“Dân tộc nào đánh mất bản sắc thì dân tộc đó sẽ bị đồng hóa” (Các Mác). Trong thời đại Công nghệ 4.0, “thế giới phẳng” như hiện nay, các quốc gia – dân tộc có thể vẫn giữ được chủ quyền biên giới lãnh thổ nhưng nếu không có chính sách phát triển đúng đắn thì sẽ thất bại trước các cuộc “xâm lăng văn hóa”, mà mất bản sắc văn hóa là mất tất cả.
Thành tựu của nền báo chí, văn học – nghệ thuật Việt Nam là không thể phủ nhận.
Đối với Việt Nam, những thành tựu của báo chí, văn học – nghệ thuật từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể phủ nhận. Cần phải khẳng định rằng: Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định cho sự phát triển nền báo chí, văn học – nghệ thuật lành mạnh, tiến bộ ở Việt Nam.
Chỉ trong 35 năm Đổi Mới, Đảng ta đã ban hành hơn 30 nghị quyết, kết luận, chỉ thị về văn hóa, báo chí – xuất bản, văn học – nghệ thuật. Nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò to lớn của báo chí, văn học – nghệ thuật ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Theo đó, văn hóa, báo chí – xuất bản, văn học – nghệ thuật là những thành tố nòng cốt của nền văn hóa, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển đất nước.
Thực hiện chủ trương quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông, cho đến tháng 6-2021, cả nước có 779 cơ quan báo, tạp chí in; 105 báo, tạp chí điện tử; 1.510 trang thông tin điện tử, 228 mạng xã hội được cấp phép; 67 đài phát thanh – truyền hình Trung ương và địa phương; 1 hãng thông tấn quốc gia; hơn 41.000 người làm báo. Ngoài ra còn có nhiều kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng được cấp phép hoạt động ở Việt Nam; nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn của quốc tế có cơ quan và phóng viên thường trú tại Việt Nam. Đời sống văn hóa – văn nghệ của nhân dân ngày càng phong phú, sôi động. Trên tinh thần vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa chủ động chắt lọc, tiếp thu nhữngtinh hoa văn hóa thế giới, các sản phẩm văn hóa – văn nghệ của Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng. Rất nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản thế giới…
Thực tế trên là rất sinh động và thuyết phục, thế nhưng trên không gian mạng và một vài diễn đàn vẫn có những quan điểm, tiếng nói lạc lõng cho rằng: “Dưới chế độ đảng trị thì dẫu có cả nghìn tờ báo, kênh phát thanh – truyền hình, báo chí Việt Nam vẫn chỉ là báo chí một chiều, thông tin theo định hướng”; “báo chí Việt Nam đều có chung một ông Tổng Biên tập”; rồi “văn học – nghệ thuật do Đảng lãnh đạo là thứ văn học – nghệ thuật minh họa nghị quyết”…
Cứ theo quan điểm của những người phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng thì để có nền báo chí, văn học – nghệ thuật “thực sự”, các nhà báo, nhà văn có quyền thông tin vô hạn độ, “thông tin trong thế giới phẳng không có biên giới, không có vùng cấm”, hay các văn nghệ sĩ được quyền tự do tư tưởng tuyệt đối trong sáng tạo và công bố tác phẩm.
Vậy hiện nay, trên thế giới đã có quốc gia nào có nền báo chí, văn học – nghệ thuật đạt đến trình độ “tự do tuyệt đối” như vậy chưa?
Tự do báo chí, văn học – nghệ thuật trên thế giới
Ở Vương quốc Anh, mọi người có thể công khai diễn thuyết trong trường hợp nhất định và có không gian xác định nhằm tuyên truyền cho chủ trương của mình, thậm chí có thể thóa mạ cả thủ tướng, quan đại thần, nhưng nếu có người hô “đả đảo Chính phủ nước Anh”, “đả đảo Nữ hoàng” hoặc tuyên truyền bạo lực cách mạng, thì sẽ bị coi là tội phạm và bị bắt ngay. Ở Pháp, tự do báo chí được đề cập rất sớm, ngay trong tiến trình cách mạng 1789, Đạo luật đầu tiên của Quốc hội Pháp thời bấy giờ là bản Tuyên bố Dân quyền và Nhân quyền. Điều 11 của Tuyên bố này đã xác lập quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, năm 1881, nền Cộng hòa lần thứ ba của nước Pháp đã ban hành một Đạo luật về tự do báo chí. Đạo luật này, đến nay về vẫn cơ bản còn giá trị; cùng với việc công nhận quyền tự do báo chí, Đạo luật 1881 đã xác lập giới hạn trong tự do báo chí, bằng việc đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí… Còn ở Hoa Kỳ – nơi được các “nhà dân chủ” xem như một hình mẫu của “thế giới tự do” khi họ viện dẫn Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ quy định Quốc hội không có quyền ban hành văn bản hạn chế tự do báo chí. Tuy nhiên, họ quên rằng, rất nhiều đạo luật, bộ luật đã cụ thể hóa vấn đề này. Đạo Luật Trấn áp phản loạn của nước Hoa Kỳ quy định: “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến…mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”. Hay Điều 238, Bộ Luật Hình sự của nước này nghiêm cấm mọi hành vi “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”…
Nhà nước và xã hội trả giá đắt nếu lạm dụng tự do báo chí, văn học – nghệ thuật
Như vậy, không chỉ có Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới cùng với việc công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật trên cơ sở Công ước quốc tế và điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử truyền thống cũng như sự ổn định, phát triển ở mỗi quốc gia, đều ban hành những quy định pháp lý cụ thể, đưa ra những giới hạn nhất định để bảo đảm việc thực thi quyền con người.
Tuy nhiên, một khi những quyền này bị lạm dụng thì nhà nước và xã hội đều phải trả giá đắt. Còn nhớ cách đây chưa lâu, một hãng phim Mỹ tung ra thị trường bộ phim “Sự ngây thơ của các tín đồ Hồi giáo” đã khiến toàn thể tín đồ đạo Hồi trên thế giới phẫn nộ, gây nên nhiều cuộc biểu tình, bạo động, bao vây, đe dọa an ninh các sứ quán Mỹ ở nhiều nước… Còn ở Pháp, ngày 7 tháng 01 năm 2015 được xem là ngày đen tối nhất trong lịch sử báo chí nước Pháp, một nhóm khủng bố đã tấn công trụ sở Tòa soạn báo Charlie Hebdo, sát hại 12 người vì lý do tờ báo này đã vẽ tranh châm biếm tôn giáo của họ. Trước sự kiện thảm sát tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo, Giáo hoàng Francis đã cho rằng: “Tự do báo chí không phải vô giới hạn khi tự do đó xúc phạm tới tín ngưỡng tôn giáo”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun lúc bấy giờ cũng lên tiếng: “Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó được sử dụng vào mục đích công lý và cộng đồng… Khi một số người sử dụng quyền tự do này để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị niềm tin của người khác thì hành động đó sẽ không được bảo vệ”.
Điều 29 trong “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên hợp quốc (năm 1948) khẳng định các quyền con người có thể bị hạn chế theo luật định: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”
Những vấn đề cơ bản lý luận và thực tiễn ở Việt Nam cũng như một số quốc gia nêu trên đã chứng minh rằng, ở mọi quốc gia trên thế giới, không hề và không thể có nền báo chí, văn học – nghệ thuật nào “tự do tuyệt đối”, ‘tự do vô hạn”. Những quan điểm, giọng điệu như đã nêu thực chất chỉ là chiêu trò lợi dụng tự do báo chí, văn học – nghệ thuật để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét