Ngày 19/07/2020, giữa 2 thành viên NXB Tự Do là Phạm Đoan Trang và Nguyễn Phương Hoa đã xảy ra một cuộc xung đột công khai trên mạng xã hội; trong đó Trang tố Hoa tham nhũng công quỹ, còn Hoa phản bác và tố Trang bè phái, vô ơn, nói xấu sau lưng. Để làm rõ bản chất của mâu thuẫn trong vụ việc, và ý nghĩa của nó đối với “phong trào dân chủ”, cũng như với người dân, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn ý kiến của từng bên liên quan, bắt đầu bằng bài viết của Trang để kết tội Hoa tham nhũng.
Bài viết mà Trang đăng lên Facebook lúc 08h30’ sáng 19/07/2020 có nội dung như sau:
“NGHỀ KINH DOANH DÂN CHỦ
Tôi chưa bao giờ phải viết bài nào khó như bài này, bởi lý do: Từ trước đến nay, tôi luôn quan niệm rằng mình chỉ có một kẻ thù, đó là chế độ độc tài (độc đảng, công an trị) ở Việt Nam, mà đại diện là bè lũ độc tài và những kẻ ủng hộ chúng vì tư lợi. Ngoài việc vạch trần những cái xấu, cái ác của chế độ, tôi không động đến cá nhân/ tổ chức/ thế lực nào khác.
Phía công an rất khó chịu với quan niệm này của tôi. Vài nhân viên an ninh từng nói với tôi: “Chị chỉ chửi đảng và nhà nước thôi, còn dân, còn phe dân chủ của chị, sai trái đầy ra đấy, vô đạo đức, tham nhũng đầy ra đấy, thì chị lờ đi, bao che, không nhắc đến”.
Quả thật đúng như vậy. Từ trước đến nay, tôi chọn lối viết như vậy.
Nhưng đến giờ phút này, tôi phải nhận rằng tôi đã sai. Khi nói ta đấu tranh chống độc tài, điều đó hàm nghĩa rằng ta nhận mình là người ở một lực lượng chính trị tốt đẹp (hơn độc tài), ta theo đuổi những giá trị tốt đẹp mà độc tài không có, như: tình yêu thương con người, sự trung thực, dũng cảm, liêm chính. Điều đó thể hiện ra thành những hành động, những cách ứng xử cụ thể: trân trọng mọi cá nhân; yêu thương anh em, đồng đội; nâng đỡ mọi người; bảo vệ người yếu thế cô thế; không dối trá (chỉ trừ với kẻ thù, trong hoàn cảnh phải tự vệ); không phản bội; không tham cái không phải của mình, v.v. Nếu không thực thi được lối sống ấy, cách hành xử ấy, ta không xứng đáng nhận mình là người chống độc tài.
Không ai hoàn hảo trên đời; ai cũng có tính xấu, nhược điểm, tì vết. Nhưng nếu không thực thi và giữ gìn những giá trị tốt đẹp căn bản, thì không nên (tự nhận mình) chống cộng sản.
Có những kẻ nhân danh “nhà hoạt động”, “dân đấu tranh” mà vi phạm hoàn toàn các giá trị đó, hoàn toàn không thực thi lối sống và cách hành xử đó. Khi ấy, nếu ta không chống lại chúng, ít nhất là không lên tiếng phản đối chúng quyết liệt, thì ta sai rồi. Và ta sẽ chẳng bao giờ chiến thắng nổi độc tài cộng sản, thay đổi được xã hội, khi ta chấp nhận chúng.
* * *
Trong hàng ngũ của chúng tôi, có (ít nhất) một kẻ như thế. Một nhà kinh doanh dân chủ siêu hạng.
Nói là siêu hạng chứ cách làm giàu của bà ta thật ra rất đơn giản:
- Đến với một nhóm anh em hoạt động đã có sẵn, hoặc tự kết nối, tụ tập, hình thành một nhóm người hoạt động;
- Bằng mọi cách, nắm lấy việc quản lý tài chính của nhóm;
- Tập hợp các khoản tiền của nhóm vào một “quỹ chung”, giao quỹ này cho cháu gái ruột ở nước ngoài (cụ thể trường hợp này là Australia), và phần nội tệ thì cho chị gái nắm giữ;
- Toàn bộ sổ sách, kế toán, giao cho con gái ruột ở nước ngoài (cụ thể trường hợp này là Nhật Bản) nắm giữ;
- Mọi quyết định thu chi do bản thân quyết;
- Định kỳ, tổ chức họp nhóm gọi là “minh bạch thu chi”, nhưng thành phần tham dự có giới hạn; và
- Về căn bản, khi việc cầm tiền (thủ quỹ), ghi chép (kế toán), và quyết định chi tiền đều nằm trong tay ba thành viên của một gia đình thì việc rút ruột, hô biến, giải trình vân vân đều trở nên vô cùng đơn giản, còn tổ chức, nhóm hội này nọ thì trở thành một công ty gia đình trị.
Bà ta đã “sinh hoạt” như thế trong đội ngũ của chúng tôi suốt hơn một năm qua. Và vì chúng tôi được rất nhiều người dân trong và ngoài nước ủng hộ, bạn có thể tưởng tượng được số tiền khổng lồ mà bà ta đã rút ruột được?
Đơn cử, vào cuối tháng 4 năm nay, giữa mùa dịch, một tổ chức quốc tế, tạm gọi tên là A, gửi cho chúng tôi 24.000 USD hỗ trợ khẩn cấp.
Vào đầu tháng 5, sau khi một shipper vận chuyển sách cho NXB Tự Do (anh Phùng Thủy) bị công an phục kích, bắt về đồn, thẩm vấn và tra tấn, không biết bao nhiêu người lại tiếp tục gửi tiền về NXB Tự Do hỗ trợ anh. Riêng chị Đặng Bích Phượng ở Hà Nội còn kêu gọi cộng đồng quyên góp ủng hộ, và đã quyên được gần 40 triệu đồng. Do chị Phượng công khai toàn bộ trên trang facebook cá nhân, cho nên số tiền chị quyên đã được gửi về anh Phùng Thủy đầy đủ. Còn mọi khoản khác, tài khoản (của chị gái, của cháu gái, của các quan hệ khác) của người phụ nữ kia vẫn giữ cả, và chẳng ai, kể cả anh Phùng Thủy, biết nhóm đã nhận được bao nhiêu tiền hỗ trợ. Trong trường hợp này, anh Phùng Thủy, ngoài việc là nạn nhân của công an bắt bớ, tra tấn một người vận chuyển sách, đã trở thành nạn nhân một lần nữa.
Những ngày sau khi anh bị đánh, lại có một tổ chức quốc tế khác, tạm gọi tên là B, gửi cho nhóm 10.000 USD hỗ trợ khẩn cấp. Số tiền này, đáng tiếc, cũng chẳng đến tay anh em mà đều về “quỹ chung”, nằm trong sự quản lý chặt chẽ của gia đình người đàn bà nọ: ngoài con gái, cháu gái, chị gái, sau này lại thêm một “con rể” hờ.
Rồi đó, mọi việc cứ diễn tiến như thế. Công an đàn áp mạnh NXB Tự Do – sự truy đuổi, đe dọa, bắt bớ, thẩm vấn, sách nhiễu gia đình – chủ yếu rơi vào các tác giả và shipper vận chuyển sách, còn nhà kinh doanh dân chủ, vị “giám đốc điều hành” bí mật kia thì vẫn bình an vô sự. Từ nửa cuối năm ngoái cho đến nay, dần dần, gần như tất cả thành viên của NXB Tự Do đều phải bỏ nhà ra đi, tứ tán, lang thang trong tình trạng không một xu dính túi, bệnh tật, chấn thương đầy mình. Không ai có tiền; tất cả tiền đều đã nằm trong “quỹ chung”. Một vài thành viên tình cờ biết mình ở danh sách được hỗ trợ, nên đã đòi tiền quyết liệt, và đều bị người đàn bà nọ “loại” khỏi nhóm.
(Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng, nhân chứng về vụ tham nhũng này, nhưng không công bố trên mạng, vì lý do an ninh).
Đời quả thật là tuyệt đẹp, khi ta tự cho mình là giám đốc điều hành của một nhà xuất bản đối kháng hàng đầu Việt Nam, có đứa cứ nai lưng nai xác viết sách để ta bán, có đội ngũ shipper cứ sống chết với công an trên từng chặng đường, để giao sách tới tay độc giả. Còn ta chỉ việc rung đùi đếm tiền, và tìm các cách khác nhau để giải ngân số tiền đó. Cho dù thế nào thì ta cũng đã có tài khoản ngân hàng ở Nhật, ở Úc rồi.
Đời quả thật là tuyệt đẹp, khi ta là một chuyên gia viết dự án xin tiền nước ngoài. Có đứa cứ gù lưng viết sách; đứa khác lòi mắt viết giáo trình, giáo án đào tạo; đứa khác nữa lập trang web giáo dục (chẳng ai học) cung cấp vài video. Nhưng tiền cứ đổ về, ta chỉ việc rung đùi đếm và tìm cách ăn sao cho kín kẽ là được.
Kinh doanh dân chủ, làm giàu trên xương máu con người, là như thế đó.
* * *
Bạn có thể hỏi, vì sao mọi người lại chấp nhận để một phụ nữ tham lam, tham nhũng, một tay che cả bầu trời? Sao mọi người lại đồng ý bỏ tiền riêng vào quỹ chung?
Là vì tất cả chúng tôi đều thật sự muốn đóng góp toàn bộ cho công cuộc đấu tranh vì dân chủ, tự do cho đất nước. Trong thời điểm này, chúng tôi hiểu, và tin rằng xuất bản là một hoạt động hiệu quả để nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức xã hội. Sách là một công cụ để đấu tranh chống độc tài.
Vì lẽ đó, chúng tôi chấp nhận mọi sự đàn áp, chấp nhận hiểm nguy khi đi giao sách trực tiếp, chấp nhận những bệnh tật, chấn thương vì công an hành hung và vì hoàn cảnh sống lang thang, lay lắt. Nói không ngoa, chúng tôi nhịn ăn nhịn mặc, nhịn cả đi bệnh viện khám chữa bệnh, để lấy tiền làm sách; chúng tôi cứ tưởng tiền ở trong quỹ chung là để in sách. Nhưng hóa ra từ đầu năm tới nay, sau vài chục cuốn báo cáo Đồng Tâm, NXB Tự Do cũng chẳng in cuốn sách nào.
Còn cá nhân tôi, mang tiếng là cử nhân kinh tế, nhưng tôi rất ngại, rất tránh phải động đến tiền bạc. Trong hoàn cảnh của mình, tôi cũng không thể không giao phó việc quản lý tài chính cho người khác: Tôi không có giấy tờ tùy thân (đã bị công an lấy hết), không tài khoản, và đi lại rất khó khăn sau chấn thương ở hai chân.
Chúng tôi, nhất là tôi, không tưởng tượng nổi trên đời này, trong phong trào dân chủ Việt Nam, lại có những kẻ táng tận lương tâm đến như thế, gan trời đến như thế. Anh em shipper đổ máu trên từng chặng đường, tác giả “viết dưới giá treo cổ”, nhà văn Phạm Thành bị bỏ tù, nhiều người trong diện tình nghi thì bị công an theo dõi, điều tra lên xuống. Nỡ lòng nào mà kẻ đó làm giàu trên thân xác, xương máu anh em đến như vậy?
* * *
Hôm nay, 19/7/2020, gần mười ngày sau khi tôi buộc phải rời khỏi Nhà xuất bản Tự Do để hút “hỏa lực” về phía mình, giảm bớt rủi ro cho anh em, tôi cũng phải đi đến quyết định khó khăn là viết bài này để vạch mặt một cá nhân tham nhũng, một điển hình cho hoạt động kinh doanh dân chủ ở Việt Nam.
Bà ta là Nguyễn Phương Hoa (sinh ngày 03/4/1968), quê gốc ở Huế, chuyển về sống ở Sài Gòn từ khoảng năm 2007. Bà ta từng là thành viên của một loạt nhóm hoạt động, trong đó có Bạn Tương Tri, Lao Động Việt; bản thân bà ta lập một nhóm gọi là Cánh Én Việt. Về bề dày, thành tích hoạt động, bà ta không có gì nổi bật để cộng đồng biết đến và tôi có thể kể ra, nhưng đã có tiếng xấu rất nhiều ở tất cả các nhóm bà ta từng tham gia trước đây: nói xấu (vu khống), đánh phá anh em, chia rẽ tổ chức, tham nhũng vặt.
Bạn có thể hỏi tôi viết thế này có như là chỉ điểm, tố bà Hoa cho an ninh bắt không? Câu trả lời là không, vì tôi hiểu rõ lực lượng an ninh. Trong cuốn “Cẩm nang nuôi tù”, tôi từng nêu ra những lý do để công an bắt một nhà hoạt động, nhưng tôi chưa từng nói về các lý do để công an không bắt một nhà hoạt động. Một trong số đó, là: An ninh sẽ không bao giờ bắt những cá nhân hư hỏng, tham nhũng, những kẻ mà để họ “hoạt động”, thì chẳng nguy hại gì cho chế độ, nhưng lại rất có lợi cho việc phá nát phong trào dân chủ.
Để một kẻ như thế tồn tại được trong phong trào, là lỗi của tất cả những người liêm chính, những người biết chuyện mà làm ngơ. Là trọng tội của tôi – người đã để cho bà ta thâu tóm NXB Tự Do, bỏ mặc anh em shipper trong tình trạng sống dở chết dở (và thật ra, tôi cũng quên cả chính mình nữa).
Tôi phải viết những dòng này, để cảnh báo cộng đồng về một kiểu làm giàu, trục lợi nhân danh “đấu tranh dân chủ”, với một nhân vật điển hình là bà Nguyễn Phương Hoa.
Tôi phải viết những dòng này, để nhắn gửi tất cả mọi người: Đấu tranh chống độc tài là một sự nghiệp tốt đẹp, xứng đáng để chúng ta theo đuổi trọn đời. Nhưng nó cũng là một công việc có đòi hỏi rất khắt khe về năng lực và về đạo đức. Nếu cảm thấy không theo được nó (do nó quá nguy hiểm, hoặc quá nghèo), bạn đừng nên tham gia, bởi khi sợ nguy hiểm, bạn có thể bán đứng bạn bè; khi sợ nghèo, bạn có thể dễ dàng tham nhũng. Không chịu được nhiệt thì đừng tham gia và hãy chọn làm một nghề lương thiện để kiếm sống, ủng hộ dân chủ trong mức độ nhẹ nhàng nhất.
Trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hoa, nếu không “hoạt động dân chủ”, bà hoàn toàn có thể làm một giáo viên bình thường (gia sư toán, lý, hóa cho học sinh cấp II và III), đúng chuyên môn sư phạm của mình, và vẫn có thu nhập (tất nhiên, không thể tính theo con số “ngàn đô la” như khi “hoạt động dân chủ” thời gian qua, nhưng thu nhập đó lương thiện).
Tôi cũng viết để cảnh báo tất cả những người ủng hộ NXB Tự Do nói riêng và phong trào dân chủ Việt Nam nói chung: Các bạn có tấm lòng, sự ủng hộ của các bạn dành cho chúng tôi quý giá hơn vàng. Nhưng tôi xin cúi đầu cảm ơn và xin lỗi các bạn, vì có rất nhiều trường hợp, bạn ủng hộ nhầm người, mà điều đó cũng là do sự thiếu chuyên nghiệp, thừa lương thiện nhưng quá cả tin của chúng tôi, trong bối cảnh xã hội dân sự bị đàn áp gắt gao, không có một chút không gian tự do nào.
Tôi cũng viết bởi đây là một bài học cay đắng cho tôi: Chính là tôi đã tắc trách trong việc dùng người, phớt lờ mọi lời cảnh báo nhắc nhở của anh em, tạo điều kiện cho một cá nhân tham nhũng quá dễ dàng, đưa đến câu chuyện đau lòng này. Chính là tôi đã quên mất những giá trị mà tôi lẽ ra phải theo đuổi: trung thực đến tận cùng, không chấp nhận “vì việc chung” mà bỏ qua những hành động sai trái khi chúng chỉ mới có các biểu hiện nhỏ.
Tôi xin lỗi tất cả.”
Sau khi xem xét bài viết của Đoan Trang, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.
Thứ nhất, dù việc Nguyễn Phương Hoa tham nhũng công quỹ có phải là sự thật hay không, bài viết này cũng cho thấy Đoan Trang đang khá thất vọng về “phong trào dân chủ”. Trang cho rằng không ít “nhà dân chủ” đang sống theo cách trái ngược với các giá trị dân chủ, và tham gia phong trào chỉ vì danh lợi. Cần lưu ý rằng đây không phải là ấn tượng của riêng Phạm Đoan Trang. Gần đây, Trịnh Hữu Long liên tục tỏ ý phiền lòng trước thái độ độc tài, kỳ thị của phân nửa giới “dân chủ” Việt Nam trước phong trào Black Lives Matter, trong khi vợ của Nguyễn Tường Thụy phải nhắc lại vụ tham nhũng của Mai Xuân Dũng:
Sống trong chăn mới biết chăn có rận, ấn tượng của những nhà dân chủ vừa kể không thể không mô tả một thực trạng của “phong trào dân chủ Việt Nam”. Và vì thực trạng này được chính họ nhắc lại từ năm này sang năm khác, với một thái độ mệt mỏi và thất vọng, có vẻ ý thức tự sửa sai và năng lực “đổi mới, canh tân” của phong trào này còn thấp hơn của chính chế độ mà họ đang chống lại.
Thứ hai, bài viết này cho thấy chính Đoan Trang, và NXB Tự Do của cô, cũng không sống, học tập và làm việc theo tinh thần dân chủ. Nếu tôn trọng nguyên tắc dân chủ, Trang đã lấy tư cách thành viên NXB Tự Do để đề nghị tập thể điều tra vụ việc, nhằm xem xét kỷ luật Nguyễn Phương Hoa theo nội quy, rồi công khai xin lỗi nhà tài trợ và dư luận về vụ bê bối tài chính của tổ chức. Ngược lại, trong vụ việc này, Trang đã nhân danh NXB Tự Do để huy động đám đông trên mạng xã hội đấu tố Nguyễn Phương Hoa, dù Hoa vẫn đang có tư cách thành viên NXB, còn Trang thì không. Quyền lực của Đoan Trang không vận hành theo lối dân chủ pháp quyền, mà đến từ nền độc tài của đám đông, tương tự những gì mà những người thuộc phái Jacobin đã tạo ra trong cuộc Cách mạng Pháp.
Vì vậy, nếu muốn tìm một người chưa giác ngộ lý tưởng dân chủ để loại khỏi “phong trào dân chủ Việt Nam”, có lẽ Đoan Trang nên soi gương trước khi săm soi người khác.Nguồn: Loa Phường Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét