Bất chấp lẽ phải và lương tri nhân loại!
Tòa án Pháp vừa tuyên bố bác đơn kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ cung cấp chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Có thể nói đây là một tuyên bố bất chấp lương tri của loài người.
Ngày 12/4/1961, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Kennedy, Walt W. Rostow đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ một giác thư đề nghị tiến hành 9 hành động, trong đó có vấn đề gửi lực lượng không quân C-123 đến miền Nam Việt Nam để phun rải các chất độc hóa học vì mục đích chiến tranh, đồng thời gửi một nhóm cố vấn quân sự MAAG (Military Assistance Advisor Group) do trung tướng Lionel C. McGarr làm trưởng nhóm đến miền Nam Việt Nam thăm dò khả năng sử dụng “kỹ thuật” phát quang.
Thực hiện kế hoạch này, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.
Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau.
Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.
Điều đau đớn nhất là nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn. Đáng nói là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4 của người Việt Nam nhưng từ đó đến nay Chính phủ Mỹ và các tập đoàn sản xuất chất độc da cam/Dioxin cung cấp cho Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vẫn khước từ trách nhiệm.
Mới đây, Bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp gốc Việt - nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã đã phải thất vọng khi Tòa sơ thẩm Érvy cho đến Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) đã bác bỏ hoàn toàn vụ kiện của bà và những người mang di chứng chất độc này chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto của Pháp - nhà sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Nỗi đau của Nhân dân Việt Nam còn mãi với thời gian nhưng họ vẫn thờ ơ vì lợi ích đồng minh của họ, bất chấp lẽ phải và lương tri nhân loại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét