Đồng bộ trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế vừa có báo cáo, quý I-2024, cả nước có 16 vụ với 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần 3 lần về số người bị ngộ độc so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.
Nghiêm trọng nhất là hai vụ xảy ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) và TP Thuận An (Bình Dương) vào đầu tháng 4-2024 khiến nhiều người nhập viện. Từ ngày 15-4 đến 15-5 là thời điểm Tháng hành động vì ATTP năm 2024 chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” diễn ra ở nhiều địa phương. Câu hỏi đặt ra là làm sao để nâng cao hiệu quả bảo đảm ATTP, nâng cao tính đồng bộ, đầu mối quản lý, trách nhiệm trong chống thực phẩm bẩn?
Thực tế, công tác quản lý, bảo đảm ATTP luôn phức tạp, có tính đặc thù vì liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng. Lương thực, thực phẩm ở trong quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố diễn ra phổ biến ở trường học, xí nghiệp, nhà máy, bệnh viện, cơ quan, đơn vị, đường phố... Kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh đã trở thành cánh tay nối dài để các loại lương thực, thực phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện nhưng khó kiểm soát, nhất là các thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Sự thuận lợi và giá rẻ hơn so với thị trường thực, thói quen mua hàng ở chợ tự phát, sự coi nhẹ nguồn gốc, chứng nhận ATTP đang khiến nhiều người bỏ qua những rủi ro, nguy cơ gây hại sức khỏe.
Thực trạng trên luôn đặt ra yêu cầu mới trong quản lý ATTP. Luật ATTP và các nghị định, chỉ thị của Nhà nước trong quản lý ATTP được ban hành thời gian qua là cơ sở, hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Gần đây nhất là Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Trên cơ sở thí điểm Ban quản lý ATTP (gộp chung vai trò quản lý ATTP 3 ngành: Y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn) ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh, đầu năm 2024 Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh thành lập Sở ATTP. Kết quả thí điểm cho thấy tính hiệu quả, cần thiết của việc thành lập cơ quan quản lý ATTP giúp xác định rõ vai trò "đầu mối" về trách nhiệm, chủ động xử lý triệt để các vụ việc, nhận diện rõ và ngăn chặn các nguy cơ về vấn đề ATTP, tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát... Tuy nhiên, để quản lý ATTP đạt hiệu quả toàn diện đòi hỏi sự đồng bộ trong việc chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, kiểm tra tại nguồn sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch, nâng cao ý thức về ATTP của người dân, doanh nghiệp...
Ở các địa phương chưa có thí điểm cơ quan quản lý ATTP, thiết nghĩ để bảo đảm công tác quản lý ATTP khép kín địa bàn cũng cần phát huy sự đồng bộ. Sự đồng bộ thể hiện ở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; ở cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở trong kiểm tra, giám sát ATTP, tuyên truyền và phát huy vai trò giám sát, tố giác vi phạm ATTP của người dân, tạo hiệu ứng "hai chiều" trong ngăn chặn thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
HỒNG GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét