29/10/24

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

 Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

    Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không quản hiểm nguy, ngay lập tức lao xuống dòng nước cứu hai cháu bé- đó là hành động cao đẹp của Trung sĩ Lò Văn Thanh, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong CAND công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Lai Châu.

Trung sĩ Lò Văn Thanh vinh dự là 1 trong 20 gương mặt được vinh danh “Thanh niên sống đẹp” năm 2024, một chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Namtổ chức ngày 16/10 vừa qua.
Câu chuyện về hành động dũng cảm cứu 2 cháu bé đuối nước của Trung sĩ Lò Văn Thanh mỗi khi nhắc lại vẫn khiến nhiều người không khỏi xúc động. Vào tháng 7 vừa qua, Trung sĩ Lò Văn Thanh được về nghỉ phép tại quê nhà ở xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Vào buổi chiều ngày 26/7, trong lúc phụ giúp gia đình cắt cỏ cho gia súc tại khu vực gần lòng hồ thủy điện Bản Chát, thuộc địa phận bản Pá Khôm, xã Pha Mu, huyện Than Uyên, anh bỗng nghe thấy tiếng hô hoán, kêu cứu bên cánh đồng. Hóa ra, 2 em nhỏ là Lò Mạnh Toàn, 6 tuổi và Lò Hạ Vy, 4 tuổi đi mò ốc cùng bà nội thì không may bị trượt chân rơi xuống hồ thủy điện Bản Chát. Anh chạy vội đến và nhìn thấy hai cháu bé đang chấp chới, vật lộn dưới hồ nước sâu. Không quản ngại nguy hiểm, chỉ nghĩ làm sao cứu được 2 bé, anh nhanh chóng nhảy xuống hồ. Nhận thấy cháu Hạ Vy đang yếu dần, anh đã cố gắng kéo bé lên bờ trước sau đó lại tiếp tục lao xuống dòng nước để cứu cháu Toàn. Tuy nhiên, lúc đưa được Toàn lên bờ cũng là lúc bé đã bất tỉnh. Trung sĩ Lò Văn Thanh nhớ lại: “Vốn đã được đào tạo về các kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước trong quá trình công tác nên tôi cố gắng ép lồng ngực, hô hấp nhân tạo cho cháu Toàn. Khoảng vài phút sau, cháu Toàn tỉnh lại và nhanh chóng được người nhà đưa đến trạm y tế”. Đó cũng là lúc anh nằm vật ra cánh đồng vì mệt. Chia sẻ với chúng tôi, Trung sĩ Lò Văn Thanh cho hay: “Thấy 2 bé chới với giữa dòng nước sâu, tôi cố gắng nhanh nhất có thể lao xuống cứu người, không một chút nghĩ ngợi sẽ đe dọa đến tính mạng của mình. Nhanh chóng lặn xuống nước dùng sức kéo 2 cháu vào bờ, cứu người xong tôi thấy rất vui và hạnh phúc”.
Với nghĩa cử cao đẹp của mình, ngày 29/7/2024, Trung sĩ Lò Văn Thanh đã vinh dự nhận được Thư khen của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Thư khen của đồng chí Bộ trưởng nêu rõ: “Hành động dũng cảm, quyết đoán của đồng chí Lò Văn Thanh đã kịp thời cứu sống 2 cháu bé, đồng thời thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tiêu biểu cho hình ảnh, phẩm chất của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không quản nguy hiểm, luôn sẵn sàng bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”.
Dáng người rắn rỏi, Trung sĩ Lò Văn Thanh khiến người khác yêu quý ngay từ đầu bởi nụ cười hiền hậu, chân chất. Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, ngay từ khi còn nhỏ, anh đã sớm mang trong mình mơ ước trở thành người chiến sỹ CAND. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trung sĩ Lò Văn Thanh tham gia phục vụ có thời hạn trong CAND, công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Lai Châu. Theo Đại tá Nguyễn Văn Luy, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu, quá trình tham gia công tác, Trung sĩ Lò Văn Thanh luôn chấp hành tốt nội quy của đơn vị, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, hăng hái học tập và rèn luyện, có ý thức tổ chức kỷ luật. Đến nay cũng đã tròn 21 tháng, Trung sĩ Lò Văn Thanh công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu. Chia sẻ với chúng tôi về ước mơ của mình, chàng Trung sĩ trẻ tuổi cho biết, em mong ước mình sẽ trở thành một người cán bộ CAND để mang sức mình đóng góp vào công cuộc bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Chúc cho ước mơ của chàng Trung sĩ có nghĩa cử cao đẹp sớm trở thành hiện thực.

Hôm nay (24-10), Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Công đoàn

 Hôm nay (24-10), Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Công đoàn



Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, hôm nay (24-10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Dữ liệu.
Chương trình làm việc cụ thể hôm nay (24-10):
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.
Hôm qua, thứ Tư (23-10), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; bảo đảm lợi ích tốt nhất; đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; áp dụng hình phạt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân; quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch; việc trợ giúp của người làm công tác xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; trách nhiệm của gia đình; giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng bỏ trốn; phạt tiền; việc thi hành án phạt tù; tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội...
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe: Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; sở hữu di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; danh sách, danh mục và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung về di sản văn hóa phi vật thể; ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; nhiệm vụ của bảo tàng; hoạt động truyền thông của bảo tàng; hoạt động dịch vụ của bảo tàng; nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; việc bảo tồn di sản của các dân tộc thiểu số, quy định chuyển tiếp...

Đồng Nai nỗ lực giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ

 Đồng Nai nỗ lực giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ



Cuối tháng 8 vừa qua, trong buổi đối thoại với quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy vai trò thanh niên xuất ngũ, nhất là đảng viên xuất ngũ; bố trí công tác, đào tạo nghề phù hợp; hỗ trợ thanh niên xuất ngũ tiếp cận được nguồn vốn để học nghề, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Đồng Nai là một trong những địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định; bố trí công việc phù hợp để quân nhân xuất ngũ có cơ hội tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương. Điển hình như đồng chí Phan Văn Tân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tam An, huyện Long Thành. Năm 2007, đồng chí Tân nhập ngũ vào Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), công tác tại đảo Tốc Tan C. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đồng chí Tân được bố trí vào lực lượng dân quân thường trực, được cử đi đào tạo trung cấp quân sự rồi cao đẳng quân sự cơ sở. Năm 2018, đồng chí Tân được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tam An.
Đồng chí Phan Văn Tân cho biết: “Sau khi xuất ngũ, nhiều đồng chí được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo nguồn, bố trí việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề để ổn định cuộc sống. Tại xã Tam An, hiện có 5 quân nhân xuất ngũ đang đảm nhiệm các chức danh: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, công an viên, cán bộ mặt trận... Ngoài ra còn 4 đồng chí đảm nhiệm chức vụ ấp đội trưởng. Một số đồng chí làm cán bộ phụ trách an ninh của doanh nghiệp, công nhân và bảo vệ”.
Ở huyện Xuân Lộc, từ năm 2020, Ban CHQS huyện đề xuất thực hiện mô hình “Doanh nghiệp đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”. Hưởng ứng chủ trương của cấp ủy địa phương và mô hình của Ban CHQS huyện, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ, tiếp nhận, bố trí việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Điển hình như Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Xuân Lộc). Trong 5 năm gần đây, công ty đã tiếp nhận, bố trí việc làm cho hơn 50 quân nhân xuất ngũ với mức lương ổn định. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam, sau khi anh em hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, được công ty nhận vào làm việc với mức lương khá nhờ tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tác phong nhanh nhẹn đúng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đây là sự chung tay của doanh nghiệp hưởng ứng mô hình chăm lo cho quân nhân xuất ngũ theo định hướng của cấp ủy, chính quyền và cơ quan quân sự huyện.
Tính chung trong toàn huyện Xuân Lộc, từ năm 2019 đến nay, Ban CHQS huyện đã tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và doanh nghiệp bố trí việc làm cho hơn 250 quân nhân xuất ngũ; tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ học nghề cho nhiều đồng chí khác. Trên địa bàn các huyện: Thống Nhất, Tân Phú, Trảng Bom và TP Biên Hòa... quân nhân xuất ngũ được chính quyền, cơ quan quân sự địa phương áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ như: Trao tặng nhà tình nghĩa, giúp đỡ phương tiện tạo sinh kế, phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo nghề tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho quân nhân chuẩn bị xuất ngũ; liên hệ với ngành lao động, thương binh và xã hội có chính sách hỗ trợ việc làm ổn định...
Anh Lê Trung Thảo, Phụ trách an ninh Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành, từng là quân nhân xuất ngũ, chia sẻ: "Khi trở về địa phương, hầu hết quân nhân xuất ngũ đều rất mong có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống. Sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể và các doanh nghiệp hỗ trợ việc làm là rất cần thiết để anh em tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào


Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, tối 23/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Trong không khí hết sức tin cậy, chân thành và cởi mở, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được một lần nữa hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith kể từ sau cuộc gặp giữa hai Nhà lãnh đạo nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Viêng Chăn ngày 8/10.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2024 và Đại hội đồng liên Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 45; khẳng định thành công của các sự kiện này đã khẳng định Lào là thành viên có trách nhiệm và có tiếng nói ngày càng quan trọng trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Lào cao nhất trong điều kiện có thể để giúp Lào vượt qua các thách thức, khó khăn hiện nay.
Về phần mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith một lần nữa gửi lời chúc mừng nhiệt liệt tới Chủ tịch nước Lương Cường; bày tỏ mong muốn được sớm đón Chủ tịch nước Lương Cường sang thăm cấp Nhà nước tới Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng bày tỏ chân thành cảm ơn sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình và toàn diện của Việt Nam dành cho Lào trong quá trình đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024; khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào luôn trân trọng và ghi nhớ sự hỗ trợ vô tư, trong sáng của Việt Nam dành cho Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như phát triển đất nước ngày nay.
Hai Nhà lãnh đạo thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước; bày tỏ vui mừng chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước nhằm triển khai các kết quả của Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào (tháng 9/2024) cũng như những thỏa thuận, cam kết hợp tác đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai Nhà lãnh đạo nhất trí sẽ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan của hai nước đẩy mạnh triển khai các dự án lớn về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào, cũng như kết nối ba nền kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại.
Hai Nhà lãnh đạo một lần nữa khẳng định tiếp tục củng cố tình đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Lào - Campuchia; nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa để lan tỏa tình đoàn kết giữa ba dân tộc, ba Đảng, ba nước; khẳng định luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá, ưu tiên hàng đầu và là yếu tố sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước, cần gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

 Tác phẩm 'Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng' của tác giả người Hàn Quốc



Sáng 23/10/2024, tại Trung tâm Thông tấn quốc gia, Nhà xuất bản Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam tổ chức lễ ra mắt tác phẩm "Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" của tác giả người Hàn Quốc Cho Chulhyeon, đúng dịp tưởng niệm 100 ngày Tổng Bí thư đi xa (19/7/2024 - 27/10/2024).
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nêu rõ: Những ngày thu tháng Mười này, cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế thành kính tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương hoan nghênh TTXVN trong thời gian ngắn đã nỗ lực, kịp thời tổ chức biên dịch, thẩm định, cho ra mắt tác phẩm "Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" của tác giả người Hàn Quốc Cho Chulhyeon, đúng vào dịp tưởng niệm 100 ngày đồng chí Tổng Bí thư rời xa chúng ta. Đồng thời khẳng định: Việc ra mắt tác phẩm góp phần tô đậm thêm tình hữu nghị, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 32 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 2 năm ngày thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện".

Việt Nam đang đối mặt với mô hình bệnh tật kép

 Việt Nam đang đối mặt với mô hình bệnh tật kép



Ngày 23/10, tại Hội nghị khoa học năm 2024 với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học" do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD, rối loạn sức khoẻ tâm thần... cũng ngày càng gia tăng.
Theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm 84% tổng số ca tử vong tại Việt Nam. "Đây là một con số đáng lo ngại, cho thấy gánh nặng mà các bệnh mãn tính này đang gây ra đối với hệ thống y tế và xã hội", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đồng thời Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm, các bệnh không lây nhiễm cũng là những thách thức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Trên phương diện y tế công cộng, các bệnh này đang gia tăng cả về số lượng ca mắc cũng như mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và lối sống hiện đại đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, và viêm phổi do virus. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, càng nhận ra rõ hơn sự mong manh của hệ thống y tế trước các bệnh lý đường hô hấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa và điều trị sớm.
Song song với đó, các bệnh khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp, đang trở thành gánh nặng không chỉ đối với người cao tuổi mà cả người trẻ trong xã hội hiện đại. "Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh, việc điều trị và quản lý các bệnh lý về khớp càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết", Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cho biết.
Trong lĩnh vực sản phụ khoa, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, nhờ sự cải thiện trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết như chăm sóc tiền sản, hậu sản và phòng ngừa các bệnh lý sản phụ khoa, điển hình là ung thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.000 ca mắc mới và khoảng trên 122.000 ca tử vong do ung thư. Cộng với số ca mắc ung thư còn sống và mắc mới, lúc nào Việt Nam cũng có khoảng 360.000 trường hợp mắc bệnh ung thư, trên tổng số hơn 19,3 triệu ca ung thư toàn cầu.
Để đối phó với những thách thức trên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược, kế hoạch, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân. Một trong những ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế.
“Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung và Luật Dược sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được xem xét thông qua. Đối với Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế tập trung trước mắt sửa đổi một số vấn đề cấp thiết, cấp bách, đặc biệt phù hợp với Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và các vấn đề liên quan khác.
Sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện Luật Bảo hiểm y tế hơn nữa theo hướng đề xuất việc chi trả cho khám, phát hiện sớm một số bệnh phổ biến, dễ phát hiện, ví như có thể đề nghị bảo hiểm y tế chi trả cho khám sàng lọc, phát hiện ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở tuyến cơ sở để góp phần phát triển y tế cơ sở và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn hệ thống y học dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có việc thành lập CDC trung ương; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo về nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu lâm sàng, và ứng dụng công nghệ mới...
Hội nghị là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ y tế tiếp tục cập nhật kiến thức y khoa, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ nghiên cứu y học đến thực hành ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh.
Ngoài phiên toàn thể, hội nghị có các phiên chuyên đề về các bệnh: ung thư, hô hấp, khớp, sản phụ khoa, da liễu..., với 26 bài trình bày của các báo cáo viên là các chuyên gia đến từ Tổng hội Y học Việt Nam, Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Dược Hà Nội, Viện Chiến lược và chính sách y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… và các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy; Trung ương Quân đội 108; Phổi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp ngắn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp ngắn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thủ tướng đề nghị hai bên ưu tiên đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam với Trung Quốc (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng).

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, ngày 23/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp ngắn với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi chân thành của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc; chúc mừng những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng đất nước 75 năm qua của Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc; khẳng định Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những đóng góp nổi bật của Trung Quốc trong cơ chế BRICS, bày tỏ sẵn sàng phối hợp tích cực với các quốc gia thành viên BRICS thúc đẩy hơn nữa vai trò của các nước đang phát triển trong xử lý các vấn đề hòa bình và phát triển toàn cầu.
Về quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển, bước sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn".
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, trong đó có kết nối giao thông, nhất là ưu tiên đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam với Trung Quốc (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng) nhằm thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và Năm Giao lưu nhân văn Việt-Trung 2025.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời cảm ơn và thăm hỏi chân thành tới Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Việt Nam; chúc mừng đồng chí Lương Cường vừa được bầu giữ chức Chủ tịch nước; chúc mừng những thành tựu Việt Nam đã đạt được trên tất cả các mặt, nhất là kinh tế-xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng trước xu thế phát triển, ngày càng thực chất, hiệu quả của quan hệ Trung-Việt; nhấn mạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần thúc đẩy quan hệ theo tinh thần "4 tốt" và những nhận thức chung cấp cao đã đạt được; sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược không ngừng đi vào chiều sâu.
Để thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan Trung Quốc thúc đẩy kết nối giao thông Trung-Việt.

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...