Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm
Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.
Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao
Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng
Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận
Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.
Với người láng giềng đang lúc lâm nguy
Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế
Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể
Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.
Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan
Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại
Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi
Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.
Với chuyến du thuyền đang "khóc" giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.
Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
"Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại"
Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.
Từ mái trường này em sẽ lớn lên
Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.
Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!
Cô giáo Chu Thị Thanh
Mấy hôm nay cư dân mạng dậy sóng vì bài thơ: Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Thị Thanh viết gửi các em học sinh của mình về tình yêu đất nước và công tác chống dịch Covid-19.
Có thể bài thơ chưa thực sự đắt về câu từ, chưa đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, như rất rất nhiều các bài thơ trước đây đã từng rung rật cư dân mạng bởi sự lan truyền, chia sẻ đến chóng mặt của các sĩ tử. Nhưng vào thời điểm này, với một bài viết có tính tuyên truyền lan tỏa nhân văn của một cô giáo nơi vùng sâu, nó cũng mang đầy ý nghĩa cần khích lệ đấy chứ!
Hiện nay, trên nhiều trang mạng đang bới lông tìm vết, săm soi từng câu chữ, chấm phẩy của cô giáo để ném đá, quả cũng hơi buồn, bởi chính họ đã vô tình đánh rơi cốt cách của khách thơ.
Tại sao lại ném đá nhỉ? Khi cô đâu có nhận mình là nhà thơ. Cô đâu có gửi đi đăng báo, cô đâu có háo danh tên tuổi. Cô chỉ viết theo ngẫu hứng, cảm nhận từ chính trái tim của một cô giáo với mục đích gửi cho học sinh của mình trên trang cá nhân, nào đâu có đồng nhuận bút.
Bài thơ ấy, có thể sẽ không được dậy sóng nếu như cô không được Thủ tướng khen ngợi. Nhưng chắc chắn cũng góp phần không nhỏ lan toả tự hào về tình người Việt, cốt cách Việt. Để cho người xem cảm thụ, ngấm dần những nét đẹp nhân văn ấy, mà chẳng ai để ý đến cái thi vị xúc tác của nó là nhờ ai.
Hiện nhiều kẻ chống phá với mưu mô không trong sáng, đang vẽ bút, bôi bẩn vào công văn khen ngợi của Thủ tướng dành cho cô giáo Thanh, nhằm hạ uy tín lãnh đạo. Đó là điều trái với đạo nghĩa ở đời, cốt cách nhân Việt. Việc ngợi khen kịp thời âu cũng là một việc đáng làm và nên làm, nhằm động viên khích lệ kịp thời những con người có tâm với đất nước, biết lan tỏa niềm tin, mang thông điệp an dân đến mọi nhà. Nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn ra.
Hẳn ít người biết các nguyên thủ, lãnh đạo nhà nước trước đây cũng đã từng gặp gỡ người dân để đàm đạo, khen ngợi những bài thơ dậy sóng một thời. Như thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây 34 năm cũng đã từng mời nữ sinh Phạm Thị Xuân Khải khoa văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội lên đàm đạo, khen ngợi về bài thơ: Mùa xuân nhớ Bác. Đặc biệt tác giả còn được Bác Giáp mời cơm cùng gia đình. Sao ấm tình nghĩa Việt đến thế. Việc ấy giờ đây hẳn vẫn là nét đẹp để đời, lưu vào hậu thế.
Ngay tôi, một người lao động bình thường như hàng vạn công nhân đất mỏ. Thỉnh thoảng dâng trào cảm xúc cũng ngẫu hứng ghép vần câu chữ lên trang cá nhân của mình. Vậy mà vẫn được lãnh đạo của tỉnh biết đến. Đôi lần lại được các anh mời về đàm đạo câu chữ. Chẳng nhẽ những tâm sáng như vậy không lưu vào lòng tôi những điều trân trọng hay sao? Cái giá trị, cái tâm của lãnh đạo đã biết khơi dậy, để lan tỏa niềm tin, điều tốt, việc hay cho cộng đồng, đáng trân quý biết bao.
Biết khơi dậy niềm tin trong nhân dân, đó là cốt cách của các bậc sĩ phu, để lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng. Âu cũng là nghĩa đẹp và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, theo tôi nghĩ thế.
Nguồn phân tích: Trang fanpage Facebook ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét