Những ngày gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội liên tục chứng kiến các kỷ lục về giá trúng đấu giá đất tại khu vực ngoại thành, phiên sau cao hơn phiên trước. Đơn cử, ngày 28/7, huyện Đan Phượng đấu giá 85 lô đất ở các xã Đan Phượng, Hạ Mỗ, Phương Đình, giá trúng lô đất cao nhất hơn 99 triệu đồng/m2, gấp hơn 2 lần giá khởi điểm.
Ít ngày sau, phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai ghi nhận một lô góc có giá trúng cao nhất 100,5 triệu đồng/m2. Mới đây nhất, phiên đấu giá 19 lô đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, kéo dài từ 9 giờ sáng 19/8 đến 4 giờ 30 phút sáng 20/8, giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so mức khởi điểm. Còn phổ biến, các lô trúng cao gấp 5 đến 8 lần giá khởi điểm.
Đáng chú ý, ngay sau khi trúng đấu giá, không ít người đã “lướt sóng” bán lại cho người khác, ăn chênh lệch vài trăm triệu đồng. Một số sàn kinh doanh bất động sản nhanh chóng thiết lập “văn phòng di động” ngay gần khu đất đấu giá để tư vấn, giới thiệu, chuyển nhượng. Không ít người lo ngại hình thành các hội nhóm tham gia đấu giá đất để “tạo sóng”, đẩy giá đất nền chung quanh khu vực đấu giá đất.
Các phiên đấu giá đất đều được thực hiện theo quy định pháp luật, từ lập dự án, đầu tư xây dựng, đến lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá, đăng tải thông tin,… Việc tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy trình, dưới sự giám sát của các cơ quan bảo vệ pháp luật và người dân. Tuy nhiên, mức giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm là điều bất thường. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát và xác minh nghi vấn có nhóm đối tượng “kích sóng” đất nền thông qua các phiên đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia, trước đây, việc xác định giá khởi điểm đất đấu giá được xác định thông qua đơn vị tư vấn độc lập, nay chuyển sang cách tính giá đất trong bảng giá đất từng địa phương được xác định trong thời gian 5 năm nhân với hệ số điều chỉnh, dẫn đến giá khởi điểm rất thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc mỗi lô từ 100 triệu đến 200 triệu đồng. Vì thế, nhiều người đi đấu giá chỉ nhằm bán lại suất kiếm lời, khiến những người dân có nhu cầu thật về chỗ ở rất khó tiếp cận đất đấu giá.
Tuy vậy, giá đất đấu giá khu vực ngoại thành tăng cao cũng có yếu tố tích cực. Năm 2023, khi thị trường bất động sản trầm lắng, các phiên đấu giá phải tổ chức nhiều lần vẫn không thu hút được khách hàng. Năm nay, thị trường có dấu hiệu “ấm” dần, giá nhà chung cư, đất nền tăng cao đột biến, đất đấu giá có nhiều lợi thế về pháp lý, quy hoạch rõ ràng, hạ tầng đồng bộ,… cho nên giá tăng không phải không có cơ sở và tạo nguồn lực tài chính lớn cho các địa phương.
Để ngăn chặn những điểm bất cập trong đấu giá, cơ quan chức năng cần điều chỉnh, xác định giá khởi điểm phù hợp thị trường nhằm sàng lọc những người không có nhu cầu ở thực tham gia các phiên đấu giá đất với mục đích trục lợi. Bên cạnh đó, người dân cần bình tĩnh xác định khả năng tài chính, nhu cầu chỗ ở và tìm hiểu kỹ lưỡng đất đấu giá, tránh rơi vào vòng xoáy “thổi giá” của giới đầu cơ./ND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét