận kề, nhưng với tấm lòng trung trinh, không ngại hy sinh, gian khổ, gia đình mẹ đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Mẹ nhường nhà cho bộ đội ở, mẹ dành thời gian, công sức để chăm lo đời sống cho bộ đội, công an, giúp họ công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù khó khăn, nhưng mẹ luôn tìm cách khắc phục, chồng mẹ là ông Nguyễn Thiện hàng đêm đi đánh bắt cá để có thêm thức ăn cho bộ đội. Nồi cơm lẫn sắn lúc nào cũng nóng hổi trên bếp, mẹ nằm đợi đến người cuối cùng về ăn, có khi thâu đêm suốt sáng.
Mẹ tâm sự: Ngày ấy, các chú bộ đội khổ lắm, bị sốt rét, nhưng vẫn phải đi bộ hàng chục cây số, trèo đèo lội suối, ăn uống kham khổ nên gầy yếu, mẹ phải kiếm thêm con cá, quả trứng, rau xanh để bồi dưỡng cho bộ đội. Mẹ nhớ nhất là đêm cuối năm 1968, địch phát hiện trận địa ra đa, tên lửa của ta vừa di chuyển đến khu vực này, từng đàn máy bay Mỹ đã trút hàng loạt bom các loại xuống, may mà trận ra đa, tên lửa đã được dời đi vài giờ trước đó, cả thôn 4 dày đặc bom thù, nhà cháy, người mất, gia súc chết hàng loạt. Nhà mẹ lúc ấy có 2 cán bộ mới về địa bàn, một người đang lên cơn sốt rét. Hai vợ chồng mẹ chỉ kịp kéo 2 người xuống hầm trú ẩn ngay sát sau vườn, còn mình thì lần theo giao thông hào ra suối trú ẩn. Thật may là không ai bị thương.
Một số đối tượng phản động rất căm tức khi có một lực lượng an ninh đang nằm ngay tại địa bàn nên bí mật chặn đường mẹ đi lễ nhà thờ để mua chuộc mẹ cung cấp thông tin, bị mẹ từ chối, chúng hăm dọa mẹ không được cho cán bộ ở. Bằng sự kiên quyết và khéo léo của mẹ, kết hợp với đấu tranh của các chiến sĩ CANDVT nên chúng buộc phải chấp nhận thất bại.
Suốt từ năm 1960 cho tới năm 1985, hàng trăm cán bộ Biên phòng, Công an đã ở, công tác và trưởng thành từ căn nhà của mẹ, họ ra đi nhận nhiệm vụ mới, nhưng vì bận công tác, có người chưa một lần quay lại, song vẫn viết thư về thăm hỏi, động viên mẹ; cũng có những người đã đảm nhiệm vị trí công tác quan trọng như Đại tá Võ Hồng Tuyên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh BĐBP, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Năm 1985, khi các đội công tác Biên phòng rút khỏi địa bàn, vợ chồng mẹ mới trở lại căn nhà trên và 10 năm sau, chồng mẹ đã ra đi, để lại cho mẹ nỗi nhọc nhằn khi phải một mình nuôi đứa con tật nguyền trong lúc kinh tế còn khó khăn.
Tuy vậy, mẹ không đòi hỏi sự đãi ngộ nào của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Mẹ vẫn ngày đêm cần mẫn trên đồng ruộng để nuôi con nên người, đứa con cũng đã lấy vợ, sinh con và rất có hiếu - có lẽ đó là niềm an ủi lớn của người mẹ cả một đời hy sinh, cống hiến cho đất nước. Năm 2019, khi có đơn vị Công binh của Quân khu 4 về rà phá bom mìn chưa có nhà ở, mẹ lại sắp xếp về nhà con trai ở và nhường ngôi nhà, khu vườn, gian bếp rộng hơn 8.000m2 cho đơn vị ở hơn 4 tháng. Mẹ chia sẻ: “Mẹ già rồi, nhà thì bộ đội và chính quyền địa phương mới sửa lại cho, bộ đội về gỡ bom mìn cho dân là mừng rồi, mẹ phải giúp bộ đội chứ”.
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của mẹ Lê Thị Đào, Nhà nước đã tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho mẹ; Bộ Tư lệnh BĐBP tặng “Kỷ niệm chương Vì chủ quyền, an ninh biên giới”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ tiền cùng địa phương sửa chữa lại căn nhà gỗ đã xuống cấp cho mẹ. Hiện nay, mẹ sống sum vầy bên con cháu và mỗi dịp lễ, Tết, mẹ như trẻ lại khi những người lính Biên phòng đến thăm hỏi, động viên, kể cho mẹ nghe chuyện cuộc sống, công tác... Với mẹ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ lúc tuổi già bởi luôn được sống trong tình yêu thương, kính trọng, biết ơn của những người lính Biên phòng!
Nguyễn Hồng Thái - Biên Phòng
Mẹ Lê Thị Đào. Ảnh: Hồng nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét