Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc tôn giáo là việc cần thiết vì đây là “kênh” tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất đến đồng bào có đạo về chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời cảnh giác trước sự lôi kéo của thế lực thù địch. Qua đó, đồng bào có đạo tăng cường gắn bó, đồng hành với dân tộc, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
"Mưa dầm thấm lâu"
Năm 2003, Quân khu 3 là địa bàn đầu tiên trên cả nước mở lớp thí điểm bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo tại TP Hải Phòng. Từ đó đến nay, nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, các địa phương trên cả nước đã chú trọng, chủ động trong tổ chức và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo thống kê của Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam)-Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục QP, AN Trung ương: Tính từ năm 2019 đến hết quý I-2024, cả nước đã tổ chức được 380 lớp bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho hơn 32.000 chức sắc, chức việc các tôn giáo với phương châm không làm ồ ạt, hình thức mà chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Như “mưa dầm thấm lâu”, sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP, AN, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo thông qua các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tiếp tục tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chấp hành pháp luật, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn lôi kéo của các thế lực thù địch, thực hiện đúng phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Các chức sắc tôn giáo thể hiện vai trò quan trọng trong kết nối, tác động đến tín đồ tích cực tham gia vào hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp sức xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Quá trình triển khai các hoạt động phối hợp với chính quyền đã hình thành một số mô hình hiệu quả, thể hiện rõ nét vai trò của chức sắc, người đứng đầu cơ sở tôn giáo. Như tại Thủ đô Hà Nội, đồng bào Công giáo có phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”; mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự”; “Tổ lương giáo đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Ở nhiều địa phương khác cũng có các mô hình, phong trào hiệu quả, như: “Phật tử tham gia giữ gìn an ninh, trật tự và xây dựng văn minh đô thị” (tỉnh Quảng Trị); "Phật giáo thành phố Vinh tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng văn minh đô thị" (tỉnh Nghệ An); “Tăng ni, phật tử tham gia giao thông văn hóa-an toàn” (tỉnh Lạng Sơn); “Chư tăng, phật tử chùa Huệ Quang tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang)...
Đại đức Thích Quảng Hỷ, Trụ trì chùa Thanh Lanh (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn Quân khu 2 và TP Hà Nội tổ chức vào tháng 10-2022, cho biết: "Những nội dung được phổ biến tại lớp bồi dưỡng kiến thức QP, AN là những vấn đề lớn, có tính thời sự, rất bổ ích đối với tăng, ni tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và tín đồ Phật giáo Việt Nam nói chung. Khóa bồi dưỡng giúp chúng tôi bổ sung, cập nhật nhiều kiến thức về QP, AN, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và đặc biệt là nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng xấu, từ đó nâng cao cảnh giác, sinh hoạt tôn giáo ổn định theo đúng pháp luật. Với bổn phận, trách nhiệm của mình, chúng tôi đã mang những kiến thức, thông tin lĩnh hội được để truyền đạt lại cho các tín hữu, tín đồ, phật tử, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, thực hiện tốt trách nhiệm của công dân để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Những kết quả tích cực
Tại Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (ngày 30-8-2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Đất nước có phong trào gì thì các tôn giáo hưởng ứng tích cực, đóng góp hiệu quả cho phong trào đó. Đất nước có khó khăn, thách thức thì với tinh thần đại đoàn kết, tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đất nước có thuận lợi và thời cơ thì tôn giáo thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và nhân dân ấm no, hạnh phúc".
Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tham gia, có nhiều đóng góp quan trọng. Thông qua công tác bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng được phát huy. Thời gian qua đã có nhiều chức sắc, chức việc các tôn giáo tích cực vận động thanh niên là tín đồ tôn giáo nhập ngũ. Điển hình như tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong số thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2024 có hơn 70% là đồng bào Công giáo. Linh mục Ngô Công Sứ, Quản hạt Giáo hạt Gia Kiệm, Chánh xứ Giáo xứ Ninh Phát (huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Một người công giáo tốt phải là một công dân tốt, kính Chúa, yêu quê hương, đất nước và phải có trách nhiệm với xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân, trong đó có nghĩa vụ quân sự”.
Theo Ban Từ thiện xã hội Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm 2023, số tiền tăng ni, phật tử, các cơ sở Phật giáo trên cả nước ủng hộ hoạt động từ thiện đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Giáo hội Phật giáo các cấp và tăng ni, phật tử trong cả nước đã đóng góp cho công tác từ thiện số quà và tiền trị giá hàng trăm tỷ đồng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động hưởng ứng Chương trình “Vì Trường Sa xanh”; Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc” xây dựng nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bên cạnh bồi dưỡng kiến thức QP, AN, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, gặp gỡ, trao đổi, thăm hỏi các chức sắc, chức việc, đại diện các cơ sở tôn giáo, nhất là vào các dịp lễ lớn, từ đó tạo sự gắn bó, tin tưởng, đoàn kết, đồng thuận cao. TP Hà Nội là một trong nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc này; trong đó, cách làm của Ban CHQS quận Ba Đình được cho là khá sáng tạo, phù hợp, mang lại kết quả tốt.
Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận Ba Đình, cho biết: Theo quy định, cấp quận không tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo. Tuy nhiên, Ban CHQS quận đã tham mưu với chính quyền linh hoạt tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức QP, AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo hoặc thông qua các buổi gặp gỡ, các cuộc họp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP, AN. Mỗi dịp lễ lớn của các tôn giáo, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương tổ chức đến thăm hỏi, chúc mừng chức sắc, tín đồ để tăng cường tình cảm đoàn kết, sự thông hiểu giữa chính quyền và đồng bào có đạo./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét