Ông Donald Trump thì “thôi đã thôi rồi”, dù trong thế tuyệt vọng, vẫn đang vùng vẫy, gào thét, đe nẹt ông Joe Biden và đảng Dân chủ đối lập về những điều gọi là gian lận trong cuộc bầu cử, mà không đưa ra bằng chứng. Hành xử kiểu ấy, với ai kia, chứ với ông Trump, không lạ. Thế giới quen rồi.
Còn ông Biden đã có bài phát biểu đầu tiên. Không dài, nhưng, khác ông Trump, đại diện của đảng Dân chủ gây ấn tượng bằng lời lẽ từ tốn, chín chắn, giàu cảm xúc, đậm đà thông điệp về tinh thần tận tụy của mình vì cả nước Mỹ. Ông cũng sử dụng những ngôn từ khôn ngoan, không phân biệt màu xanh của đảng Dân chủ hay màu đỏ của Đảng cộng hòa, lại định danh chiến thắng của mình là “chiến thắng của “chúng ta – một dân tộc”. Tinh thần “đức trị” cũng hiện rõ trong quan điểm làm những người định kiến về một nước Mỹ thô bạo, cậy thế, cường quyền... có thể nhẹ nhõm, ít nhất, lúc này, rằng: “Chúng ta không lãnh đạo nhờ vào tấm gương về sức mạnh của chúng ta, mà bằng sức mạnh của chúng ta khi là tấm gương”...
Nhiều người cố công tìm một từ, một ngữ nào đó khả dĩ thể hiện quan điểm, thái độ của người sẽ là “nhân vật quyền lực nhất thế giới”, định hình những quan hệ đối ngoại, nhất là với Trung Quốc, hoặc những vấn đề nóng, như vấn đề Biển Đông.
Nhưng, họ khá thất vọng. Bởi chẳng có một dòng, chữ nào thể hiện trực tiếp nội dung đó.
Tuy nhiên, không trực tiếp không có nghĩa hoàn toàn không có. Chẳng lẽ “Hướng tới một nước Mỹ không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ nhượng bộ” - câu trong bài phát biểu của ông Biden - lại không là một thông điệp, không thấp thoáng một điều gì đó? Nó là gì, nếu không phải là ông Biden và chính quyền Mỹ “hậu Trump” sẽ tiếp tục cứng rắn đối với những vấn đề cần thiết, trong đó, câu chuyện Biển Đông và Trung Quốc không thể bị gạt ra ngoài?
Liên quan vấn đề này, báo chí Mỹ và phương Tây soi mói từ lâu. Các chuyên gia quốc tế cũng đâu có bỏ quên một trong những mối quan hệ được coi là “nóng nhất” giữa các cường quốc, cụ thể là Mỹ - Trung trong năm, thể hiện qua cuộc chiến thương mại, lan sang cuộc chiến công nghệ, rồi tiếp đó là cuộc chiến trên Biển Đông. Chính quyền Trump từng chính thức tuyên bố coi Trung Quốc là “quốc gia theo chủ nghĩa xét lại”; lại xác định nước này là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, đẩy mạnh hiện diện ở biển Đông. Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh ở biển Đông – cú đòn khiến ông Tập Cận Bình của Trung Quốc, tới nay hẳn còn giận run người và khiến bao nhiêu người hả hê, hoan hỷ.
Trở lại vấn đề trên, tờ Tờ Nikkei Asia, giữa lúc căng thẳng nhất của cuộc đua vào Nhà trắng, đã bình luận rằng, quan điểm về Trung Quốc của ông Biden thực ra là gần với Tổng thống Trump. Nó đều dựa trên 2 lợi ích cốt lõi, căn bản, không thể nhân nhượng của nước Mỹ: tự do hàng hải và địa vị lãnh đạo thế giới. Thực tế cho thấy, người Mỹ có thể phân tán, thậm chí biểu tình, xung đột nhau trong câu chuyện mang/hay không mang khẩu trang; giãn cách hay không giãn cách xã hội trong ứng phó với đại dịch Covid..., nhưng chắc chắn, chẳng một người Mỹ nào muốn nước Mỹ bị Trung Quốc vươn lên, vượt qua trong vị trí siêu cường.
Do vậy, sự cứng rắn với Bắc Kinh thời ông Trump sẽ được ông Binden duy trì và kế thừa. Khác chăng, chỉ là vấn đề phương pháp tiếp cận, giải quyết và có tiến đến được kết quả hay không mà thôi.
Điều đó cũng có nghĩa, cùng với đấu khẩu, cãi cọ với Trung Quốc, tàu bè, máy bay các loại của Mỹ sẽ tiếp tục nghênh ngang hiện diện ở Biển Đông, thậm chí với mức độ dày đặc hơn; các cuộc tập trận của Mỹ với “bộ tứ”, “bộ tam” và đồng minh sẽ thường xuyên hơn. Điều đó cũng có nghĩa, Trung Quốc - quốc gia hãnh tiến, đang muốn thể hiện kẻ cả trước thiên hạ, sẽ đáp trả, ăn miếng trả miếng với Mỹ, dẫn đến tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều bất ngờ.
Và như thế, Biển Đông còn lâu mới tới thời lặng sóng.
Vậy nên, các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, muốn bảo vệ lợi ích, chủ quyền chính đáng của mình, cần phải tỉnh táo và độc lập, chớ nên ảo vọng, phụ thuộc vào một chữ “thời” nào cả, dù là thời ông Trump hay thời ông Biden.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét