29/10/24

Nghiện mạng xã hội - mối nguy của người trẻ

 Nghiện mạng xã hội - mối nguy của người trẻ



Mạng xã hội (MXH) đang chiếm lĩnh cuộc sống của giới trẻ với tốc độ nhanh chóng. Những nền tảng như Facebook, Instagram hay TikTok không chỉ là phương tiện kết nối mà còn trở thành nơi giao tiếp chính, thay thế những tương tác thực tế trong đời sống hằng ngày.
Tuy nhiên, một mặt tối của MXH mà ít ai lường trước được chính là sự bất ổn về tâm thần khi giới trẻ ngày càng bị phụ thuộc quá nhiều.
Thống kê được Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội đưa ra tại Hội thảo “MXH và sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên Việt Nam” cho thấy, Facebook là nền tảng MXH được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam với tỷ lệ 89,7%, tiếp đến là Zalo với tỷ lệ 88,5% và TikTok với tỷ lệ 77,8%. Điều đáng nói, sự gia tăng số lượng người trẻ sử dụng MXH làm cho những mối lo ngại về sức khỏe tâm thần cũng tăng theo.
Theo nhiều nghiên cứu, nghiện MXH ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành. MXH mang lại cảm giác kết nối nhanh chóng, nhưng lại gây ra sự so sánh liên tục và căng thẳng về việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn ảo. Nhiều người trẻ cảm thấy áp lực khi luôn phải xuất hiện hoàn hảo, khoe khoang cuộc sống “lý tưởng” trên các nền tảng này. Kết quả là họ bắt đầu cảm thấy không đủ tốt hoặc luôn bị “bỏ rơi” khi so sánh với cuộc sống lung linh của bạn bè trên mạng.
Bên cạnh đó, hiện tượng FOMO (fear of missing out)-nỗi sợ bị bỏ lỡ thông tin hoặc sự kiện nào đó trên mạng-cũng là một yếu tố làm gia tăng tình trạng lo âu. Sự tiếp cận liên tục với thông tin và hình ảnh khiến giới trẻ dễ rơi vào vòng xoáy của sự lo âu và trầm cảm, bởi họ luôn lo lắng mình không cập nhật kịp thời hay không hòa nhập được vào các cuộc vui trực tuyến. Một vấn đề khác là sự cô lập trong thế giới thật. Khi giới trẻ dành quá nhiều thời gian trên mạng, họ ít dành thời gian cho các tương tác xã hội ngoài đời. Điều này dẫn đến tình trạng cô đơn và thiếu kỹ năng giao tiếp thực tế. Trong nhiều trường hợp, người trẻ còn bị rối loạn giấc ngủ vì sử dụng MXH vào ban đêm, điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng tinh thần và mệt mỏi.
Chứng nghiện MXH không chỉ biểu hiện qua sự lệ thuộc quá mức vào các nền tảng trực tuyến mà còn qua các triệu chứng tâm lý. Người trẻ dễ gặp phải những dấu hiệu như mất khả năng tập trung, hay bị kích động, lo lắng khi không có MXH, hoặc cảm thấy bất an nếu không kiểm tra điện thoại thường xuyên. Nghiện MXH còn có thể khiến người trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm từ nhẹ đến nặng, do bị tác động bởi các nội dung tiêu cực, lời lẽ xúc phạm trên mạng, hoặc cảm giác thất vọng khi không được “like” hay “comment” như kỳ vọng. Sự đánh giá của người khác qua những lượt tương tác này khiến họ tự suy giảm giá trị bản thân, trở nên thiếu tự tin và tự cô lập khỏi các mối quan hệ ngoài đời thực.
Để khắc phục tình trạng nghiện MXH và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, trước hết, người trẻ cần học cách kiểm soát thời gian sử dụng MXH. Việc tự giới hạn thời gian truy cập, đặt ra quy định riêng cho bản thân như không sử dụng MXH vào ban đêm hay trong những giờ học tập, làm việc là bước đầu giúp bản thân không bị phụ thuộc vào các nền tảng này. Tăng cường tương tác thực tế là giải pháp quan trọng để giúp người trẻ lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Các hoạt động xã hội như gặp gỡ bạn bè, tham gia các câu lạc bộ, vận động thể chất, hoặc tham gia vào các dự án cộng đồng sẽ giúp người trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giải tỏa căng thẳng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thế giới ảo...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...