Những cô gái Trường Sơn huyền thoại
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng trong ký ức của những chiến sĩ Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc năm xưa, một thời hoa lửa trên dải Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn còn vẹn nguyên chưa phai dấu.
Giờ đây, tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút, họ vẫn giữ vững ý chí của người chiến sĩ Trường Sơn, Bộ đội Cụ Hồ và đong đầy tinh thần đồng đội ấm áp, sẻ chia.
Năm 1971, trong lúc cao trào chống Mỹ lên cao, Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc - đơn vị bộ đội nữ đầu tiên của miền Bắc được thành lập. Tiểu đoàn được tổ chức với quân số hơn 500 nữ thanh niên của 14 huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Họ đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đong đầy tình yêu quê hương, đất nước, hăng hái ra chiến trường với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Khi ấy, bà Ngô Thị Tuyết còn chưa tròn 18 tuổi nhưng mang theo ước nguyện tuổi trẻ muốn góp sức mình vào công cuộc cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Hoài Đức - Hà Tây quê hương tôi hồi ấy sục sôi phong trào "Ba sẵn sàng", khí thế lên đường chiến đấu luôn rạo rực trong lòng lớp trẻ. Quyết định xung phong vào bộ đội của tôi vì thế thật chóng vánh và đầy quyết tâm...”, bà Tuyết nhớ lại.
Trong đoàn người nô nức về hội quân, cô gái Nguyễn Thị Thu quê ở Dương Liễu (huyện Hoài Đức) nhỏ bé, chỉ nặng có 39kg. “Tôi muốn đi bộ đội mà không đủ cân, tìm mọi cách mãi mới được nhập ngũ. Mọi người bảo, đi bộ đội khổ lắm, em có chịu được không. Tôi nói là khổ mấy cũng chịu được, miễn sao trở thành người chiến sĩ, cống hiến sức trẻ cho nước nhà”, bà Thu - năm nay đã bước sang tuổi 72, cười tươi kể.
Cũng chung khí thế đó, bà Đồng Thị Mai (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) khi đó mới học xong cấp 3, với ước mơ ấp ủ theo học chuyên ngành y tế, nhưng đã từ bỏ ước mơ, quyết định gia nhập đội nữ binh đầu tiên của miền Bắc.
Sau 3 tháng huấn luyện và nhiều ngày hành quân, Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc mới đặt chân đến Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, bổ sung lực lượng cho các sư đoàn, binh trạm, trung đoàn của chiến trường, rồi sang cả nước bạn Lào (phía Tây Trường Sơn). Vào đến tuyến lửa, các cô gái trong Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc được giao nhiệm vụ làm y tá, hậu cần, thông tin, văn thư, bảo mật, giao liên, mở đường, san lấp hố bom... Thật khó có thể hình dung, mới ngày nào, những cô gái chỉ quen cầm cuốc, cầm liềm, cấy lúa, hoặc vừa mới rời ghế nhà trường, đi đêm còn sợ ma, nhưng khi vào chiến trường đã trở thành những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm.
Là Trạm trưởng thu phát quân bưu của Sư đoàn 472 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), với nhiệm vụ đưa công văn mật, bà Đồng Thị Mai được phát một khẩu súng ngắn. “Nhiều lần gặp lính Fulro thổ phỉ, tôi đã lên đạn sẵn sàng, rồi bóc thư mật, chuẩn bị nhai nuốt thì lại đi thoát”, bà Mai kể.
Sau đó, bà Mai còn được huấn luyện trở thành Đội trưởng đội nữ công binh thực hiện nhiệm vụ mở đường. Bà đã theo đơn vị tiến sâu xuống phía Nam, áp sát mặt trận Tây Trị Thiên. Đến năm 1974, bà Mai được điều động đi học quân y và chuyển công tác ra Bệnh viện Đông y tỉnh Hà Tây.
Được biên chế vào Trạm xá 30 (Sư đoàn 472), bà Nguyễn Thị Lượng (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) được đi học y tá cấp tốc và làm nhiệm vụ ở trạm phẫu thuật nơi tuyến đầu. “Khi giặc đổ bộ đánh ở Mường Phìn (tỉnh Savanakhet, Lào) năm 1972, chúng tôi đã phải cấp cứu hàng trăm thương binh và sơ cứu những chiến sĩ bị thương nhẹ. Có hôm, tôi phụ mổ cả đêm không nghỉ và ngất xỉu, nhưng sau khi được tiêm hồi sức, tôi lại tiếp tục công việc”, bà Lượng kể lại.
Phải đối mặt với điều kiện sống muôn vàn gian khổ, thiếu thốn, sự khắc nghiệt của khí hậu núi rừng Trường Sơn và sự hiểm nguy, khốc liệt của chiến tranh; chống chọi với ốm đau, bệnh tật, với những cơn sốt rét rừng ác tính, nhưng không vì thế mà các nữ chiến sĩ chùn bước, ngược lại họ rất lạc quan, kiên cường.
Vào đến binh trạm 33, bà Nguyễn Thị Thu làm y tá một thời gian, rồi được chọn tham gia đoàn văn công, phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Kể về nhiều lần thoát chết dưới bom đạn, bà Thu nói: “Chúng tôi liên tục bị dội bom tọa độ. Có lần đang hát chỉ kịp chạy vào hầm thì rocket bắn trúng, nhưng may không ai bị hề hấn gì. Chúng tôi lại vui vẻ tiếp tục biểu diễn phục vụ bộ đội. Nhưng cũng có nhiều đồng đội không may hy sinh dưới làn bom đạn Mỹ".
Được phân công công tác ở binh trạm 15, đóng ở Tây Trường Sơn với nhiều nhiệm vụ khác nhau, bà Ngô Thị Tuyết luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Sau khi đơn vị giải thể, bà Tuyết di chuyển sang Đông Trường Sơn, được biên chế ở Trung đoàn 572 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), chịu trách nhiệm đón tiếp, phục vụ các đoàn khách ra vào trên tuyến, trong đó có cả khách quốc tế.
Với những thành tích trong công tác, phục vụ chiến đấu, bà Tuyết cũng như bà Mai, bà Lượng đều vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường. “Ngày 20-8-1974, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Buổi lễ kết nạp diễn ra thật trang nghiêm, niềm tự hào lớn lao trong tôi, đánh dấu sự trưởng thành của người chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh”, bà Tuyết hồi tưởng.
Trong 5 năm (1971-1975), các chiến sĩ Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Đông - Tây Trường Sơn. Luôn đối mặt với hiểm nguy rình rập, nhưng họ vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều người trở thành Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng nhưng cũng có 6 người anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ, vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn…
Mạch nguồn chảy mãi
Chiến tranh kết thúc, đại đa số nữ chiến sĩ của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc trở về địa phương tiếp tục công tác, sản xuất. Nhiều chị em được bồi dưỡng, học tập nâng cao kiến thức, trình độ, vào công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước. Một số người có được cuộc sống khá giả, còn chủ yếu vẫn gặp khó khăn. Hiện nhiều chị em bị nhiễm chất độc da cam chưa được hưởng chế độ, đang mong chờ cấp trên quan tâm lưu ý. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, các nữ chiến sĩ tiểu đoàn vẫn sẵn sàng chia sẻ, chăm lo cho đồng đội có hoàn cảnh thiếu thốn hơn mình.
Năm 2010, Ban Liên lạc Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc thuộc Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn (Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội) được thành lập. Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc Đồng Thị Mai cho biết: "Do sức khỏe, bệnh tật nên nhiều chị đã mất sớm. Hiện chỉ còn khoảng 380 hội viên, trong đó còn8 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; 7 người đơn thân; 29 chị là thương binh, bệnh binh; 97 chị bị ảnh hưởng chất độc da cam…".
Bà Ngô Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc chia sẻ: "Những năm qua, Ban Liên lạc đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt và trao tặng quà, phối hợp với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng hàng chục ngôi nhà cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời động viên chị em tiếp tục giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống kiên cường dũng cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống…".
Cũng là chiến sĩ của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, bà Lê Thị Thủy (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) sau khi ra quân về địa phương lập gia đình. Chồng mất sớm, bà Thủy thường xuyên đau ốm, nên cuộc sống gặp vô vàn khó khăn và không có điều kiện tu sửa ngôi nhà xuống cấp trầm trọng.
Nhận được hỗ trợ sửa nhà từ Ban Liên lạc Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, bà Thủy phấn khởi bày tỏ: “Tôi rất cảm động, bởi các chị luôn quan tâm hỗ trợ để tôi thoát khỏi cảnh lo lắng khi sống trong căn nhà dột nát. Tôi cũng có thêm động lực vượt qua những trở ngại trong cuộc sống”.
Luôn cho rằng mình may mắn được sống sót trở về nên bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn huyện Hoài Đức luôn tâm niệm phải giúp đỡ đồng đội. Chồng là thương binh 4/4, con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam, bản thân bà bị ung thư giai đoạn 3, nhưng cứ đi truyền hóa chất về là bà lại tham gia hoạt động. Bà thành lập Ban Liên lạc Hội Bộ đội Trường Sơn xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) từ năm 2007 để tập hợp các anh chị em tham gia chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và đã vận động xây dựng được 3 ngôi nhà nghĩa tình cho đồng đội.
Những cống hiến lớn lao trên đường Trường Sơn năm xưa và những việc làm đầy nghĩa tình của nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc hôm nay như mạch nguồn chảy mãi. Những câu chuyện của họ đã trở thành tấm gương sáng, bài học cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đúng như những gì Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam từng viết: “Chị em Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã xứng đáng với danh hiệu phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và không thẹn với phiên hiệu đơn vị mang tên nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét