Nhà văn ưu tú của Hà Nội
Tôi rất kính trọng nhà văn Hoàng Quốc Hải. Khi biết tin ông được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024, tôi rất xúc động, tự hào và cảm nhận rất rõ ràng sự đích đáng, tính nhân văn và tầm vóc văn hóa của danh hiệu này với nhà văn Hoàng Quốc Hải.
1. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đặc biệt ở chỗ ông rất khiêm tốn trong đời sống và trong sáng tác. Nhưng văn chương của ông luôn vị quốc, vị dân từ dòng đầu tiên tới dòng cuối cùng. Tôi còn rất nhớ khi là một binh nhì gác kho nơi thâm sơn cùng cốc năm 1994 đã tình cờ đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thăng Long nổi giận” của ông. Phải nói rằng vô cùng hấp dẫn.
Tôi đọc trong đêm mà luôn có cảm giác ngay sớm ngày mai, nếu có thể thích hai chữ “sát Thát” vào cánh tay để gia nhập đội dũng sĩ của Hưng Đạo Vương huyết chiến với giặc Nguyên-Mông bảo vệ kinh thành Thăng Long, tôi cũng sẵn sàng. Tôi đã giận sôi người khi nhà văn miêu tả sứ giặc Sài Thung nhà Nguyên đi lại nghênh ngang, dám quát tháo cả vua Trần mà đức vua và triều thần phải nín nhịn để bắt chúng một ngày phải chịu nhục thua trận đến 3 lần, đã bị đóng đinh vào thơ văn lịch sử: “Đến nay nước sông tuy chảy hoài/ Mà nhục quân thù khôn rửa nổi” ("Bạch Đằng giang phú", Trương Hán Siêu).
2. Tôi may mắn được làm học trò của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Gặp ông lần đầu tại trại viết văn Đại Lải khi tôi là phóng viên truyền hình Quân đội năm 1998 đã phỏng vấn ông về các cuộc bảo vệ kinh thành Thăng Long của triều Trần trước giặc dữ Nguyên-Mông. Nhà văn điềm nhiên bảo, đã là kế "thanh dã" thì từ đức vua đến bách dân đều phải tuyệt đối thi hành. Càng là kinh thành Thăng Long, càng phải "vườn không nhà trống".
Đó là kỳ mưu của Hưng Đạo Vương. Đó là linh khí của tổ tông người Việt truyền kế sách cho con cháu trong đánh giặc, giữ nước. Đánh giặc không được như đánh bạc 5 ăn 5 thua. Chính đại kế "vườn không nhà trống" cùng với sự đoàn kết toàn dân tộc mà triều Trần 3 lần chiến thắng giặc Nguyên-Mông hùng mạnh.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải viết về kinh thành Thăng Long, thành lũy Cổ Loa xưa và các vùng đất thuộc TP Hà Nội hôm nay trong các trang văn đậm chất văn hóa-lịch sử của ông rất tài hoa và lịch lãm. Cả về con người cũng vậy. Trong cuốn sách “Kẻ sĩ trước thời cuộc”, ông đã khắc họa rất thanh thoát các nhân vật văn hóa-lịch sử, trong đó có nhiều người con Hà Nội.
Bài ông viết về nữ sĩ Ngân Giang-một tự vệ thành Hà Nội đặc biệt đã dám một mình vào hang cọp-đại doanh quân Quốc dân Đảng của tướng Tiêu Văn tại Hà Nội cứu các đồng chí của mình, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã cho thấy tấm lòng của kẻ sĩ với cách mạng, với đồng chí, đồng đội hết sức kiên trung, dũng cảm. Những trang viết của Hoàng Quốc Hải về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Quang Dũng, Nguyễn Xuân Khánh... với Hà Nội và về Hà Nội đều rất sâu sắc và đưa ra những thông điệp đáng suy ngẫm. Vẻ đẹp từ những chân dung văn học đậm chất Hà Nội ấy chính là một trong những nét bút đặc sắc của Hoàng Quốc Hải.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nổi tiếng với hai bộ tiểu thuyết lịch sử "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý" và những bối cảnh, đại cảnh lớn trong đó đều diễn ra trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội. Điều này càng cho thấy vị trí vô cùng quan trọng và tầm nhìn, nhãn quan sâu rộng của nhà văn với đất nước, với nhân dân.
Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm; nhiều luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về các tác phẩm của nhà văn Hoàng Quốc Hải, mà tiêu biểu và phong phú nhất vẫn là về văn hóa-lịch sử, nghệ thuật chính trị, nghệ thuật quân sự trong các tiểu thuyết lịch sử của ông. Trong các tham luận, bài viết, luận văn, luận án ấy, danh xưng Thăng Long-Hà Nội luôn chiếm một vị trí quan trọng và luôn gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải là một người rất yêu Hà Nội. Ông đã yêu một cách đau đớn và thiêng liêng, trầm hậu và sôi nổi rất riêng, rất khác. Thẳm sâu trong ông là trái tim của một người con Hà Nội. Ông đã từng nổi giận không ít lần khi phải chứng kiến và cũng đã có ý kiến với những biểu hiện, việc làm làm tổn thương tới các giá trị văn hóa-lịch sử của Hà Nội. Là nhà văn, ông có cách đóng góp và hành xử của riêng mình. Là một học trò của ông, tôi luôn cảm nhận rất rõ ràng điều đó.
3. Thời gian gần đây, nhà văn Hoàng Quốc Hải hay đi tới các chùa chiền trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và cả nước. Hà Nội của chúng ta có rất nhiều vẻ đẹp. Chùa Trấn Quốc (Khai Quốc tự) được Lý Nam Đế khởi dựng đã ngót 1.500 năm cũng là một vẻ đẹp, là nơi quy tụ, bồi dưỡng đời sống tinh thần của các Phật tử, của nhân dân, cùng với hệ thống đình, đền, chùa, miếu tạo nên nét đẹp tâm linh, một trong những thành tố của nền văn hóa-văn hiến Việt Nam.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, thời gian gần đây tôi ít gặp ông, nhưng tôi rất hiểu ông từng ngày, từng giờ luôn tìm cách cung cấp tri thức và động viên lứa văn bút trẻ chúng tôi viết về văn hóa-lịch sử, viết về trầm tích và hiện đại của Thủ đô Hà Nội. Vẫn biết rằng, nghiệp văn bút mỗi người mỗi khác, trong cuộc sống mỗi con người, mỗi thế hệ đều có sự khác nhau, song với cá nhân tôi, nhà văn Hoàng Quốc Hải luôn là một con người ưu tú của Thủ đô Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét