20/9/24

Đề xuất “trị bệnh” quảng cáo không đúng sự thật: Chưa đủ!


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (gọi tắt là Dự thảo Luật) bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đáng chú ý là đề xuất khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội (MXH) phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, một số luật sư cho rằng quy định trên là cần thiết nhưng chưa đủ bởi muốn dẹp "nạn" quảng cáo không đúng sự thật thì phải gắn trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo với chất lượng sản phẩm bằng quy định, chế tài cụ thể.
Theo Dự thảo Luật, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động của mình trên MXH, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
Dự thảo Luật bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như sau: Thứ nhất, thực hiện quảng cáo theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo đã ký kết. Thứ hai, kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo. Thứ ba, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Thứ tư, chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo. Thứ năm, khi quảng cáo trên MXH cùng với hoạt động khác thì phải tự đưa ra dấu hiệu hoặc sử dụng tính năng được MXH cung cấp để phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường. Thứ sáu, được yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo. Thứ bảy, thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng phải bảo đảm yêu cầu sau đây: Thứ nhất, tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo. Thứ hai, phải có hợp đồng bằng văn bản ghi rõ sản phẩm quảng cáo và nội dung quảng cáo với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo hoặc đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó. Thứ ba, thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Thứ tư, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên MXH phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có việc bổ sung chủ thể người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là cần thiết. Những đề xuất trên cũng hoàn toàn hợp lý và cần thiết để gắn trách nhiệm của mọi chủ thể đối với chuỗi hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp.
Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua sẽ góp phần đưa hoạt động quảng cáo đi vào trật tự, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ lành mạnh hơn, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm và có cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý đối với những người tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. “Tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm quảng cáo không bảo đảm yêu cầu. Có như thế mới bảo đảm chặt chẽ và tạo sức răn đe tốt.
Nếu phát hiện người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ “diễn”, những chia sẻ không phải là sự thật thì sẽ phải áp dụng chế tài đối với những người này. Trường hợp người tiêu dùng mua phải sản phẩm kém chất lượng, gây ra thiệt hại khi sử dụng thì những người này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Thậm chí, nếu đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng đến mức xử lý hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới bảo đảm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị thêm.
Cùng quan điểm này, luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên bắt buộc người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải trực tiếp sử dụng sản phẩm mà họ quảng cáo. Bởi vì quy định này có thể dễ dàng bị lợi dụng hoặc chỉ mang tính hình thức, không thực sự bảo đảm tính trung thực hoặc cải thiện chất lượng thông tin quảng cáo. Thay vào đó, nên tập trung vào việc quy định rõ ràng trách nhiệm pháp lý của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, yêu cầu tính trung thực trong quảng cáo và bảo đảm rằng bất kỳ hành vi gian dối hoặc gây hiểu lầm nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
Luật sư Lê Văn Lên cho biết: “Ràng buộc trách nhiệm như vậy thì người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới tự cân nhắc xem có nên quảng cáo hay không khi phát hiện sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Đồng thời, bổ sung quy định họ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu quảng cáo gây hiểu lầm hoặc chứa thông tin gian dối; bảo đảm thông tin họ quảng bá là trung thực và không gây hiểu lầm; nếu quảng cáo gian dối, họ phải chịu trách nhiệm liên quan đến sự thiệt hại của người tiêu dùng...".
Cũng từ quy định của Dự thảo Luật, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, thay vì áp dụng một quy định hình thức về việc sử dụng sản phẩm, pháp luật nên hướng tới việc nâng cao trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong việc bảo đảm tính trung thực và minh bạch, đồng thời có các cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với những sản phẩm nhạy cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...