Ngày 29/11/2021, ông Trần Cẩm Tú – chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ký Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm. Hướng dẫn bao gồm 19 điều (xem toàn văn hướng dẫn tại đây https://imgs.vietnamnet.vn/Flash/2021/12/04/09/hu-o-ng-da-n-nhu-ng-die-u-da-ng-vie-n-kho-ng-du-o-c-la-m.pdf). Trong số đó, có nội dung về đảng viên không được đòi thực hiện “xã hội dân sự”. Vậy “xã hội dân sự” là gì và vì sao đảng viên không được đòi “xã hội dân sự”?
“Xã hội dân sự” được hiểu là không gian xã hội công cộng nằm ngoài nhà nước, thị trường và lĩnh vực riêng tư của cá nhân, gồm các chế định độc lập tương đối với Nhà nước, hoạt động tự nguyện trên các lĩnh vực xã hội. Nói cách khác, xã hội dân sự là một xã hội phi nhà nước, hoạt động trên nguyên tắc tự điều chỉnh. Xã họi dân sự là khái niệm phổ biến ở châu Âu. Trên thực tế, xã hội dân sự có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở liên minh châu Âu hiện nay, như: tham gia xây dựng và thực hiện chính sách công, cải cách “quản trị công”, cung cấp các dịch vụ xã hội, giám sát, phản biện… các cấp chính quyền EU.
Tuy nhiên, xuất phát từ chính bản chất của xã hội dân sự, đó là tính độc lập, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, các chủ thể là thành viên của xã hội dân sự mạnh ai người đó làm, không loại trừ các thủ đoạn triệt hạ, dẫm đạp lẫn nhau để tranh giành quyền lợi; vì trong một xã hội không có quy định chung để điều chỉnh, buộc tất cả mọi thành viên đều phải tuân theo mà chỉ dựa trên sự tự thỏa thuận thì lấy gì đảm bảo có kết quả là sự đóng góp của mọi thành viên xã hội. Trong xã hội dân sự, bất kỳ ai cũng có thể nổi lên trở thành trung tâm quyền lực miễn là đáp ứng các tiêu chí phù hợp của xã hội đó, cái mà chính bản thân xã hội dân sự đó cũng không có quy định cụ thể. Nhìn chung, xã hội dân sự đề cao và hoạt động dựa trên chủ nghĩa cá nhân. Ở Việt Nam, xã hội dân sự đi ngược lại với quan điểm, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền – mọi công dân sống, lao động, làm việc theo pháp luật và do đó nó không phù hợp và không được thừa nhận ở nước ta. Các thông tin tuyên truyền về “xã hội dân sự” thường bị lợi dụng để hạ thấp vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước với các luận điệu như: không thừa nhận xã hội dân sự thì giá trị cá nhân của con người không được tôn trọng, con người không có không gian xác lập trạng thái cân bằng, không có nơi trở về sau một chu trình chính trị, không có giải pháp cho tương lai… Đây là những luận điệu vu cáo trắng trợn, nhằm hướng tới mục đích là đòi thừa nhận, hình thành các “khoảng trống nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước”, “không gian công phi chính thống” ở Việt Nam. Khi “xã hội dân sự” được hình thành sẽ tạo điều kiện cho việc công khai tổ chức chính trị đối lập, nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước, thực hiện các hoạt động chống Nhà nước lợi dụng danh nghĩa “phản biện xã hội”, “phản biện chính sách”, “chống tham nhũng”, “bảo vệ môi trường”, v.v. Hình thành “xã hội dân sự” là cơ sở cho việc hình thành chủ nghĩa đa nguyên dựa trên tính đa nguyên về tư tưởng của các thành viên trong “xã hội dân sự”; do vậy, bản chất của việc đòi hình thành “xã hội dân sự” là hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.
Như vậy, việc Ủy ban kiểm tra Trung ương ban hành quy định về không cho phép đảng viên đòi thực hiện “xã hội dân sự” là đúng đắn, rất kịp thời, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang quyết tâm cao độ thực hiện chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Đây cũng là mong mỏi của các tầng lớp nhân dân, bởi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chỉ thành công khi đặt dưới lãnh đạo bởi Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét