Không buông lỏng quản lý hàng rong
Chỉ trong ít ngày, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ người bán hàng rong bắt chẹt khách du lịch. Ðiển hình như vụ một người bán bánh rán bên hồ Hoàn Kiếm bán bốn chiếc bánh giá 100 nghìn đồng cho các vị khách nước ngoài. Trước đó, một vị khách nước ngoài cũng suýt phải mua một túi táo nhỏ với giá 200 nghìn đồng. Ðây thực chất mới chỉ là phần nổi của "tảng băng" khi còn nhiều vụ việc khác chưa được biết đến.
Từ lâu, hàng rong là "vấn nạn", nhất là ở các đô thị lớn, các khu du lịch lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Khánh Hòa... Hình ảnh những người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch mua hàng là cảnh tượng quen thuộc ở các khu du lịch. Các quầy, gánh hàng rong thường bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là các loại thực phẩm. Nhiều người bán hàng rong cũng là đối tượng xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng họ lợi dụng việc khách du lịch không biết rõ giá cả để bán hàng với giá trên trời.
Vấn đề quản lý hàng rong đã nhiều lần được đề cập, nhưng rồi lại bị lãng quên. Nguyên nhân chính là các ngành chức năng đều kêu khó thực hiện. Song, khó không có nghĩa không thể thực hiện. Nhiều quốc gia trên thế giới từng đứng trước những bất cập do hàng rong gây ra và họ đã quản lý thành công.
Trước tiên, các nước quy định các tuyến phố được phép bán hàng. Tiếp đó, những người bán hàng rong được cấp thẻ hành nghề và bán hàng tại những không gian nhất định, được tập huấn về việc gìn giữ trật tự đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm… tùy theo ngành hàng kinh doanh. Chế tài với những vi phạm cũng hết sức rõ ràng. Một số quốc gia cấp thẻ hành nghề và bên cạnh phạt hành chính họ còn "bấm lỗ" thẻ hành nghề. Nếu vi phạm nhiều lần có thể bị cấm bán hàng.
Tại châu Á, nhiều quốc gia quản lý tốt hàng rong như Hàn Quốc, Singapore... Việc quản lý tốt hàng rong không chỉ tạo sinh kế cho nhiều người lao động, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa.
Tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã chú ý đến không gian bán hàng rong thông qua việc cấm hay cho phép bán hàng rong trên những tuyến phố nhất định. Phần còn lại, mạnh ai người nấy bán. Cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi xảy ra những sai phạm lớn. Còn nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì ai không may người đó chịu. Chính sự quản lý lỏng lẻo này khiến cho hàng rong tồn tại dai dẳng.
Một bài học rất nên áp dụng cho công tác quản lý chính là từ dịch vụ xe ôm công nghệ. Với dịch vụ này, khách được chấm điểm tài xế, nắm rõ lộ trình và biết trước giá cả, nên ai cũng thừa nhận rằng, xe ôm công nghệ văn minh hơn, an toàn hơn so với xe ôm kiểu cũ. Với hàng rong, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng những phần mềm để việc quản lý thuận tiện hơn. Thay vì kêu khó, chính quyền những thành phố lớn nên thí điểm quản lý hàng rong ở một số địa bàn, nhất là những địa bàn du lịch trọng điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét