Nghĩa tình quân dân nơi biển đảo Tây Nam
Đồng hành với ngư dân những lúc khó khăn không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính Vùng Cảnh sát biển 4. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền để ngư dân nắm luật, thực hiện những hải trình vươn khơi, bám biển an toàn, thời gian qua Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 còn thường xuyên giúp đỡ ngư dân bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa. Qua đó góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Cảnh sát biển và gắn kết nghĩa tình quân-dân.
Những giọt nước nghĩa tình trong mùa khô hạn
Xuất phát từ Phú Quốc, hành quân xuyên đêm, 2 giờ 30 sáng, chuyến tàu CSB 9003 chở nước ngọt hỗ trợ người dân có mặt tại đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Dù trời còn tối, nhưng để người dân không phải chờ đợi lâu, ngay khi vừa tới nơi, cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng lắp ống dẫn, sẵn sàng mọi công tác cấp nước. 7 giờ sáng, những can nước ngọt đã đưa đến tận tay người dân trên đảo.
Chắt chiu từng giọt nước mát lành, ông Lê Văn Hùng người dân sinh sống trên đảo Hòn Chuối bộc bạch: “Nghe tin mấy chú Cảnh sát biển 4 chở nước đến, bà con ai cũng mừng. Mấy ngày qua nắng nóng, khô hạn, nước ngọt dự trữ đã cạn dần. Chưa biết xoay xở sao thì được mấy chú Cảnh sát biển mang nước đến kịp thời. Chúng tôi rất cảm động”.
Theo chính quyền địa phương cho biết, toàn đảo Hòn Chuối có 39 hộ dân sinh sống. Nơi đây vốn có địa hình phức tạp, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều nên người dân thường xuyên thiếu nước ngọt sinh hoạt. Năm nay, mùa khô đến sớm, nguồn nước mưa dự trữ hết, khiến cho đời sống của người dân càng trở nên khó khăn
Đồng chí Hoàng Văn Thành, Chính trị viên Tàu CSB 9003/ Hải đội 401, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: “Ngay khi được giao nhiệm vụ vận chuyển nước ngọt giúp nhân dân vùng bị hạn hán, mặn xâm nhập, chỉ trong một đêm, chúng tôi đã khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và lên đường làm nhiệm vụ ngay với mục đích đem nước ngọt đến cho bà con nhanh nhất có thể. Đến nơi nhìn bà con vui vẻ nhận nước anh em cũng quên mất mệt mỏi”.
Để giúp người dân đến lấy nước được thuận tiện, đơn vị còn tổ chức thành nhiều điểm cấp nước. Giữa biển đảo mênh mông, lẫn trong tiếng nước chảy, tiếng gió, tiếng sóng rì rào là những lời động viên, thăm hỏi thân tình của các chiến sĩ và người dân. Một điều không khó để chúng tôi nhận ra trong những câu chuyện, ánh mắt của bà con đó là ai cũng trân quý, biết ơn khi nhận được những giọt nước nghĩa tình, mát lành của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4.
Giúp dân yên tâm bám biển
Rời Hòn Chuối, chúng tôi tiếp tục theo chân những người lính Cảnh sát biển 4 về với đảo Nam Du (Kiên Hải) và các xã Bình An (Châu Thành), Nam Thái (An Biên) tỉnh Kiên Giang nhưng không phải cấp nước mà để tuyên truyền cho bà con ngư dân về những quy định mới trong đánh bắt thủy sản. Thay vì tổ chức buổi tuyên truyền khô cứng, từng cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã đến tận các tàu gặp gỡ bà con ngư dân.
Đồng chí Thiếu tá Bùi Xuân Nhớ, Trợ lý Pháp chế, Phòng Pháp luật, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, tháng 5 tới đây sẽ có một số Nghị định về lĩnh vực thủy sản sẽ có hiệu lực. Cụ thể, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4-4-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5-4-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hiệu lực từ ngày 20-5-2024 thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP. Nội dung các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đặc biệt một số hành vi có khung xử phạt cao hơn, nhất là đối với hành vi liên quan đến thiết bị giám sát hành trình và sử dụng tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận”, đồng chí Nhớ thông tin.
Chăm chú lắng nghe các tuyên truyền viên thông tin về các quy định mới trong đánh bắt hải sản, ông Phan Thành Nhân, chủ tàu cá KG 95589 TS bộc bạch: “Làm nghề khai thác thủy sản trên biển, những quy định này rất bổ ích. Mình phải nắm rõ những quy định để khai thác đúng. Không chỉ bản thân nắm mà tôi còn phổ biến lại cho các thuyền viên, để khai thác đúng và không tiếp tay cho các hành vi vi phạm trong khai thác hải sản”.
Cùng với tuyên truyền các quy định về khai thác thủy sản, cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 còn mang đến những phần quà gắn kết tình quân-dân. Đó là những phần thuốc, cờ Tổ quốc hay ảnh Bác Hồ. Cùng với cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4 treo lá cờ Tổ quốc lên nóc tàu, anh Dương Ngọc Hùng chủ tàu cá KG 90034 TS chủ ý giải thích: “Đây là món quà có ý nghĩa tinh thần rất to lớn. Bởi, giữa biển khơi mênh mông, lá cờ Tổ quốc trên mỗi con tàu tựa như cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất nước Việt Nam”.
Với bà con ngư dân, tàu mà không treo cờ Tổ quốc cũng giống như nhà không có nóc. Hơn thế, mỗi lần ngắm cờ Tổ quốc sẽ giúp ngư dân thêm vững tin, vì hành trình vươn khơi, bám biển, khai thác thủy sản cùng người dân luôn có sự dõi theo, hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng Cảnh sát biển 4.
Bằng những hành động cụ thể xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim, trong suốt 25 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 luôn vượt mọi gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét