Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, GDP nửa đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước trong đó quý II chỉ tăng trưởng 0,36%. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm tăng trưởng này là do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy có chỉ số tăng trưởng kinh tế thấp nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan, tự tin vào sự hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 mà theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay trước khi hồi phục vào năm 2021. Trong khi World Bank dự báo kinh tế sẽ giảm 5,2% và Quỹ tiền tệ quốc tế ước tính đã giảm 3% trong tháng 4. Và sự suy thoái kinh tế này sẽ còn nặng nề hơn nếu như một đợt bùng phát Covid-19 toàn cầu thứ hai xảy ra, điều đó khiến GDP toàn cầu sẽ giảm 7,6% trong năm nay.
Với mức tăng trưởng không cao nhưng với mức tăng trưởng dương 1,81%, Việt Nam đã tránh được mức tăng trưởng âm, là nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trên thế giới. Việt Nam có tốc độ vượt các nền kinh tế lớn như Mỹ (-5,9%), Nhật Bản (-5,2%) rơi vào suy thoái kể từ năm 2015, khu vực đồng tiền chung euro (-7,5%), Trung Quốc (tăng trưởng -6,8%), Hàn Quốc (-1,4%). Ngay trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế cũng không mấy khả quan như việc Bộ Thương mại Singapore dự báo kinh tế nước này năm nay sẽ tăng trưởng âm (từ -7% đến -4%). Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm ở mức âm 4,9%. Như vậy, chúng ta có thể thấy, tạm thời chúng ta vẫn đạt được 2 mục tiêu kép đã được đề ra đó là vừa phòng chống hữu hiệu dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển được kinh tế.
Trong 6 tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng nền kinh tế của chúng ta sẽ có sự tăng trưởng mạnh hơn 6 tháng đầu năm. Điều này xuất phát từ việc chúng ta hiện nay cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, đang bước vào thời kỳ bình thường mới, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đang được nối lại nhất là tại 2 thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, do ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại. Trong đó các công ty lớn đều đang di chuyên nhà máy của mình ra khỏi Trung Quốc và điểm đến lý tưởng là Việt Nam nhất là khi dịch bệnh ở đây đã được kiểm soát. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin khẳng định năm nay, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế đạt thành quả tốt trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự báo nền kinh tế có thể duy trì tăng trưởng ở mức 4-5% trong năm 2020, khi Chính phủ tìm cách tăng thu hút đầu tư nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét