Bảo vệ uy tín nhà giáo, nhà trường
Đề xuất "không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền” là một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và người dân.
Việc đề xuất không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền nhằm bảo vệ vị thế, hình ảnh, uy tín, hoạt động nghề nghiệp của giáo viên. Bởi nhà giáo không chỉ giảng dạy, truyền đạt, bồi đắp kiến thức cho học sinh, sinh viên mà còn phải làm gương trước người học. Thời gian qua, mạng xã hội đã đưa nhiều thông tin về hoạt động của nhà giáo, nhà trường chưa được kiểm chứng, đúng-sai, phải-trái chưa thực sự rõ ràng. Điều này gây áp lực lớn với ngành giáo dục, ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín của nhà giáo và cơ sở giáo dục.
Thực tế có những trao đổi, tin nhắn của giáo viên, phụ huynh chỉ là những thông tin nội bộ trong các nhóm kín trên mạng xã hội, nhưng nếu không may có vài ba khinh suất, sơ hở về câu từ, chữ nghĩa cũng có thể bị hiểu nhầm rồi đưa lên mạng xã hội khiến dư luận “dậy sóng”. Nhiều sự việc bị đẩy đi quá xa, không phản ánh đúng bản chất vấn đề bởi một bộ phận “anh hùng bàn phím” và “thẩm phán mạng” đua nhau bàn tán, mổ xẻ theo kiểu tam sao thất bản, bé xé ra to, khiến hình ảnh nhà giáo, nhà trường bị méo mó trong con mắt phán xét quá đà của dư luận xã hội.
Theo các chuyên gia tâm lý, đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với bối cảnh thông tin đa chiều, phức tạp hiện nay. Đây cũng là đề xuất mang ý nghĩa nhân văn bởi con người nói chung, nhà giáo nói riêng nếu có khuyết điểm, sai phạm cũng không muốn bị đưa lên mạng xã hội, vì phương tiện này có thể truy cập, lưu trữ thông tin vĩnh viễn. Có những sai lầm quá khứ người ta muốn giữ bí mật hoặc quên đi, nhưng “ngàn năm bia mạng” có thể khiến nhiều người rơi vào trạng thái bất an, trầm cảm lâu dài bởi những thông tin cay nghiệt không đáng có.
Có thể nói rằng, việc không công khai sai phạm của giáo viên không đồng nghĩa với việc thay đổi bản chất của vấn đề, cũng không phải là bưng bít thông tin; mà vấn đề là ở chỗ sự sai phạm đó cần được xem xét trong bối cảnh không gian, thời gian, điều kiện cụ thể và phải được cơ quan có thẩm quyền kết luận rõ ràng, công khai, minh bạch. Hơn nữa, đưa ra đề xuất này cũng không có nghĩa là ngăn cấm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động giáo dục, mà người dân vẫn có thể ghi âm, ghi hình, lưu trữ bằng chứng về những sai phạm của nhà giáo, nhà trường (nếu có) để phản ánh sự việc với các cơ quan có thẩm quyền. Điều này tránh tình trạng người dân gặp gì nói đấy, thấy gì phản ánh vậy trên mạng xã hội rồi làm “nóng” vấn đề không cần thiết và gây nhiễu nhương dư luận xã hội, tác động không tốt đến hình ảnh nhà giáo và có thể gây xáo trộn đến hoạt động giáo dục của các nhà trường.
Giáo dục là lĩnh vực liên quan đến mọi nhà, mọi người nên ai cũng có thể nói về nhà giáo, nghề giáo dưới nhiều góc nhìn, khía cạnh, phương diện khác nhau. Cái hay, cái tốt, cái đẹp của nhà giáo, nghề giáo rất cần được tôn vinh, cổ vũ, song đôi khi có thể bị che lấp, lấn át bởi những sự vụ nhỏ nhặt liên quan đến thầy cô, trường lớp ở nơi này, nơi khác rồi được đưa vội, lan nhanh trên “cõi mạng” thời nay. Điều đó có thể làm hình ảnh nhà giáo, nghề giáo dễ bị sai lệch bởi những thiên kiến không đáng có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét