9/11/20

BẦU CỬ TỐNG THỐNG MỸ HÉ LỘ NHỮNG MẢNG TỐI TRONG NỀN DÂN CHỦ PHƯƠNG TÂY

“Mô hình dân chủ Mỹ đang hụt hơi”, “Kẻ thua cuộc lần này trong bầu cử tổng thống Mỹ chính là nền dân chủ”, “Nền dân chủ Mỹ đang bị chế nhạo”, “Vở tuồng ngoạn mục đang diễn ra trên sân khấu chính trị tại một trong những nền dân chủ lâu đời nhất hành tinh”, “Ảo vọng về nền dân chủ phương Tây”… Đó là một số trong rất nhiều bình luận trên truyền thông quốc tế về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử và đến hôm nay vẫn chưa đi đến hồi kết.

Từ lâu nay, Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung luôn tự hào về thiết chế dân chủ của mình, tự coi là hình mẫu dân chủ của thế giới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đưa ra những câu trả lời khác.
Bình luận về cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 30/9/2020 giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden, The Guardian, một tờ báo lớn của Anh, đã gọi đây là một “sỉ nhục quốc gia”, “một cuộc tranh cãi nảy lửa, hỗn loạn và đầy ác ý giữa hai ông già mà phần còn lại của thế giới sẽ nhìn vào mà khóc ròng”.
Cuộc chiến bằng miệng vẫn tiếp tục sau ngày bầu cử trong lúc nước Mỹ đang lúng túng đếm từng lá phiếu để phân chia thắng bại. Đêm 3 – 11, ông Trump đã tuyên bố thắng cuộc khi kết quả kiểm phiếu còn chưa ngã ngũ. Sau đó ông lại cáo buộc đối phương gian lận bầu cử mà không đưa ra bằng chứng nào, đồng thời đe dọa một cuộc chiến pháp lý kéo dài khiến tình hình càng trở nên hỗn loạn.
Về phần mình, ông Biden dọa sẽ cho quân đội áp tải ông Trump rời Nhà Trắng nếu không tự nguyện rút lui. Tất cả những cãi vã, kiện tụng, đe dọa… đang làm cho tình hình ngày càng hỗn loạn và làm xấu thêm hình ảnh của nước Mỹ.
Nhận xét về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, bà Nathalie Tocci, giám đốc Viện các vấn đề quốc tế tại Rome, Italia, cho rằng nếu cuộc bầu cử cuối cùng kết thúc tại tòa án và dẫn tới bạo lực thì điều đó sẽ gây tổn hại thêm cho vị thế của Mỹ và làm xói mòn nền dân chủ ở châu Âu.
Còn nhớ, trong cuộc tiếp xúc với báo chí phương Tây ngày 29/06/2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà cảm thấy lo lắng vì mô hình dân chủ tự do dường như đang yếu thế so với sức mạnh của các “chế độ độc tài” (ám chỉ các nước theo CHXH). Phát biểu này của bà Merkel xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm rung chuyển nhiều nước phương Tây và làm ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của nhiều người đối với những giá trị dân chủ phương Tây. Không ít công dân mạng ở các nước phương Tây đã chế giễu chính quyền của chính nước họ rằng: “dân chủ chẳng để làm gì một khi quý vị không có khả năng bảo vệ người dân khỏi một con virus”, trong khi những nước vừa “độc tài”, vừa “nghèo hèn” lại làm chuyện đó một cách rất hiệu quả”.
Thực ra, những dấu hiệu suy thoái của nền dân chủ phương Tây xuất hiện đã từ lâu nay, nhưng trong những năm gần đây sự suy thoái đang trở nên ngày càng trầm trọng. Niềm tin vào nền dân chủ phương Tây đang bị lung lay tại chính nhiều nước phương Tây. Kết quả một cuộc điều tra xã hội gần đây do một viện thăm dò dư luận ở Pháp tiến hành cho thấy hơn 50% công dân các nước châu Âu cho rằng dân chủ đang đi theo chiều hướng xấu tại đất nước họ.
Sau đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay thêm một lần nữa làm bộc lộ những lỗ hổng chết người trong hệ thống được coi là dân chủ phương Tây. Sau nhiều năm cao giọng “dạy bảo” các nước khác về thế nào là dân chủ, thế nào là quyền con người, có lẽ các nước phương Tây đã nhận ra rằng không có nền dân chủ trên thế giới là hoàn thiện cả và nền dân chủ phương Tây cũng có rất nhiều khiếm khuyết, không thể coi là hình mẫu cho toàn thế giới.
Bây giờ chính là lúc Mỹ và nhiều nước phương Tây khác nên tập trung cứu vãn nền dân chủ đang bị lung lay tại chính nước họ, chứ không phải lo đi dạy bảo các nước khác về tự do, dân chủ, nhân quyền./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...