20/9/24

Nỗi lo giáo dục đại học

Con số gần 100 trường đại học đang tìm mọi cách để thu hút, bổ sung thí sinh cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh vào trường gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Nhiều trường đại học cần bổ sung từ 200 đến 500 chỉ tiêu nhưng số thí sinh đăng ký chỉ dừng lại ở con số vài chục em.

Tỷ lệ nhận hồ sơ bổ sung so với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường còn thấp, như: Học viện Hàng không Việt Nam là 100/500; Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu Quảng Ngãi) là 20/200; Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh là 65/100...
Năm nay cả nước có gần 673.600 thí sinh trúng tuyển đợt 1, nhưng có tới 122.000 thí sinh đỗ đại học không nhập học. Năm ngoái, số thí sinh bỏ nhập học đại học đợt 1 là 118.000 em. Như vậy, trong hai năm 2023-2024, có 240.000 thí sinh thi đỗ đợt 1 nhưng từ chối vào đại học. Có nhiều lý do khiến thí sinh thi đỗ nhưng không nhập đại học vì: Học phí và chi phí học đại học quá khả năng chi trả; đi lao động xuất khẩu; học cao đẳng, trung cấp nghề với chi phí rẻ hơn, sớm ra trường có việc làm; một số thí sinh có điều kiện kinh tế thì đi du học.
Theo thống kê của 110 trường đại, học phí của sinh viên năm học 2024-2025 phổ biến từ 20 đến 35 triệu đồng. Mức thu năm nay của nhiều trường tăng khoảng 10% so với năm học trước. Đó là chưa kể sinh viên phải chi tiền thuê phòng trọ, điện, nước, internet, ăn uống, gửi xe, học thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... Đó là những con số phần nào chứng minh trường đại học thời nay không phải làm điểm đến của nhiều học sinh; cũng không phải là ước mơ, khát vọng cháy bỏng của đại đa số học sinh sau khi rời ghế nhà trường phổ thông như cách nay hơn một thập niên về trước; lại càng không phải là con đường duy nhất làm nên sự nghiệp, công danh của mỗi bạn trẻ.
Vài ba năm trở lại đây, dư luận từng băn khoăn thông qua các nhận định: “Khó như trượt đại học”, “Đại học ngày càng mất giá”, “Nhiều trường đại học “ế” hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh”... Điều đó cho thấy sức hút của giáo dục đại học không còn hấp dẫn như xưa.
Căn nguyên sâu xa của thực trạng nêu trên không chỉ bắt nguồn từ việc cấp phép mở quá nhiều trường đại học, nhất là đại học cấp địa phương mà còn là hệ quả tất yếu của việc “nở rộ” quá nhiều ngành, nghề đào tạo bậc đại học, mà không tính toán đến nhu cầu của thị trường lao động xã hội. Theo thống kê gần đây của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chỉ 56% sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng ngành học, nhưng phần lớn bị đánh giá thiếu cả kỹ năng lẫn kiến thức thực tiễn chuyên môn.
Như vậy, giáo dục đại học ở nước ta hiện nay không chỉ chạy theo số lượng (tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở rộng ngành nghề đào tạo) mà còn có cả biểu hiện chưa bảo đảm chất lượng. Hiện nay, phần lớn trường đại học đều công bố 3 công khai (công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; công khai thu chi tài chính), trong đó nhiều trường công bố hằng năm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm từ 80% đến 95% ở hầu hết ngành, nghề đào tạo, nhưng dư luận lại không khỏi hoài nghi về sự “đánh bóng” tỷ lệ này.
Trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta xác định một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước là đột phá về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để hiện thực hóa chủ trương này, việc đầu tư cho giáo dục đại học là rất cần thiết. Nhưng để tránh tình trạng “đại học hóa” tràn lan khiến nhiều cơ sở đại học ngày càng “mất giá” về tuyển sinh, thì ngành giáo dục và bản thân mỗi cơ sở đào tạo đại học phải sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nội tại; kiên quyết chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực có thể hủy hoại uy tín, thanh danh của môi trường giáo dục đại học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...