Xuyên tạc, nói xấu, hòng làm mất uy tín, thể diện, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thủ đoạn chống phá trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thế nhưng, thực tiễn đã bác bỏ mọi xuyên tạc, chứng minh rõ “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Kỷ niệm lần thứ 30 Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”. Điều đó, một mặt, nhằm khẳng định bản chất tốt đẹp, nhân văn và tiến bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam; mặt khác, nhằm khích lệ, giáo dục và yêu cầu mọi đảng viên của Đảng phải không ngừng tu dưỡng, phấn đấu để Đảng ta mãi mãi “là đạo đức, là văn minh”.
Những năm gần đây, trước sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; sự thất thế của nhiều đảng cộng sản và công nhân tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, thì việc xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản cầm quyền ở những nước còn lại trở thành thủ đoạn phổ biến của các thế lực chống cộng, nhằm làm mất uy tín, vị thế, vai trò của đảng cộng sản trong xã hội, tiến tới xóa bỏ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những quốc gia này. Đối với nước ta, các thế lực chống cộng, phản động ở nước ngoài câu kết với những phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội chính trị, bất mãn ở trong nước cũng dùng mọi thủ đoạn để công kích sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, xuyên tạc sự thật lịch sử, nói xấu, bôi lem hình ảnh Đảng Cộng sản Việt Nam là thủ đoạn được họ tích cực sử dụng. Họ bỏ qua sự thật lịch sử những năm đầu thế kỷ XX để cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “tiếm quyền” lãnh đạo cách mạng của các lực lượng chính trị khác, nên
“không thể là đạo đức”(!). Họ phớt lờ những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, cố tình khuếch đại một số sai lầm của Đảng trong thực tiễn để chứng minh đó là “hành động vô đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam”(!). Trước thực trạng trong Đảng hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, họ lớn tiếng “Đảng Cộng sản Việt Nam không còn là đạo đức, là văn minh”(!). Nhân sự thoái trào tạm thời của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, họ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, vẫn kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội là “lạc hậu, không còn là một đảng tiến bộ, văn minh”(!), v.v. Mục tiêu hướng tới của những luận điệu công kích này là làm mất uy tín, thể diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trước quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân xa rời Đảng; đồng thời, gieo rắc sự hoài nghi, dao động trong đội ngũ đảng viên của Đảng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, tạo thời cơ để giành lấy chính quyền, đưa đất nước đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Những luận điệu sai trái đó vô cùng nguy hiểm, phải kiên quyết vạch trần, bác bỏ.
Trước hết, cần khẳng định dứt khoát: không có chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam “tiếm quyền” lãnh đạo cách mạng của các lực lượng chính trị khác. Nhìn lại lịch sử Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có thể thấy: các phong trào Cần Vương, Đông Du, Tây Du; các cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Yên Bái; các cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục,… đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, nhưng rốt cuộc đều lâm vào bế tắc và thất bại. Các tổ chức, đảng phái chính trị ra đời trong thời kỳ này, như: Hội Phục Việt (năm 1925), Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927),... với nhiều cương lĩnh chính trị khác nhau, nhằm chiếm vũ đài lịch sử, nhưng các ngọn cờ lãnh đạo của họ không vượt qua được sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp. Nguyên nhân khiến các phong trào và tổ chức đó không thể đi tới thành công bởi các ngọn cờ mà họ giương lên không giải quyết được mâu thuẫn cơ bản của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, không phù hợp với xu thế của thời đại, nên không thể đoàn kết được toàn dân tộc. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với việc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc để đấu tranh giành độc lập, tạo ra bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước, đánh dấu kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Do vậy, không phải Đảng Cộng sản Việt Nam “tiếm quyền”, mà chính lịch sử đã trao trọng trách lãnh đạo cách mạng cho Đảng ta, sau khi đã khảo nghiệm một cách khắt khe những phương án chính trị của các lực lượng chính trị đương thời. Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, mà còn là nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, phù hợp với xu thế của thời đại; là ngọn cờ đưa nhân dân ta đến độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, nên điều đó chứng tỏ “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Để xem một đảng chính trị có “là đạo đức, là văn minh” hay không, người ta không chỉ nhìn vào mục tiêu, lý tưởng, mà còn phải nhìn vào hành động của đảng đó. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, 90 năm qua, kể từ khi bước lên vũ đài đấu tranh chính trị (02-1930), dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; “…nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”1 và hội nhập quốc tế. Nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước (gồm cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc); là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và tiếp tục sứ mệnh này trong nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trên lĩnh vực kinh tế, nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, dựa vào viện trợ để đứng vững, nay chúng ta đã đứng vào nhóm nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực và nhiều mặt hàng khác. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn dưới 5% (theo chuẩn nghèo đa chiều) hiện nay. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; nước ta đã tham gia vào Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, v.v. Những thành tựu đó gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và là minh chứng thuyết phục về năng lực lãnh đạo của Đảng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập; chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Nhìn lại thực tiễn lãnh đạo cách mạng, đúng là có thời điểm Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Song, đó chỉ là những nốt trầm lẻ loi trong bản trường ca hào hùng 90 năm lãnh đạo của Đảng. Quan trọng hơn, trước mỗi sai lầm, Đảng đã thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm, nghiêm túc tự phê bình trước nhân dân, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến lên. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”2, tức là một Đảng “đạo đức, văn minh”. Hiện nay, nhận thấy thực trạng có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với một hệ thống giải pháp rất quyết liệt. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) được thực hiện một cách kiên trì, kiên quyết, làm thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chỉ tính từ sau Đại hội XII đến tháng 10-2019, hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, một số cán bộ cấp cao đã bị xử lý hình sự. Đó là chưa kể hàng nghìn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các cấp dưới bị xử lý. Kết quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không có vùng cấm đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời, là minh chứng khẳng định việc làm đó của Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.
Mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, nhưng Đảng ta vẫn kiên trì lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng không phải là “sự bảo thủ, lạc hậu”. Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ không có nguyên nhân từ học thuyết này. Đây là điều mà nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô thời kỳ đó thừa nhận qua hồi ký và phát biểu của họ. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của sự sụp đổ bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều, xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Do vậy, đây là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội - “mô hình xô-viết”, chứ không phải là sự sụp đổ học thuyết Mác – Lê-nin. Mặt khác, những thay đổi của thế giới ngày nay vẫn chưa vượt khỏi những quy luật mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khái quát, nên học thuyết này vẫn là lý luận khoa học, cách mạng, giá trị nhất trong việc giải thích và cải tạo thế giới. Bản thân Giắc-cơ Đê-ri-đa, triết gia hiện đại có uy tín ở Mỹ và Pháp, cũng kêu gọi nhân loại “Trở về với Mác”. Ông cho rằng: nhân loại “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”3. Còn Đi-đi-ê Ê-ri-bông, nhà chính luận Pháp khẳng định: sức sống mãnh liệt của học thuyết Mác là bất diệt và vai trò dẫn đường thời đại mới vẫn chính là chủ nghĩa Mác4. Chả thế mà trước sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản trong việc giải quyết các mâu thuẫn nội tại của mình, nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ nước Mỹ (năm 2008), nhiều người trong xã hội tư bản, kể cả một số nhà lãnh đạo các nước phương Tây, đã tìm đọc các di sản của C. Mác. Đối với cách mạng Việt Nam, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, có một nguyên nhân cơ bản là Đảng ta luôn kiên trì lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Sự kiên định đó luôn gắn với sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ngay sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không chỉ là sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân như các đảng cộng sản khác, mà còn kết hợp với phong trào yêu nước. Quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng không chỉ là quá trình xây dựng bản chất giai cấp công nhân như quân đội các nước xã hội chủ nghĩa khác, mà còn gắn liền với bồi dưỡng tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, v.v. Chính vì thế, tổng kết 30 năm đổi mới, Văn kiện Đại hội XII đã rút ra bài học số một là: “phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”5. Sự kiên định như thế “là đạo đức, là văn minh”.
Để Đảng ta mãi mãi “là đạo đức, là văn minh”, chúng ta cần tạc ghi trong lòng Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cùng Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; coi đó là việc làm tự giác, thường xuyên, gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những hình thức phong phú, sáng tạo. Đó là cách làm thiết thực để kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
NGUYỄN NGỌC HỒI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét