30/3/24

Tiếp tục phát huy tính tiên phong, gương mẫu, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân



Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, phát biểu tại lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2026) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Hưởng ứng phong trào thi đua với nhiều nội dung trọng tâm, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu với bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trí tuệ cho Quốc hội, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.
Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị cá nhân cần đổi mới tư duy, phương thức hoạt động, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải…
Phát biểu khai mạc lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, 89% cử tri ở các tỉnh, thành trong các nước đã đi bỏ phiếu, lựa chọn 333 đại biểu tham gia Quốc hội khóa I và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ngày càng được khẳng định vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất - hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dù thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc cùng xây dựng và phát triển đất nước.
Công tác thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Ngay từ những năm tháng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), đến nay phong trào thi đua đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Qua các phong trào thi đua xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, mọi miền Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Thi đua khen thưởng (2022), Nghị quyết 44 (5/2/2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi đua khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các ban, bộ, ngành địa phương và nhân dân trong xây dựng Quốc hội dân chủ, pháp quyền, khoa học, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Văn phòng Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… cụ thể hóa phong trào thi đua cho xác thực; thực hiện tốt công tác tuyên truyền; kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân xuất sắc cũng như xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ thống nhất cao với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động phong trào thi đua kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.
Đây là dịp để ôn lại sự kiện lịch sử ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày hội của toàn dân tộc, một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa; đồng thời cho rằng đây là dịp để khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thi đua hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: hưởng ứng phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động, trong thời gian tới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ triển khai trên hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên, quyết tâm thực hiện tốt các nội dung trọng tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu nêu rõ, với khí thế của năm 2024, năm 2025 và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban Xã hội cùng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua, không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để triển khai và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung trọng tâm đã đề ra.
Trong công tác lập pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, tiếp tục triển khai tích cực với tinh thần “lập pháp chủ động”, bám sát Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thực hiện hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trong công tác giám sát, triển khai có hiệu quả Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội và các nghị quyết liên quan đến công tác giám sát; thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén trong công tác giám sát trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban cũng cho rằng, trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước, thực hiện cẩn trọng, kịp thời, tuân thủ đúng quy định của pháp luật đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công việc được giao…

 Giới thiệu tác phẩm của các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022



Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự kiến trong quý 3, các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022 sẽ được giới thiệu rộng rãi tới công chúng.
Theo Quyết định số 731/QÐ-BVHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022.
Dự kiến, triển lãm sẽ diễn ra vào quý 3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Triển lãm trưng bày khoảng 130 tác phẩm mỹ thuật và tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022.
Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật quan trọng, có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhằm giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước với các loại hình nghệ thuật hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh. Triển lãm là dịp để công chúng có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu, thưởng thức trực tiếp các tác phẩm có giá trị cao về thẩm mỹ, có nội dung, tư tưởng sâu sắc.
Lễ trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đã diễn ra vào ngày 19/5/2023, với 16 tác giả được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 112 tác giả được trao, truy tặng Giải thưởng Nhà nước.

Đoàn viên ưu tú vinh dự được kết nạp Đảng trong tháng thanh niên



Ngày 29/3, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam tổ chức kết nạp Đảng cho học sinh tiêu biểu Đặng Nguyễn Đức Huy, lớp 12 chuyên Toán 2. Đức Huy là học sinh thứ 13 của trường vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Theo lãnh đạo nhà trường, đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024).
Đặng Nguyễn Đức Huy là học sinh xuất sắc trong học tập với điểm tổng kết trung bình luôn đạt từ 9,4 trở lên, cùng nhiều giải thưởng tại kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Đặc biệt, Đức Huy là thành viên tích cực của Câu lạc bộ STEM, thường xuyên tham gia phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật cho học sinh trong và ngoài trường.
Chia sẻ tại buổi lễ, nhà giáo Trần Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho biết, công tác phát triển Đảng được nhà trường thực hiện rất bài bản, chuẩn chỉ. Trước hết, việc phát hiện nguồn được thực hiện qua kênh chi đoàn, thầy, cô giáo chủ nhiệm, bộ môn của nhà trường. Sau đó, nhà trường sẽ gặp gỡ học sinh, phụ huynh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Khi các em đủ chín chắn, có nguyện vọng, mong muốn sẽ được nhà trường cử đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng.
Cô giáo Trần Thùy Dương mong muốn học sinh được kết nạp Đảng tiếp tục nỗ lực đóng góp tích cực cho các phong trào học tập, tham gia các hoạt động đoàn thể, có ý thức giữ gìn kỷ cương của nhà trường, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, không ngừng rèn luyện cũng như giữ vững phẩm chất đạo đức và năng lực tri thức của bản thân, trở thành những trụ cột tương lai của nước nhà.
Kể từ học sinh đầu tiên được kết nạp Đảng vào ngày 26/3/2022, cho đến nay, nhà trường đã kết nạp Đảng cho 13 học sinh ưu tú.

Ban Bí thư chỉ định ông Trần Huy Phương tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh



Ban Bí thư chỉ định ông Trần Huy Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngày 29/3, tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh Phùng Đức Chiến thông báo Quyết định số 1168 ngày 26/3/2024 của Ban Bí thư về việc chỉ định ông Trần Huy Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn trao quyết định của Ban Bí thư cho ông ông Trần Huy Phương.
Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón nhấn mạnh việc luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên của Đảng, giúp cán bộ được luân chuyển có điều kiện gần gũi, sâu sát cơ sở, gắn lý luận với thực tiễn, tiếp tục rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.
Ông Trần Huy Phương làm việc tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ năm 2006. Ông là cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có tư duy đổi mới, khả năng tổng hợp, tham mưu, chỉ đạo tốt công tác kiểm tra Đảng.
Ông Trần Văn Rón đề nghị ông Trần Huy Phương trên cương vị mới tiếp tục phát huy kinh nghiệm công tác, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực học tập, rèn luyện, chủ động tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra Đảng.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và cán bộ, nhân dân trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để ông Trần Huy Phương hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Trần Huy Phương sinh năm 1981, quê Hà Nam. Ông từng là chuyên viên, kiểm tra viên, kiểm tra viên chính, Phó vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Văn Giang/VOV.VN

Quyền Chủ tịch nước: 'Quốc tế đánh giá cao phục hồi kinh tế của Việt Nam'

 



 
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết Việt Nam là điểm sáng trong phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư, được quốc tế đánh giá cao.
Thông điệp được bà Võ Thị Ánh Xuân đưa ra tại Hội nghị tổng kết giao ước thi đua năm 2023 cụm các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, được tổ chức tại TP Quy Nhơn, ngày 29/3.
Quyền Chủ tịch nước cho hay năm vừa qua Việt Nam gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung thế giới và những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện.
Việt Nam hiện là điểm sáng trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, được các quốc gia và tổ chức quốc tế, Liên Hiệp Quốc đánh giá cao; đứng thứ 35 về quy mô kinh tế của các nước trên thế giới với quy mô 435 tỷ USD.
Nước ta cũng nằm trong top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần 200% so với quy mô GDP, Việt Nam là nền kinh tế năng động trong ASEAN.
"Với tiềm lực và sự phục hồi phát triển kinh tế, và chính sách đối ngoại khôn khéo, linh hoạt trong bối cảnh chung đầy khó khăn thách thức, Việt Nam giữ được môi trường hòa bình phát triển, là điểm sáng trong thu hút trong đầu tư nước ngoài", bà Xuân nói và cho biết các nhà đầu tư nước ngoài tạo ra không khí, động lực chung không chỉ cho Bình Định mà cho vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.
Theo quyền Chủ tịch nước, kết quả này có sự đóng góp của đảng bộ và người dân 10 tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; những lợi thế của vùng như về kinh tế biển, logicstic...
"Chúng ta phải thu hút được những nhà đầu tư lớn, xây dựng những dịch vụ mà khi nói về du lịch người ta phải nhớ đến Việt Nam. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu, tầm nhìn để đất nước thành điểm đến về du lịch mang tầm cỡ thế giới", quyền Chủ tịch nước chia sẻ.
Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông. Tốc độ tăng trưởng bình quân của hai vùng đạt 5,16%, một số tỉnh tăng trưởng tốt như Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tổng thu ngân sách bình quân các tỉnh trong cụm đạt 12.353 tỷ đồng, chiếm 7% tổng thu cả nước.


 Bắt giam đối tượng xâm phạm lợi ích của Nhà nước



Trong thời gian khoảng 3 tháng, Lê Phú Tuân đã đăng tải 21 video có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một số cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 27/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Phú Tuân (SN 1972, trú tại tổ dân phố Vĩnh Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) về tội Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự.
Theo tài liệu điều tra, trong thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023, Lê Phú Tuân, đã sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để phát trực tiếp (livestream) nhiều lần, đăng tải 21 video, trong đó có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một số cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện Chiêm Hóa và nhiều cá nhân khác.
Các video do Lê Phú Tuân đăng tải thu hút nhiều lượt xem, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, gây dư luận xấu, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào pháp luật của Nhà nước, hạ thấp uy tín của cơ quan Nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của những người thi hành pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hiện, vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hoá tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Thói xấu miệt thị vùng miền



Mỉa mai, châm chọc, miệt thị vùng miền, thành thị với nông thôn... không dừng lại ở ý kiến cá nhân mà đang lan rộng trên nhiều nền tảng mạng xã hội như một trào lưu.
Câu chuyện này đã âm ỉ từ lâu, mới đây lại được “châm ngòi” từ một tài khoản TikTok có tên Nhật Hải Biết Tuốt khi tài khoản này đăng tải clip với nội dung “Sài Gòn là nơi cực kỳ lý tưởng cho tội phạm hoạt động” và kết luận là do văn hóa. Chủ tài khoản TikTok Hoàng Minh cũng đăng tải lên mạng xã hội những nội dung sai sự thật, xúc phạm người miền Trung. Dù các chủ tài khoản sau đó có lên tiếng xin lỗi nhưng đã kéo theo biết bao bình luận phản cảm, mâu thuẫn giữa những nhóm người dùng đến từ các địa phương khác nhau.
Đành rằng ai, ở đâu, bên cạnh những mặt tốt đều có ít nhiều nhược điểm. Có thể do đặc thù văn hóa, do tính cách từng cá nhân hoặc do sự thiếu hiểu biết của một số người, nhưng không thể vì thế mà vơ đũa cả nắm, vội quy chụp để rồi lôi cái xấu của từng địa phương ra châm chọc, mỉa mai. Việc phê bình thì không mấy dễ chịu, nhưng nếu đó là những phê bình đúng, mang tính xây dựng, có văn hóa, chủ thể cùng đứng trong môi trường đó chứ không tách mình ngoài cuộc để phê phán thì câu chuyện có lẽ sẽ khác. Đằng này, vấn nạn miệt thị vùng miền còn nhận được sự hưởng ứng của không ít người như một trò giải trí, mua vui. Thậm chí, còn có cả trang web tạo sẵn những mẫu mang “phong cách độc lạ” về trào lưu phân biệt vùng miền để người sử dụng lựa chọn.
Đáng nói, mỗi khi có bất kỳ chủ đề về một địa phương nào đó xuất hiện trên mạng xã hội, thì hàng loạt cụm từ miệt thị vùng miền lại xuất hiện từ các tài khoản ảo, ẩn danh như cố tình tạo nên những trận “phím chiến”, khoét sâu mâu thuẫn. Những tác động tiêu cực đó không chỉ làm tổn thương những người trong cuộc, dẫn dắt nhận thức sai lệch cho nhiều người mà còn tiếp tay cho đối tượng xấu bôi nhọ văn hóa, chia rẽ mối đoàn kết dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội.
Dù đã có những chế tài được áp dụng mạnh mẽ, tuy nhiên, giải pháp nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, khơi dậy trào lưu tích cực để thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, trang bị cho người dùng những hiểu biết văn hóa để tự mình loại bỏ các thông tin xấu độc nên là phần gốc để giải quyết vấn đề. Người dân cần nâng cao nhận thức về việc tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, đoàn kết luôn là sức mạnh để cả dân tộc cùng vượt qua.
Người Việt Nam đều là anh em một nhà, toàn thể các dân tộc cùng gọi nhau hai tiếng “đồng bào”, thì cớ sao lại để xa cách bằng thái độ, sự phân biệt, kỳ thị vùng miền. Trong xã hội đa văn hóa và đa dạng như hiện nay, sự mở lòng, tôn trọng và hiểu biết về văn hóa của mỗi vùng miền là rất cần thiết. Bởi vậy, hãy sử dụng bình luận, nút like, share của mình thật tỉnh táo, văn minh để góp phần tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, nơi mọi người chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tích cực và cùng nhau làm cho cuộc sống, mối quan hệ ứng xử giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.

THU HÀ
# Nguồn Hương Sen Việt

 Điện Biên Phủ qua từng trang hồi ức



Bảy mươi năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng trong trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của Đại tá, cựu chiến binh Lê Khắc Phấn, người lính Điện Biên năm xưa.
Chúng tôi về tổ dân phố Yên Trung, phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) để thăm Đại tá Lê Khắc Phấn. Mặc bộ quân phục với nhiều huân, huy chương đeo hai bên ngực, với nụ cười trìu mến ông mời chúng tôi vào nhà.
Bên ấm trà mới pha, người chiến sĩ Điện Biên năm nào chậm rãi nhắc nhớ những ký ức hào hùng, hoài niệm những bài thơ viết về chiến trận Điện Biên sau ngày chiến thắng. “Tôi sinh năm 1927, ở thôn Kim Cốc, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Tôi nhập ngũ năm 20 tuổi, là con một trong nhà nên cán bộ ở Huyện đội không đồng ý cho ra mặt trận. Thời gian đầu tôi làm công việc giao liên nhưng trong lòng luôn mong muốn được cầm súng ra chiến trường đánh giặc”, Đại tá, cựu chiến binh Lê Khắc Phấn nói.
Sau hai năm học tập, huấn luyện, cuối năm 1949 ông hành quân lên phía Bắc, đến Cao Bằng người lính trẻ được biên chế vào Trung đội 2, Đại đội 924, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316; chức vụ của ông lúc ấy là Trung đội phó. Sau khi tham gia chiến dịch Tây Bắc, cuối năm 1953 ông cùng đồng đội hành quân lên Điện Biên tham gia chiến trận trong điều kiện vô cùng gian khổ, nhất là về đường đi, vận chuyển lương thực và vũ khí.
“Trận đầu A1 sấm rền chiều hôm”
Ngày 30-3-1954, Đại đoàn 316 được lệnh đánh, Trung đoàn 174 của ông trực tiếp đánh đồi A1. Là trận đánh khó khăn, kéo dài và thương vong nhiều nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khác với các cứ điểm khác, ngoài đường giao thông hào bao quanh đồi A1 ông cùng các đồng đội thay nhau dùng cuốc chim, xẻng đào hầm ngầm dài khoảng 50m, sau hai tuần thì mới tiến được vào chân hầm địch. Nhấp một ngụm trà, ông bồi hồi: “Buổi đầu xuất quân trời mưa như trút nước, sấm chớp rền vang trên bầu trời Điện Biên, nước ngập hết giao thông hào, nhiều đoạn trơn trượt tôi và đồng đội ngã ướt hết cả quần áo, nắm cơm cạnh sườn cũng lấm lem bùn đất. Khi tiến đến gần chân đồn địch, quân ta vừa đói, vừa rét, khi ăn cơm phải gạt bớt bùn đất ra mà ăn, gian khổ vô cùng”.
Sau này ông có viết bài thơ, có những câu: “Nhớ hồi chiến trận Điện Biên/ Trận đầu A1 sấm rền chiều hôm/ Tiến quân trời đổ mưa tuôn/ Ướt người, ướt cả nắm cơm cạnh sườn/ Chiến hào nước ngập bùn trơn/ Để ai trượt ngã cho cơm đẫm bùn/ Không ăn bụng đói dạ run/ Ăn thì phải gạt bớt bùn mà ăn/ Chiến trường ngàn vạn khó khăn/ Tinh thần quyết thắng quên băng chiến hào!”.
Theo lời ông kể, có những đêm cả trăm đồng chí đào hầm ngầm nhưng vì hỏa lực của địch bắn như mưa, tới sáng chỉ một phần ba lực lượng còn sống, nhiều anh em nằm xuống chẳng toàn thây. Ông cùng những người còn sống đi nhặt từng mảnh thi thể, đôi mắt ai cũng đỏ hoe vì thương đồng đội, vì căm giặc Pháp. Đưa tay lên ngực vỗ vào những huy hiệu cao quý sáng ngời, ông kể: “Ngày xưa ra chiến trận anh em chúng tôi ai cũng quan niệm không xanh cỏ thì đỏ ngực, chẳng ai sợ hãi cái chết. Lúc chưa nghe tiếng súng thì cũng nhớ mẹ, nhớ cha, có anh thì nhớ người yêu nhưng khi tiếng súng đã vang lên thì chẳng nhớ nhung gì nữa, chỉ biết xông lên đánh giặc giành lại hòa bình”.
Hơn 30 ngày chiếm giữ đồi A1, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng mét hào, khói lửa phủ kín bầu trời. Có những lúc tưởng chừng địch đã đánh bật ta ra khỏi đồi A1 nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng ông cùng các đồng đội vững tay súng, kiên trì đẩy lùi từng đợt phản công của địch. Như chạm vào khoảnh khắc oai hùng nhất của cuộc đời, ánh mắt rực sáng, ông cất cao giọng tự hào: “Tới ngày 6-5-1954 gần 1000kg thuốc nổ quân ta đưa vào chân đồn địch được điểm hỏa. Một ánh chớp lóe sáng kèm theo tiếng nổ trầm đục, cột khói cao vút bốc lên trời. Chúng tôi xông lên giải phóng cứ điểm A1 rồi tấn công sang hầm De Castries. Đến ngày 7-5-1954 tướng De Castries bị bắt sống, lúc đó hắn ta mặc quần soóc, áo vàng, đội mũ chào mào, tay cầm ba-tong, cúi đầu đi ra từ hầm chỉ huy. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tôi cùng đồng đội vỡ òa sung sướng, ôm lấy nhau rồi reo hò mừng thắng lợi”.
“Người lính quyết tử yên nằm hiên ngang”


Trở về từ cuộc chiến, ông xây dựng tổ ấm nhỏ rồi tham gia công tác tại Tổng cục Hậu cần, làm việc tại Trường Trung cấp Quân nhu cho tới khi nghỉ hưu năm 1985. Vừa kể, ông vừa cho tôi xem những phần thưởng, kỷ vật về một thời quá khứ oanh liệt của mình. Trên tường nhà ông trang trọng treo đủ Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng… Trên ngực áo những huy chương lấp lánh cũng được ông Phấn cài ngay ngắn, chỉnh tề. Gương mặt người Đại tá không giấu nổi niềm tự hào về một chặng đường quá khứ rất vẻ vang.
Một thời hào hùng được ông ghi chép lại qua những tập thơ cùng bao trang hồi ức, nhất là nỗi niềm nhớ thương đồng đội, ở cuối những trang hồi ký về chiến trận Điện Biên, ông viết: “Chiến dịch Điện Biên kết thúc. Và cũng là cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Tuy nhiên, đại thắng địch ở Điện Biên nhưng quân ta cũng hy sinh nhiều. Riêng đồi A1, đơn vị tham gia đều có người hy sinh và tổng số là 640 chiến sĩ ở A1”. Năm 2014, ông có dịp thăm lại chiến trường xưa, đứng giữa cánh đồng Điện Biên ông như hồi tưởng lại cả một thời hoa lửa: “Vẳng nghe tiếng vọng không trung/ Âm vang bộc phá nổ tung bốt đồn/ Âm vang súng pháo vang dồn/ Từng chùm cao xạ vút lên bầu trời”. Về khu đông thăm đồi A1, ông viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ, các phần mộ trong nghĩa trang hầu hết là phần mộ chưa xác định được tên tuổi. Nhìn thấy đồng đội nằm lại nơi đây, không giấu được niềm xúc động ông đặt bút viết bài thơ: “A1 ghi đậm ngàn năm/ Người lính quyết tử yên nằm hiên ngang/ Đoàn quân mũ lưới ngụy trang/ Oai phong chiến trận bia vàng thiêng liêng/ Trận tiền đại thắng Điện Biên/ Nước non in dấu đẹp thiên sử vàng!”.
Đôi mắt rớm lệ, hai tay đan vào nhau, ông xúc động: “Nước nhà độc lập, nhìn các anh nằm lại chiến trường tôi thương và nhớ đồng đội quá, nhiều anh khi ấy còn chưa có vợ, có con”. Vị Đại tá già chậm rãi thắp một nén hương trước bàn thờ gia tiên, mùi trầm thơm tỏa khắp gian nhà, ông đưa tay lau giọt nước mắt: “Thắp nén hương trầm tôi cầu mong các anh yên giấc ngàn năm”. Chiến thắng này là của toàn dân tộc, của toàn quân, của các chiến sĩ Điện Biên. Người trước ngã xuống, người sau xông lên mới có được thắng lợi này. Bảy mươi năm đã trôi qua, những hồi ức của một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính Điện Biên năm ấy, bao bài thơ về những ngày chiến trận vẫn được ông nắn nót viết ra mỗi dịp tháng 5 về. Đại tá Lê Khắc Phấn mong rằng thế hệ trẻ hôm nay luôn nhớ đến quá khứ hùng tráng, anh dũng ấy của dân tộc Việt Nam, từ đó tiếp nối những truyền thống vẻ vang, xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh.

 Thương nhớ hoa xoan



Cuối tháng ba, mưa phùn bay bay trên ngọn xoan bên thao trường huấn luyện Sư đoàn 3-Sao Vàng. Tranh thủ giờ giải lao, hướng mắt nhìn những chùm hoa xoan tim tím tỏa hương nồng nàn, tôi lại nhớ về biết bao kỷ niệm.
Giờ nghỉ, tôi nhắn tin cho cô hàng xóm: “Tháng ba sắp qua rồi đấy. Cây xoan góc vườn nhà em đã chi chít chùm hoa tím rồi chứ?”. Trong tích tắc, phía bên kia hồi âm: “Quê mình xây dựng nông thôn mới, làng mở rộng đường bê tông, bố em chặt cây xoan rồi, anh ạ!”. Dòng tin nhắn gợi lại mùa hoa xoan trong ký ức ngọt ngào...
Ngày đó, cạnh nhà tôi có một cây xoan cao lớn, thân xù xì những vết khắc loang lổ của lũ trẻ con trong xóm. Gốc xoan là nơi tuổi thơ tôi trốn học, cùng lũ bạn quây quần chơi bán hàng, chơi ô ăn quan, chơi trò cô dâu, chú rể, rồi thi nhau giơ tay hứng những cánh hoa xoan nhẹ rơi. Gốc xoan là nơi cô hàng xóm má ửng hồng ngồi chải tóc, ánh mắt thẹn thùng nhìn lên khoảng trời tim tím xôn xao. Gốc xoan cũng là nơi em gái tôi gạt vội những giọt nước mắt, bịn rịn bước chân tiễn tôi lên đường nhập ngũ...
Trước ngày tôi nhập ngũ, mẹ lặng lẽ trồng một cây xoan ở góc vườn. Tôi nghẹn ngào ôm chầm lấy mẹ. Xoa nhẹ mái tóc tôi, mẹ mỉm cười: “Biết con rất thích màu tím hoa xoan, bởi thế, mẹ trồng cây xoan này với mong muốn con trai mẹ luôn dẻo dai, vững chãi vươn lên trong môi trường Quân đội. Hằng ngày, mẹ sẽ chăm sóc cây để lòng vơi bớt nỗi nhớ con nơi biên cương nắng lửa”. Sau buổi ấy, cúi chào mẹ, tôi khoác ba lô lên đường tòng quân, tâm hồn gói ghém nghĩ suy về cây xoan nơi góc vườn và ánh mắt mẹ hiền dõi theo từng bước con đi...
Những năm trong quân ngũ, tháng ba về, hoa xoan nở rộ, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến cánh hoa nhỏ bé cứ tím hồn nhiên nơi quê nhà. Tôi nhớ về người mẹ, người vợ, người em gái nơi hậu phương. Với những người phụ nữ tần tảo một nắng hai sương ấy, 365 ngày diễn ra rất đỗi bình thường, nhưng nụ cười ấm áp, hạnh phúc của họ hòa trong hương hoa xoan dịu ngọt chứa chan bao nguồn động viên, khích lệ, tiếp thêm nghị lực, niềm tin để tôi vững tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Bây giờ, cây xoan nhà hàng xóm chỉ còn trong ký ức. Cô gái má ửng hồng ngồi chải tóc dưới gốc xoan ngày ấy đã lấy chồng trên thành phố. Cứ mỗi độ tháng ba về, tôi lại nhớ thương khắc khoải sắc tím năm xưa. Nơi phố phường bon chen, ồn ào xe cộ, có khi nào em thương nhớ hoa xoan?

 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử



Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, do các quy định pháp lý chưa theo kịp thực tế, đã tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng niềm tin và quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.
Không phủ nhận thương mại điện tử giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn, song người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, như: Bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…
Các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, đoạn video của chính hãng để quảng cáo. Tuy nhiên, khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng lại khác hoặc không đúng như quảng cáo, cũng có khi là sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm đã được sửa chữa, đã qua thời gian trưng bày, sử dụng…
Đặt mua một đôi giày cao gót trên mạng, chị Thu Nga, ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) “dở khóc, dở cười” khi nhận được đôi giày vừa bé, kiểu dáng giày thấp, không giống như hình ảnh đôi giày mà người bán hàng quảng cáo. Gọi cho người bán hàng yêu cầu đổi đôi khác, nhưng đầu dây bên kia không có người trả lời điện thoại.
Chị Nga cho biết, trước khi đặt mua, chị đã hỏi người bán hàng rất kỹ, thậm chí còn đọc nhiều phản hồi tốt về shop chuyên bán hàng giày dép này. Mặt khác, shop chuyên bán hàng online này lại có hàng trăm lượt “like”, nên chị yên tâm tin tưởng chuyển tiền.
Do giá trị đôi giày không lớn, nên chị Nga cũng không muốn mất thời gian khiếu nại, kiện cáo. Tuy nhiên, chị cho biết sẽ viết bài trên trang Facebook cảnh báo cho bạn bè biết, cũng như cẩn thận hơn để không phải mất tiền mua sự bực tức vào người. Hay vừa tháng trước, anh Quang Huy, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đặt mua chiếc máy khoan tường cầm tay trên trang cá nhân Facebook. Rõ ràng quảng cáo là hàng của hãng, giá hấp dẫn, nhưng khi nhận hàng và dùng thử thì không thể dùng được, chạy một lúc thì pin hết, máy yếu.
Không chỉ chị Nga, anh Huy, mà rất nhiều người mua hàng trên mạng cũng gặp phải những tình huống tương tự. Thậm chí, có những người đã trả tiền mà chờ mãi chẳng thấy hàng đâu; có người mua hàng giá trị cao mà đồ nhận được là những thứ không có giá trị sử dụng, chỉ khi mở hàng ra mới biết. Tìm người bán hàng thì chẳng khác mò kim đáy bể, bởi họ không ghi cửa hàng, không địa chỉ, không số điện thoại, thậm chí còn không có cả gian hàng trực tuyến, chỉ bán qua mạng xã hội và sử dụng tên ảo.
Nhiều người mua hàng tin vào nhiều lượt đánh giá 5 sao, lượt phản hồi tốt mà thực chất cũng là “ảo” mà công nghệ hoàn toàn có thể làm được. Thực tế, có rất nhiều vụ việc vi phạm trong thương mại điện tử đã diễn ra.
Khi mua hàng trên mạng, người mua chỉ dựa vào thông tin do đơn vị bán hàng cung cấp, thương hiệu của đơn vị bán hàng; bằng kinh nghiệm của bản thân và bằng... niềm tin. Chính vì vậy, đã xảy ra rất nhiều khiếu kiện liên quan thương mại điện tử.
Theo lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) trung bình mỗi năm, đơn vị xử lý từ 500-2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan giao dịch online. Cùng với nạn hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ…, sự phát triển môi trường thương mại điện tử còn xuất hiện tình trạng lừa đảo qua mạng.
Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram... tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho sàn thương mại điện tử… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho gian hàng.
Điều kiện bắt buộc là cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước, và được cam kết sẽ nhận lại tiền gốc cùng chiết khấu hoa hồng. Mặt khác, đối tượng lừa đảo gửi cho cộng tác viên đường link sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và yêu cầu thực hiện xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.
Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn trả tiền hàng và hoa hồng gửi vào tài khoản ngân hàng. Từ những đơn hàng có giá trị thấp, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu cộng tác viên “chốt đơn” hàng có giá trị cao, dẫn đến không còn khả năng chuyển tiền.
Lúc này, đối tượng lừa đảo lấy lý do công ty đang bảo trì hệ thống hoặc lý do khác để từ chối không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng cho cộng tác viên, đồng thời yêu cầu họ tiếp tục công việc. Với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên nhiều người liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chuyển tiếp mới nhận ra đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ASEAN vào năm 2026. Trong bối cảnh đó, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với sự phát triển của thương mại điện tử. Do đó, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách phù hợp yêu cầu hội nhập và chuyển đổi số.
Đồng thời xây dựng, hoàn thiện quy định hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng thông qua các hoạt động như tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, phát huy sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông.
Mặt khác cần phối hợp nhiều đơn vị liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Đánh giá cán bộ bằng 'thước đo về sự ngay thẳng'



Về việc lựa chọn cán bộ chiến lược của Đảng cho tương lai gần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu: Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có khuyết điểm.
Trong số các khuyết điểm có việc kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.
Tác dụng kép
Điều 4 Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc minh bạch tài sản, thu nhập quy định: Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định tại mẫu Bản kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.
Thông thường, hành vi tham nhũng là để thỏa mãn lòng tham về của cải, vật chất. Bởi vậy, việc kê khai tài sản là để xác minh tính minh bạch đối với nguồn tài sản mà cán bộ đang nắm giữ, một trong các giải pháp để có thể phát hiện cán bộ có tham ô, tham nhũng hay không.
Bên cạnh việc phòng ngừa tham nhũng thì việc kê khai tài sản cũng chính là một cách bảo vệ sự trong sạch của cán bộ khi họ có khối tài sản minh bạch, nguồn thu nhập chính đáng. Cán bộ cũng có ý thức giữ mình hơn khi việc kê khai và xác minh tài sản được thực hiện nghiêm túc, công tâm.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), người kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến…
Thước đo về “lòng ngay dạ thẳng”
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ ngày 8/2/2022 đến ngày 30/4/2023, có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập, trong số này có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Điển hình là trường hợp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Tại Hội nghị Trung ương 8 (từ ngày 2 đến ngày 8/10/2023), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ do “kê khai, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định”. Dĩ nhiên, người cán bộ từng thuộc hàng ngũ lãnh đạo tầm chiến lược này có lý do để gian dối trong việc kê khai tài sản. Ngày 14/12/2023, do hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" ông Thọ đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Tuy nhiên, không nhiều trường hợp gian dối trong kê khai tài sản bị phát hiện qua việc kiểm tra, xác minh thông thường. Phần lớn là khi cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị điều tra hình sự thì hành vi thiếu ngay thẳng trước đó mới bị đưa ra ánh sáng.
Một số hạn chế, bất cập trong thực thi Nghị định 78/2013/NĐ-CP khiến việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, viên chức, đảng viên chưa đạt mục đích và đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là khâu kiểm tra, xác minh, đánh giá, kết luận của bộ phận chức năng về việc kê khai bị bỏ ngỏ. Số liệu, thông tin kê khai tài sản gần như là “đường một chiều”, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai. Số người được kiểm tra, xác minh về nguồn gốc tài sản chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng khổng lồ các bản kê khai.
Khi đóng góp ý kiến với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các biện pháp phòng, chống tham nhũng và lựa chọn cán bộ, nhiều chuyên gia, đảng viên lão thành, cử tri đề xuất: Để việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản phát huy hiệu quả thì cần thực hiện sâu sát Chỉ thị 33-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó nhấn mạnh tới cách thức hạn chế hành vi kê khai tài sản không trung thực.
Cụ thể, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, để uốn nắn, xử lý kịp thời những vi phạm; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thậm chí tịch thu tài sản, thu nhập không được chứng minh về nguồn gốc chính đáng.
Trong bối cảnh việc kiểm tra, xác minh kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều hạn chế thì tính trung thực của cán bộ, đảng viên trong việc tự kê khai càng được đề cao. Cán bộ càng nắm giữ vị trí quan trọng càng phải nêu gương về sự minh bạch đối với nguồn tài sản mà mình đang nắm giữ.
Không gian dối trong việc kê khai và giải trình về nguồn gốc tài sản chính là thước đo đơn giản và rõ ràng về “lòng ngay dạ thẳng” của cán bộ, đảng viên. Ngược lại, những người thiếu trung thực trong kê khai thì phải được xem là không có đủ phầm chất đạo đức để đứng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước chứ chưa nói đến việc được lựa chọn vào hàng ngũ cán bộ tầm chiến lược. Nếu để lọt vào đội hình tinh hoa của Đảng những người thiếu ngay thẳng từ hành vi rất cơ bản là kê khai tài sản thì sự nghiệp cách mạng chẳng những bị tổn hại nặng nề mà uy tín của Đảng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không coi việc kê khai tài sản, thu nhập là “thủ tục hình thức”, “đến hẹn lại lên” mà nghiêm túc thực hiện chính là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và củng cố phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Các vụ việc Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, FLC, Vạn Thịnh Phát, SCB, Phúc Sơn… một lần nữa cho thấy rằng không ít cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao, cán bộ tầm chiến lược, nếu tránh được “những viên đạn bọc đường” thì vẫn có thể gục ngã bởi “những viên đạn bọc rất nhiều đường”.
Còn nếu việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên được thực hiện có hiệu quả thì những dấu hiệu bất thường về sự “giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc” sẽ bị phát lộ trước khi cơ quan điều tra phải tốn biết bao thời gian, công sức để lần ra những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đương sự.
Thiết thực và ý nghĩa Chương trình 'Biên giới, biển, đảo trong tim tôi'


Tối 29/3, tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Túc, xã Lìa, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật “Biên giới, biển, đảo trong tim tôi” năm 2024.
Chương trình diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng, trải dài qua các thời kì lịch sử; đồng thời, thể hiện quyết tâm, sức trẻ đang cống hiến hăng say xây dựng đất nước ngày nay. Chương trình được tổ chức dàn dựng công phu, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân khu vực biên giới trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, quốc phòng thời kì mới.
Chương trình “Biên giới, biển, đảo trong tim tôi” năm 2024 được tổ chức tại Quảng Trị trong 2 ngày 28 - 29/3, với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực như: tổ chức Lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2024, tại cột mốc biên giới Việt - Lào số 605, huyện Hướng Hóa, với sự tham gia của hơn 100 đoàn viên, thanh niên và học sinh; thăm, tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng Thuận, Thanh, Ba Tầng, Cửa Việt; tổ chức khởi công nhà nhân ái ở thôn Tăng Cô Hang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa; khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho 500 người dân xã Lìa; tổ chức phiên chợ 0 đồng; tập huấn kỹ năng tự vệ và phát triển cảm xúc học sinh, nói không với bạo lực học đường.
Chương trình cũng tổ chức Lễ phát động ra quân “Hãy làm sạch biển” tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, với sự tham gia của trên 300 đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên, cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương…; trao tặng 20 phần quà cho người dân trên địa bàn huyện Gio Linh; tặng 300 áo phao bơi và 2 tủ sách “Vì đàn em thân yêu” cho các em thiếu nhi tỉnh Quảng Trị; tặng Công trình “Sân chơi cho em” trị giá 20 triệu đồng cho thiếu nhi xã Gio Hải…
Chương trình “Biên giới, biển, đảo trong tim tôi” được tổ chức nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, hội viên, thanh niên tại các vùng biên giới và hải đảo. Chương trình góp phần chăm lo thêm đời sống về vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng biên giới, biển, đảo, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển, đảo cho hội viên, thanh niên…

 

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...