7/3/21

PHÁP LUẬT NHÂN ĐẠO; VÀ BẢN ÁN THỨC TỈNH LƯƠNG TÂM.

Từ ngày 8/3 đến 10/3/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 6 bị cáo (trong tổng số 29 bị cáo) vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra vào ngày 9/1/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Đây là vụ án hình sự nghiêm trọng mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 7/9/2020. Sau hơn một tuần xét xử, chiều ngày 14/9/2020, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 29 bị cáo mức hình phạt thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. 6 bị cáo bị kết án về tội “Giết người”: Lê Đình Công, tử hình; Lê Đình Chức, tử hình; Lê Đình Doanh, tù chung thân; Bùi Viết Hiểu, 16 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển, 12 năm tù. 23 bị cáo bị kết án về tội “Chống người thi hành công vụ” các bị cáo bị tuyên phạt từ 15 tháng đến 6 năm tù trong đó 14 bị cáo được hưởng án treo.
Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, dư luận chung đồng tình, thống nhất cao trong nhận xét, đánh giá phiên tòa được tiến hành đúng luật, bản án đúng người, đúng tội, vừa nghiêm minh, vừa nhân văn.

Trước hết phải khẳng định quyết định tố tụng của phiên tòa sơ thẩm được thực hiện hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tố tụng các cơ quan pháp luật đã tiến hành hoạt động đúng thẩm quyền, đúng quy định; khi xét xử công khai tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, không có khiếu nại… Qua các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận từng chứng kiến, bị can Lê Đình Công cúi đầu thừa nhận: “Các hành vi của chúng tôi là hoàn toàn sai trái”. Bản thân nhiều bị cáo đứng trước tòa cũng đã thừa nhận phiên tòa diễn ra không có sự áp đặt và thấy rõ sai phạm của bản thân cùng đồng phạm, tỏ ra ăn năn, hối hận, gửi lời xin lỗi gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị sát hại. Bị cáo Lê Đình Chức xác định: Trước vong linh của 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, bị cáo muốn khai rõ ràng để lương tâm thanh thản. Lời khai của các bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra cũng như lời khai của các bị cáo khác trong vụ án, có các vật chứng, chứng cứ phù hợp với khai nhận… Những nội dung, tình tiết và sự thật trên là cơ sở quan trọng để Hội đồng xét xử có được phiên tòa và bản án sơ thẩm hình sự đúng luật, đúng người, đúng tội…
Cùng với việc đúng luật trong quá trình tố tụng, xét xử, Tòa sơ thẩm đã có bản án đúng luật, nghiêm khắc, nghiêm minh nhưng cũng thể hiện tính nhân văn. Sự đánh giá này dựa trên cơ sở bản án và quá trình tố tụng của phiên tòa. Đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu phạm tội “Giết người” có hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp bằng các hành vi dã man, mất hết tính người, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội… thì phải chịu mức án nghiêm khắc là cần thiết. Các bị cáo có hành vi phạm tội nhưng do bị lôi kéo, xúi giục, đã thật sự tỏ ra ăn năn, hối cải, khai báo thành khẩn… cũng được xem xét áp dụng mức án phù hợp, có giảm nhẹ một phần hình phạt. Có luật sư trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự của mình tại phiên tòa đã phát biểu trước tòa khẳng định: việc Tòa đồng ý với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát chuyển tội danh từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” có hình phạt nhẹ hơn cho một số bị cáo bị lôi kéo thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của pháp luật.
Trong tổng số 29 bị cáo bị tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm có 23 bị cáo chấp thuận phán quyết của tòa, không kháng cáo. Với 6 bị cáo xin kháng cáo thì có 5 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, riêng bị cáo thứ 6 Bùi Thị Nối kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại. Về bị cáo Nối xin thông tin Nối là con nuôi của đối tượng chủ mưu, cầm đầu vụ án Lê Đình Kình (đã chết); Nối từng thừa nhận trong quá trình tham gia vào vụ việc Đồng Tâm “Chúng tôi có lúc hồ đồ nên cũng sai”, bị cáo Lê Đình Công cũng đã khai rằng “Tôi và Nối và Đục là những người làm bom xăng”, (sau này các bị cáo đã dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng thi hành công vụ).
Phán quyết này được dư luận đồng tình bởi công lý đã được thực thi nghiêm minh bằng hai bản án tử hình, một bản án chung thân đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu, xúi giục nhân dân chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng pháp luật cũng rất khoan dung, nhân đạo đối với những bị cáo biết thức tỉnh lương tâm, thừa nhận tội lỗi của mình để sửa chữa, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Trong số 6 bị cáo bị truy tố về tội giết người thì Lê Đình Công (con Lê Đình Kình, đã chết) ngoài việc giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, còn thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn, tung các video clip, ghi hình và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội tuyên bố giết chết từ 300 đến 500 cán bộ, chiến sĩ Công an. Công tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Công chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi, ném bom xăng, lựu đạn về phía lực lượng làm nhiệm vụ.
Bị cáo Lê Đình Chức (em bị cáo Công) là người trực tiếp đổ xăng 3 đến 5 lần xuống hố và ném lửa xuống thiêu sống ba đồng chí Công an khiến các anh hy sinh thương tâm đến mức không thể nhận dạng được thi thể mà phải nhờ giám định AND mới xác định được.
Một bị cáo giữ vai trò tích cực khác là Lê Đình Doanh (con bị cáo Công). Bị cáo Doanh đổ xăng ra chậu, châm lửa đốt và cùng bị cáo Chức đẩy chậu xăng xuống hố - nơi ba đồng chí Công an bị rơi xuống, trực tiếp gây khiến ba đồng chí hy sinh.
Hành vi của bị cáo Doanh thể hiện tính côn đồ, hung hãn, quyết liệt thực hiện hành vi giết người đến cùng. Điều đáng nói nữa là trước khi gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, ba bị cáo: Công, Chức và Doanh đều đã có tiền án, nhưng không chịu tu tỉnh trở về nẻo thiện mà tiếp tục lúc sâu vào tội lỗi.
Từ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của hành vi đã gây ra, HĐXX khẳng định, bị cáo Công và bị cáo Chức đã mất nhân tính, không còn khả năng giáo dục, cải tạo nên quyết định loại bỏ vĩnh viễn hai bị cáo này khỏi đời sống xã hội, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đối với bị cáo Doanh, HĐXX nêu quan điểm, với hành vi đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra, lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Doanh ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng xét thấy bị cáo Doanh có bố (bị cáo Công) và chú ruột (bị cáo Chức) đã bị tuyên án tử hình, nên để thể hiện sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Doanh tù chung thân.
Trong quá trình xét xử và nghị án, HĐXX đã cân nhắc kỹ lưỡng về đề nghị chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” của đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà. HĐXX nhận thấy, với mục đích chống đối chính quyền nên hầu hết các bị cáo đều tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng hành vi của các bị cáo này là do bị các bị cáo chủ mưu, cầm đầu lôi kéo, xúi giục và kích động nên mới hành động như vậy.
Ngoài ra, hành vi của các bị cáo này cũng không trực tiếp khiến ba đồng chí Công an hy sinh. Do vậy, HĐXX đã chấp thuận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc chuyển tội danh, giảm hình phạt cho các bị cáo.
Khi tuyên án, HĐXX chấp thuận chuyển tội danh cho 19 bị cáo để họ chỉ phải nhận mức hình phạt thấp hơn, thậm chí số bị cáo được HĐXX cho hưởng án treo còn nhiều gấp đôi so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát (Viện kiểm sát đề nghị 7 án treo, HĐXX tuyên 14 án treo). Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật đối với những người trót lầm lỡ phạm tội.
Ngay cả cha đẻ của bị hại (liệt sĩ Phạm Công Huy) là ông Phạm Công Lâm dù rất phẫn nộ về hành vi của các bị cáo đã gây ra khiến con ông ra đi mãi mãi, nhưng sau khi HĐXX tuyên án, ông cũng tỏ thái độ đồng tình với HĐXX khi quyết định áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, giảm hình phạt cho các bị cáo trong bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”. Ông Lâm cho rằng, với sự khoan hồng của pháp luật, các bị cáo này sẽ sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành những công dân tốt đối với xã hội.
Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, từ phần xét hỏi, tranh luận đến khi nói lời sau cùng, các bị cáo đều bày tỏ sự hối hận và nói lời xin lỗi với gia đình ba đồng chí Công an đã hy sinh. Lý giải thích cho hành vi phạm pháp của mình, các bị cáo nói rằng, họ có nhận thức hạn chế về pháp luật nên bị lôi kéo, xúi giục mà nghe theo. Họ nhận thấy hành vi phạm tội của mình là rõ ràng nên không cần phải bào chữa thêm trong quá trình tranh luận. Từ nhận thức đó, các bị cáo ý thức được hành vi sai phạm đã gây ra và hứa trước HĐXX sẽ trở thành công dân tốt, cam đoan về sau sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Nhà nước.
Vụ án đã khép lại, pháp luật đã thực thi rất nghiêm minh đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Những người vi phạm pháp luật đều phải trả giá cho hành vi mà mình đã gây ra. Trả giá không chỉ là việc các bị cáo phải mức án phạt tương xứng với hành vi phạm tội, mà bản án này còn được thực thi trong lương tâm của các bị cáo. Họ không chỉ nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai nhận tội, mà điều quan trọng hơn là sau phiên toà này, chúng tôi nhận thấy lương tâm họ đã được thức tỉnh.
Dù họ nói là thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị lôi kéo, dụ dỗ, nhưng sau đó họ đã tự nhận biết cái đúng và cái sai để khắc phục, sửa chữa tội lỗi của mình. Và dù cho bản án có nghiêm khắc đối đến thế nào thì với họ, điều quan trọng và thanh thản hơn là họ đã hiểu rõ bản chất sự việc này chính là mưu đồ của những kẻ chủ mưu, cầm đầu mượn danh nghĩa “Tổ đồng thuận” để làm bậy, để chống phá chính quyền và nhân dân. Chúng tôi tin rằng, vụ án này là bài học lớn để mỗi bị cáo tìm được con đường đúng đắn để bước tiếp. Đó cũng là cách để họ trở thành công dân có ích, đóng góp nhiều hơn nữa cho gia đình và xã hội.!
________________
Cùng với sự đồng thuận của đông đảo dư luận, đã có nhiều bị cáo và gia đình, người thân của họ đồng tình với phiên tòa và bản án sơ thẩm, cho rằng chính sự nghiêm minh và nhân văn của luật pháp đã giúp các bị cáo thức tỉnh, có cơ hội cải tạo tiến bộ, sớm hòa nhập cộng đồng và người dân thêm hiểu biết để chấp hành nghiêm pháp luật. Trong khi đó, vẫn với âm mưu, thủ đoạn như trước và trong phiên tòa, các thế lực thù địch, phản động, chống phá, cơ hội chính trị lại tiếp tục lợi dung vụ án, lợi dụng phiên tòa để xuyên tạc, kích động. Có thể thấy rõ, vẫn như cũ, chẳng có gì mới, sự xuyên tạc, vu cáo, kích động của các thế lực chống phá rất vô lý, trắng trợn. Xin ví dụ: phiên tòa diễn ra công khai, đúng luật, 29 bị cáo chấp nhận các hành vi mà cáo trạng truy tố và không có khiếu nại gì, 23 bị cáo đồng ý với mức án, không kháng cáo, 6 bị cáo kháng cáo chủ yếu với nội dung xin xem xét giảm mức án… thế mà các thế lực chống phá xuyên tạc vu cáo phiên tòa áp đặt, bản án bỏ túi, các bị cáo và dư luận bất bình. Hay trên thực tế tình hình ở Đồng Tâm đã sớm ổn định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tâm đoàn kết, thống nhất xây dựng quê hương phát triển tốt đẹp, nhưng các thế lực chống phá lại cố tình xuyên tạc rằng Đồng Tâm vẫn bất ổn, nhân dân phản ứng, chống đối, mong muốn quốc tế can thiệp, trợ giúp… Thật đúng là sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn, vô lý, không thể chấp nhận được của các thế lực chống phá.
Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá trên, đồng thời yên tâm tin tưởng, chờ đợi phiên tòa Phúc thẩm sẽ tiếp tục bảo đảm tính nghiêm minh và sự nhân văn của pháp luật Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...