23/8/24

Các hình lá cờ tổ quốc từ giấy chứng nhận hiến máu trong gần hai thập kỷ


Tại Công an huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, đang sửa soạn tủ cá nhân chứa những giấy chứng nhận hiến máu được nâng niu gần 2 thập kỷ qua bỗng nảy ra ý tưởng ghép lá cờ đỏ sao vàng bằng những giấy chứng nhận đặc biệt này.

    Để thực hiện ý tưởng, Thiếu tá Hiếu đã mất nhiều giờ suy nghĩ, sắp xếp làm sao cho hợp lý, kết thành hình lá cờ Tổ quốc ấn tượng. Giấy chứng nhận hiến máu một mặt nền đỏ, chữ vàng lấp lánh khá phù hợp tạo thành lá cờ.
Sau khoảng 30 phút loay hoay, mày mò ghép vào, tháo ra, chỉnh góc trái rồi lại xoay góc phải, anh Hiếu đã hoàn thành lá cờ Tổ quốc từ 26 giấy chứng nhận hiến máu của mình.
Từ năm 2007 đến nay, anh đã 26 lần tình nguyện cho đi những giọt máu của mình với mong muốn chia sẻ khó khăn và giúp các số phận không may mắn, cần truyền máu để duy trì sự sống.
Anh cũng vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa tích cực cổ vũ, tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình hưởng ứng tham gia. Đến nay gia đình anh đã có tổng cộng 51 lần hiến máu nhân đạo.
Ghi nhận tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện thời gian qua, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu đã nhiều lần được các cấp, các ngành trong và ngoài lực lượng công an biểu dương, khen thưởng.

Bất chấp lẽ phải và lương tri nhân loại!

 Bất chấp lẽ phải và lương tri nhân loại!



Tòa án Pháp vừa tuyên bố bác đơn kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ cung cấp chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Có thể nói đây là một tuyên bố bất chấp lương tri của loài người.
Ngày 12/4/1961, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Kennedy, Walt W. Rostow đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ một giác thư đề nghị tiến hành 9 hành động, trong đó có vấn đề gửi lực lượng không quân C-123 đến miền Nam Việt Nam để phun rải các chất độc hóa học vì mục đích chiến tranh, đồng thời gửi một nhóm cố vấn quân sự MAAG (Military Assistance Advisor Group) do trung tướng Lionel C. McGarr làm trưởng nhóm đến miền Nam Việt Nam thăm dò khả năng sử dụng “kỹ thuật” phát quang.
Thực hiện kế hoạch này, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.
Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau.
Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.
Điều đau đớn nhất là nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn. Đáng nói là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4 của người Việt Nam nhưng từ đó đến nay Chính phủ Mỹ và các tập đoàn sản xuất chất độc da cam/Dioxin cung cấp cho Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vẫn khước từ trách nhiệm.
Mới đây, Bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp gốc Việt - nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã đã phải thất vọng khi Tòa sơ thẩm Érvy cho đến Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) đã bác bỏ hoàn toàn vụ kiện của bà và những người mang di chứng chất độc này chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto của Pháp - nhà sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Nỗi đau của Nhân dân Việt Nam còn mãi với thời gian nhưng họ vẫn thờ ơ vì lợi ích đồng minh của họ, bất chấp lẽ phải và lương tri nhân loại...

Mạo danh nhân viên ngân hàng mở thẻ tín dụng, chiếm đoạt hơn 70 tỷ đồng

 Mạo danh nhân viên ngân hàng mở thẻ tín dụng, chiếm đoạt hơn 70 tỷ đồng

Chiều 22/8, theo thông tin từ Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), đơn vị vừa triệt xóa đường dây sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xuyên quốc gia với số tiền trên 70 tỷ đồng.

Đơn vị này cũng đã khởi tố 5 bị can để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và rửa tiền”.
Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, các đối tượng đã sang Campuchia thuê nhà, đặt máy móc, thuê đường truyền internet tốc độ cao, mua các tài khoản ngân hàng "rác" để hoạt động. Các đối tượng đã thuê lại phần mềm gọi điện qua internet với 12 đầu số khác nhau; thuê phần mềm giả địa chỉ IP để phục vụ hoạt động phạm tội.
Sau đó, chúng cho chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook giới thiệu, quảng bá dịch vụ mở thẻ ngân hàng, khi người dân có nhu cầu sẽ nhắn tin vào Messenger, từ đây các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn mở thẻ tín dụng.
Quá trình mở thẻ, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp các thông tin cá nhân (thẻ căn cước công dân), đăng ký hạn mức thẻ (thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 500 triệu đồng), bị hại đăng ký hạn mức nào thì bắt buộc phải nộp 20% số tiền hạn mức vào thẻ. Sau đó, các đối tượng sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin tài khoản thẻ để thực hiện hoạt động chiếm đoạt sản.
Do số tiền trong tài khoản chỉ rút được bằng thẻ cứng (thẻ nhựa) hoặc chuyển qua thanh toán online, để thuận tiện, các đối tượng chọn hình thức mua hàng trực tiếp lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, hoặc các chuỗi cửa hàng Điện máy xanh, Thế giới động, FPT… trên khắp cả nước đặt mua hàng online (chủ yếu là các sản phẩm của Apple như: Điện thoại iPhone, iPad, Macbook).
Sau khi mua hàng, các đối tượng yêu cầu bị hại nhập mã OTP để xác nhận đã hoàn thành mở thẻ nhưng thực chất là bọn chúng cướp mã OTP để thực hiện xong việc thanh toán mua hàng. Khi nhập xong mã OTP, các đối tượng móc nối với các nhân viên các trung tâm mua sắm nhận hộ hàng rồi chuyển lại cho các cửa hàng bán lẻ bên ngoài lấy tiền chia nhau.
Trong đường dây trên có hơn 20 đối tượng tham gia, do Ngụy Phan Kiên (sinh năm 1987), ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và Trần Hoàng Minh (sinh năm 1991), ở xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cầm đầu.
Trong đó có 3 đối tượng thực hiện hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; 1 đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo và 18 đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền.
Bước đầu xác định từ tháng 4/2024 đến cuối tháng 6/2024, nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi chiếm đoạt và rửa số tiền trên 70 tỷ đồng. Công an huyện Như Xuân đang tiếp tục truy bắt số đối tượng đang lẩn trốn tại Campuchia…

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc

 


Gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chiều 22/8, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi và những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng cho nền kinh tế nước nhà.
Cùng dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Cuộc gặp mặt thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên cả nước nói chung cũng như đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Trước khi diễn ra cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đại biểu dành một phút tưởng niệm, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã nêu những ý kiến bày tỏ những thuận lợi, mong muốn, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn liên quan cơ chế, chính sách cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền. Hiệp hội tham gia tích cực tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường; vận động các hội viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt như: Hậu quả của đại dịch Covid-19 khiến gần hai năm các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, cả nước phải dồn sức cho các hoạt động phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, mâu thuẫn chính trị thế giới làm cho kinh tế thế giới rất khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây còn nặng nề. Trong nửa đầu năm 2024, cả nước có gần 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng bên cạnh đó cũng có đến hơn 110 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt được thời cơ và lợi thế để bứt phá, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đang căng mình với những khó khăn…
Đánh giá doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế đất nước, giải quyết vấn đề hằng ngày đời sống xã hội; nhiều doanh nghiệp không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà còn quan tâm đến các hoạt động xã hội… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế; Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới khích lệ, động viên cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thực hiện tốt chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cộng đồng doanh nghiệp, phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiện toàn mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào Hội; thực hiện tốt chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cộng đồng doanh nghiệp, phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện cấp Quốc gia, thực sự là nơi tập hợp, lan tỏa, nuôi dưỡng sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng tiềm năng phát triển của Hiệp hội là rất lớn, khi nền kinh tế của nước ta có trên 5 triệu hộ kinh doanh, nhiều gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp, mỗi hộ kinh doanh này có thể trở thành một doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị yêu cầu có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến đồng thời yêu cầu đội ngũ doanh nhân Việt Nam phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải tiến liên tục; nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, sản phẩm; chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, tận dụng tốt cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định mang lại. Hiệp hội phải là nơi định hướng hoạt động của các doanh nghiệp thành viên, tuyệt đối tuân thủ luật pháp, thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế và các nghĩa tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ và giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải là nhân tố quan trọng đồng hành, hưởng ứng, đóng góp bằng trách nhiệm và trí tuệ của mình, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân, vì lý tưởng và mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Nhấn mạnh thời gian tới đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục được đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, ngoại lệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải là nhân tố quan trọng đồng hành, hưởng ứng, đóng góp bằng trách nhiệm và trí tuệ của mình, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân, vì lý tưởng và mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, không chỉ làm kinh tế tốt, mà còn nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân; đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành trọng trách của mình; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho cuộc sống người lao động.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đất nước đang tiến về phía trước, hiện thực hoá tầm nhìn, khát vọng lớn, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, là nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thách thức, khó khăn, có khi vượt xa dự báo, tác động nhiều chiều, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chung sức, đồng lòng, phấn đấu, quyết tâm cao, phát huy tinh thần, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng các cấp uỷ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước sẽ chung sức đồng lòng, thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền.
Với số lượng chiếm đa số (trên 98% tổng số doanh nghiệp trong cả nước), các doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế với khoảng 50% GDP và 35% tổng thu ngân sách nhà nước; hằng năm, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 50% người lao động; tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiệp hội đã phát triển mạng lưới đến chi hội cấp quận, huyện và một số địa bàn còn phát triển đến cấp xã, phường và làng nghề; tham gia vào quá trình xây dựng, tuyên truyền cơ chế, chính sách, các chính sách của Đảng và Nhà nước; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, vận động các hội viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Ngày 23/3/2023, Hiệp hội đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó ở Trung ương Hội có 30 đơn vị trực thuộc, bao gồm cả 6 chi hội và 61 hội doanh nghiệp thành viên với tổng cộng hơn 63.500 hội viên chính thức.

Thể hiện tình yêu Tổ quốc đúng đắn, phù hợp

 Thể hiện tình yêu Tổ quốc đúng đắn, phù hợp



Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như tổ chức lễ kỷ niệm, về nguồn, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công…
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những trào lưu được khởi phát từ mạng xã hội như thay ảnh đại diện hay sơn cờ Tổ quốc lên mái, cổng, tường nhà. Việc người dân bày tỏ lòng yêu nước dưới nhiều hình thức khác nhau là rất đáng trân trọng, tuy nhiên tình cảm này sẽ càng trân quý, ý nghĩa hơn khi mỗi cá nhân tham gia đều thận trọng trong việc chọn địa điểm, cách thức sơn quốc kỳ, lựa chọn cách thức thực hiện phù hợp, tránh chạy theo trào lưu hình thức...
Những ngày qua, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, trên mạng xã hội sôi động với trào lưu (trend) sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà, tường nhà, cửa ra vào,… như một cách để bày tỏ lòng yêu nước. Tại Thanh Hóa, một người dân đã sử dụng photoshop chỉnh sửa bức ảnh chụp thị trấn Quán Lào, huyện Yên Ðịnh từ trên cao, với nhiều mái nhà đều được vẽ cờ Tổ quốc lập tức được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến trầm trồ thán phục trước hình ảnh ấn tượng cũng đã xuất hiện những ý kiến bày tỏ sự không đồng tình vì bức ảnh không phản ánh đúng hiện thực.
Quan sát trào lưu sơn cờ Tổ quốc hiện nay đặt ra nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Trước hết có thể nhận thấy tình yêu nước nồng nàn trong mỗi người dân Việt Nam, nay có dịp thể hiện thông qua việc sơn cờ Tổ quốc nên nhiều người đã nồng nhiệt tham gia. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiện diện ở nhiều vùng miền đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, việc làm này cũng bộc lộ những bất cập như việc sơn cờ sai quy cách, ngôi sao vàng bị vẽ ngược, hay vẽ cờ Tổ quốc ở những nơi không thật sự phù hợp như các bức tường đổ nát, chân tường rào, cửa ki-ốt bán hàng, nhà để xe… Mặt khác, việc sử dụng loại sơn không bảo đảm chất lượng khiến cho mầu sắc của lá cờ nhanh chóng bị bợt bạt, nhem nhuốc, rất mất mỹ quan.
Chưa kể việc dùng sơn kém chất lượng còn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Hoặc việc trèo lên các mái nhà trơn, dốc để sơn cờ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người thi công. Việc ứng xử với những lá cờ vừa được sơn cũng đã xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực như một số cá nhân chạy nhảy, nằm, ngồi, dẫm chân lên lá cờ trên ở nóc nhà mình để chụp ảnh, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của lá quốc kỳ.
Từ đây cho thấy một trào lưu dù với mong muốn chính đáng là thể hiện lòng yêu nước song mỗi cá nhân cũng cần cân nhắc cách thực hiện, tuyệt đối không để rơi vào tình trạng chạy theo trào lưu nhất thời cho vui rồi vô trách nhiệm với sản phẩm do mình tạo ra.
Chia sẻ về trào lưu này, bà Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Ðịnh, tỉnh Thanh Hóa, nơi được dư luận đặc biệt chú ý sau bức ảnh photoshop các mái nhà có hình cờ đỏ sao vàng đã bày tỏ: “Việc vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà là trào lưu, nhưng trào lưu lấy hình ảnh cờ Tổ quốc gắn lên như thế thì không đúng về mặt tuyên truyền. Cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng chứ không phải chỗ nào cũng tự ý vẽ hay treo lên được”.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phân tích: “Khi sơn bạc đi hay bụi bặm bám vào (với những nhà sơn cửa cuốn), “lá cờ” sẽ rất xấu. Lúc ấy lại thành phản cảm. Cửa cuốn, ban ngày thì phải cuốn lên, tối/đêm mới hạ xuống, sơn cờ cho ai ngắm? Các bạn trẻ đang hăng hái trèo lên các nóc nhà, tình nguyện sơn cửa cuốn giúp các nhà… nên cân nhắc những điều này. Yêu Tổ quốc suốt đời và bằng những việc làm thiết thực, hữu ích vì cộng đồng thì không cần trend”.
Còn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ: “Tôi thấy, khi mái nhà nào cũng sơn quốc kỳ như thế thì hiệu ứng nghệ thuật (cái đẹp) hình như không còn nguyên vẹn nữa. Mỗi khu phố, một thôn bản có một mái nhà sơn cờ Tổ quốc là đã đủ và rất đẹp. Theo tôi, nên dành vinh dự này cho nhà văn hóa hay nơi sinh hoạt cộng đồng. Còn mỗi gia đình nên treo cờ Tổ quốc trang trọng theo quy định của Nhà nước là được.
Nội dung và hình thức rất cần sự hài hòa. Cuộc sống văn minh càng phải như thế. Nó đi vào chiều sâu với những ý nghĩa xã hội bền vững hướng tới các giá trị cao đẹp mang tính truyền thống và hiện đại”. Rõ ràng, nếu quá lạm dụng cờ Tổ quốc, treo hoặc vẽ cờ ở những nơi không trang nghiêm sẽ gây phản cảm, thậm chí gây tác dụng ngược và ảnh hưởng đến mỹ quan, cảnh quan đô thị, làng quê...
Ðáng chú ý, hiện các thế lực thù địch đang lợi dụng trào lưu sơn cờ đỏ sao vàng để xuyên tạc chính sách của Ðảng, Nhà nước ta, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các đối tượng chống phá rêu rao rằng lại thêm một “căn bệnh hình thức”, không có giá trị thực tế, chỉ tạo nên lòng tự hào sáo rỗng. Ðồng thời, các đối tượng triệt để khai thác sự việc xảy ra ở phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để bôi nhọ Ðảng, Nhà nước.
Cụ thể tại đây, một người dân đã sơn toàn bộ bức tường nhà mầu đỏ và ở giữa vẽ ngôi sao vàng, nhìn giống với hình lá cờ Tổ quốc. Tuy nhiên từ sự trao đổi, phân tích chân tình từ cơ quan chức năng về các quy định của pháp luật đối với kích cỡ, hình thức, hình ảnh cờ Tổ quốc và việc quản lý, sử dụng, bảo quản hình ảnh cờ Tổ quốc, công dân này đã tự nguyện sử dụng sơn đỏ phủ lên hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh trên bức tường.
Sự việc xảy ra từ năm 2020, thế nhưng gần đây lợi dụng trend sơn cờ, một cá nhân khác đăng tải lại trên mạng xã hội, với nội dung phản ánh không đúng bản chất sự việc. Theo cách viết của người này khiến người đọc hiểu lầm rằng, chủ nhà đã bị chính quyền bắt buộc phải xóa bỏ hình cờ đỏ sao vàng dù không hề vi phạm pháp luật.
Từ đây nhiều ý kiến vào chỉ trích, lên án chính quyền. Nhân cơ hội này, các thế lực thù địch lớn tiếng bêu riếu “Ðảng Cộng sản Việt Nam độc tài”, cản trở dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào quyền tự do bày tỏ lòng yêu nước của người dân...
Trước hết cần khẳng định rằng, việc người dân, nhất là giới trẻ bày tỏ tình yêu Tổ quốc trong các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước là rất đáng trân trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, cách thức thể hiện tình cảm của từng cá nhân phải phù hợp quy định pháp luật, văn hóa dân tộc, tránh những ứng xử lệch chuẩn, phản văn hóa.
Về trào lưu sơn cờ Tổ quốc, thiết nghĩ cần nhắc lại quy định tại Ðiều 13, Hiến pháp năm 2013 đối với quy cách của lá quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó là hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Ngày 2/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó quy định về hình quốc kỳ có những điểm cần lưu ý như: Ðiểm giữa ngôi sao vàng đặt ở điểm giao nhau của hai đường chéo quốc kỳ. Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của quốc kỳ. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên. Tuy nhiên một số ít người khi sơn cờ đã thiếu quan tâm đến những quy định này, khiến cho hình quốc kỳ xuất hiện méo mó, tùy tiện.
Quốc kỳ là lá cờ tượng trưng cho quốc gia, là biểu tượng của độc lập, tự chủ, đồng thời cũng là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, là dấu hiệu quan trọng giúp phân biệt quốc gia này với quốc gia khác. Mỗi quốc gia đều lựa chọn những mầu sắc, biểu tượng, đặc trưng văn hóa, lịch sử của dân tộc mình để hình thành nên lá quốc kỳ.
Quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, với ý nghĩa mầu đỏ tượng trưng cho máu của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, và ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Chính vì ý nghĩa hết sức đặc biệt của quốc kỳ nên tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như ở Việt Nam đều ban hành những quy tắc nghiêm ngặt khi sử dụng hình ảnh quốc kỳ…
Trào lưu sơn cờ Tổ quốc lên mái, tường, cổng nhà cần xác định đây là phong trào yêu nước tự phát đáng trân trọng của quần chúng nhân dân, song cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan như quy định về quốc kỳ, kích thước cờ, chú ý lựa chọn loại sơn bền mầu, an toàn với môi trường, đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn địa điểm, cách thức sơn và việc bảo quản lá cờ sau khi sơn, bởi đây cũng là cách thể hiện sự trân trọng với lá quốc kỳ.
Tuyệt đối không có những hành vi phản cảm như nằm ngồi, hay đứng lên cờ vì hành động này xâm phạm đến sự thiêng liêng của quốc kỳ. Ngành văn hóa và các đơn vị chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá và có định hướng trào lưu này đúng đắn, thông tin rộng rãi trong xã hội, bảo đảm vừa thể hiện sự trân trọng, mỹ quan, vừa khuyến cáo người dân tham gia trào lưu này tránh vi phạm quy định pháp luật liên quan đến sử dụng hình ảnh quốc kỳ, bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng có nhiều cách thức, việc làm ý nghĩa khác giúp mỗi cá nhân có thể bày tỏ tình yêu Tổ quốc. Có những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn như bảo vệ môi trường, tham gia giao thông có văn hóa, gương mẫu chấp hành pháp luật, hiến máu cứu người,… Hoặc mỗi người dù làm ở lĩnh vực, ngành nghề gì nhưng nếu biết cống hiến hết mình vì công việc thì đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước.
Ðiều quan trọng hơn cả là tình yêu đất nước rất cần được mỗi cá nhân quan tâm nuôi dưỡng thường xuyên, qua đó không ngừng góp phần khẳng định lòng tự hào dân tộc cũng như thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc chung tay xây dựng và phát triển đất nước ngày càng hùng mạnh.

Hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trong năm 2025

 


Theo Bộ Nội vụ, việc đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019-2021 đã được giải quyết khá cơ bản.
Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến năm 2025 phải giải quyết xong việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương. Giai đoạn 2023-2025, dự kiến sau sắp xếp sẽ giảm 637 đơn vị hành chính cấp huyện, xã; dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư khoảng 21.800 người.

Dân đồng thuận, việc khó thành dễ

Ở những thành phố lớn, việc mở rộng những tuyến đường, kiệt, hẻm nhỏ là vấn đề khá nan giải. Bởi do mật độ dân cư đông đúc, nhà cửa san sát nhau nên việc đền bù, giải tỏa rất phức tạp. Tuy nhiên, ở TP Đà Nẵng thì người dân đồng thuận, việc khó thành dễ.

Sở dĩ có được thành công này là nhờ sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân, vận dụng cách làm sáng tạo, linh hoạt trong công tác dân vận. Theo đó, số cán bộ, đảng viên được chia thành nhiều tổ công tác kiên trì “đi tận ngõ, gõ tận nhà” giải thích tường tận cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa của việc mở rộng những tuyến đường, kiệt, hẻm nhỏ là tạo đường đi, lối lại thông thoáng, tiện lợi, đẹp mắt.
Cùng với việc cải tạo, nâng cấp lòng đường, việc đầu tư nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, cảnh quan... tạo diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp. Nhờ vậy, người dân đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình chủ trương của chính quyền. Từ năm 2021, UBND thành phố đã đầu tư dự án cải tạo, mở rộng 97 tuyến đường từ 3,5m thành 5,5m tại các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Đến năm 2024, UBND thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí nâng cấp 59 tuyến đường, kiệt, hẻm ở các quận Hải Châu, Sơn Trà nhằm thay đổi căn bản cơ sở hạ tầng các khu dân cư.
Ông cha ta có câu: “Tấc đất tấc vàng”, vậy mà ở Đà Nẵng thì những ‘‘tấc vàng” ấy lại được nhiều hộ dân không so tính thiệt hơn, tự nguyện hiến cho tập thể. Có thể nói hành động hiến đất của các hộ dân thể hiện sự hy sinh không nhỏ, bởi từ bao đời nay, người dân luôn nặng tình, nặng nghĩa với mảnh vườn, thửa đất mà tổ tiên, cha ông để lại. Đất đai góp phần giúp họ mưu sinh, tạo dựng cuộc sống. Nhưng vì lợi ích chung, họ sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi một quyền lợi nào. Họ chính là những tấm lòng vàng có sức lan tỏa sâu sắc.
Từ câu chuyện “gần dân, việc khó thành dễ” ở Đà Nẵng, chúng ta nhận thấy thực tế trong thời gian qua, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chính quyền quan liêu, xa dân, không gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thậm chí còn thờ ơ, vô cảm với đời sống nhân dân; còn nhũng nhiễu dân, coi thường dân...
Để thực sự là “công bộc của dân” như Bác Hồ răn dạy, người cán bộ, đảng viên phải sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân, từ đó hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giải quyết thấu đáo. Người cán bộ, đảng viên phải làm tốt công tác chăm lo đời sống nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề an sinh xã hội...

Những sợi dây kết nối


Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để kiều bào trên toàn thế giới chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất ý tưởng, đóng góp tâm huyết, trí, lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếng Việt kết nối các thế hệ kiều bào với quê hương
Tại hội nghị, chia sẻ bên lề phiên chuyên đề “Kiều bào-sứ giả văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt”, nhiều đại biểu kiều bào đau đáu phải làm sao để tiếng Việt có thể trở thành sợi dây kết nối bền vững các thế hệ sau với quê hương, ngấm được nhiều hơn văn hóa Việt, để tình yêu với Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Từ nỗi trăn trở đó, phong trào dạy và học tiếng Việt đã được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng sôi nổi.
Bà Lê Thị Thương, Phó chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, sau một thời gian tìm hiểu và biết được phụ huynh rất muốn cho con theo học tiếng Việt, trong khi những lớp nhỏ lẻ chưa đủ sức lan tỏa tinh thần và ham muốn học tập, Hội người Việt Nam ở Nhật Bản quyết định thành lập dự án cộng đồng mang tên Trường Việt ngữ Cây Tre. Sức hút từ dự án này cho thấy những thành công bước đầu, khi ngày càng có nhiều trẻ trong các gia đình người Việt tại Nhật Bản đăng ký tham gia học tiếng Việt, đồng thời ý thức được rằng tiếng Việt là văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Tương tự, bà Trần Thị Hiền, kiều bào tại Hàn Quốc đã kết hợp với địa phương và trường học sở tại mở lớp dạy tiếng Việt cho các bé có bố hoặc mẹ là người Việt, dạy thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam, tổ chức các cuộc thi bằng tiếng Việt dành cho các bé, giúp thế hệ trẻ có thêm nhiều trải nghiệm cũng như cơ hội thực hành tiếng Việt.
Các đại biểu đều chung nhận định, thời gian qua, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đã nỗ lực khơi dậy và lan tỏa tình yêu tiếng Việt. Qua đó không chỉ giúp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt mà còn giúp gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam. Dù sống xa Tổ quốc, bà con kiều bào vẫn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nêu cao ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, hướng tới gia đình và quê hương.
Tài sản lớn nhất của Việt Nam là con người
Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại tập đoàn công nghệ Mỹ Google cho biết, anh rời Việt Nam đi du học năm 19 tuổi. Tính đến nay, anh đã sống ở nước ngoài 23 năm. Song trong những giấc mơ của anh, tình yêu đất nước và hình ảnh Việt Nam vẫn luôn luôn hiện hữu. Đến thành phố nào trên thế giới, anh cũng tìm ăn món phở Việt Nam. Cũng đã tròn 20 năm hành trình của anh gắn liền với AI và anh ý thức rõ AI chính là chìa khóa mở ra những cuộc cách mạng tương lai.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Quốc, Việt Nam cần nhìn nhận cuộc cách mạng AI “đang diễn ra như một cơn sóng ngầm và một ngày nào đó sẽ bùng nổ thành cơn sóng thần cuốn trôi tất cả”. Trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống hoàn toàn được tự động hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến thẳng lên và phát triển cùng AI. Tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là con người, do đó, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục AI, thậm chí, xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về AI, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu. Tiến sĩ Lê Viết Quốc vui mừng cho biết, nhân dịp anh về nước lần này, Google đã quyết định đầu tư vào chương trình giáo dục AI tại Đại học Fulbright Việt Nam. Anh tin tưởng việc đầu tư này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự đổi mới giáo dục trong lĩnh vực AI tại Việt Nam.
Cùng với đó, Tiến sĩ Lê Viết Quốc chia sẻ thêm, cần tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ; tập trung phát triển các ứng dụng của AI; thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip bán dẫn và AI nhằm đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.

Người dân Thủ đô ấn tượng với Triển lãm ảnh "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng"

 Người dân Thủ đô ấn tượng với Triển lãm ảnh "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng"



Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” trưng bày 44 bức ảnh ấn tượng về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư qua các thời kỳ và lĩnh vực. Ngày 22/8, đông đảo người dân Thủ đô đã đến với Triển lãm.

TP Hồ Chí Minh: Xử lý vụ việc hoa hậu Phương Lê chế lời Quốc ca


Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin vụ việc, đang phối hợp cơ quan chức năng mời bà Lê Thị Hậu Phương (hoa hậu Phương Lê) lên làm việc.

Chia sẻ trong buổi họp báo thường kỳ kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh chiều 22/8, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết bước đầu đã nắm được một số thông tin liên quan đến vụ việc của bà Lê Thị Hậu Phương (hoa hậu Phương Lê).
Trước đó, hoa hậu quý bà Phương Lê đã có hành vi chế lời Quốc ca trên livestream, khiến dư luận rất bức xúc.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng Quốc ca đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tại Văn bản Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 02/10/2012 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, Quốc ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và Quốc tế….
Do đó, việc sử dụng Quốc ca không đúng hướng dẫn trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 351, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca": Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, Sở cũng cho biết về lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính thì hiện nay chưa có quy định cụ thể để xử phạt các hành vi vi phạm có tính chất xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Theo đó, về hướng xử lý vụ việc, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để mời làm việc với bà Lê Thị Hậu Phương (hoa hậu Phương Lê) và có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các vụ việc liên quan đến bà Lê Thị Hậu Phương (hoa hậu Phương Lê) trong thời gian qua.

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng CAND


Trải qua 79 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không ngừng lớn mạnh, được tôi luyện trong chiến đấu, trở thành “lá chắn thép” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động lại luôn tìm cách bôi nhọ hình ảnh, xuyên tạc vị trí, vai trò, kích động người dân chống lại Công an.

Nhận diện những luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc
Hằng năm cứ mỗi độ tháng 8 về, trong khi người dân cả nước bày tỏ tình cảm, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân ngày thành lập lực lượng, đồng thời gửi lời tri ân, cảm ơn sâu sắc trước những đóng góp to lớn của lực lượng CAND đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội thì trên mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức thù địch, chống đối lại tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng CAND. Chúng liên tục đăng tải những bài viết, cắt ghép hàng nghìn video, hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội như tiktok, youtube, facebook… với những luận điệu xuyên tạc như: Công an Việt Nam “hống hách, đứng trên pháp luật”; “chỉ biết đàn áp dân”; “nghề nhàn rỗi, lương cao, quyền lực”; “chỉ biết bòn rút tiền, mồ hôi xương máu của nhân dân”…
Chúng còn lợi dụng sai phạm của một số cá nhân với sai phạm của tập thể nhằm mục đích vu khống bản chất, phủ nhận những thành quả mà lực lượng Công an đã đạt được. Chúng lợi dụng việc một số cán bộ, chiến sĩ Công an có sai phạm bị phát hiện, xử lý trước pháp luật hoặc bị kỷ luật, bị xử lý hình sự để thổi phồng, ra sức tuyên truyền kích động, bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá… Từ những vi phạm của cá nhân, chúng cố tình bóp méo, tạo dư luận lệch lạc hòng công kích, bôi nhọ cả ngành Công an và đánh đồng rằng bộ máy hiện nay của lực lượng Công an đa số mục ruỗng, thối nát từ bên trong, xuyên tạc “do thể chế chống lưng” nên lực lượng Công an càng “lộng hành, đứng trên pháp luật, không xem ai ra gì”. Từ việc một số cá nhân trong CAND bị xử lý do tham nhũng, tiêu cực, các đối tượng vu cáo, cơ chế tạo cho Công an “chỉ biết ăn của dân”, “khiến dân càng cơ cực”…
Khi xảy ra những vụ án dư luận đặc biệt quan tâm, lực lượng Công an không quản ngại hiểm nguy, gian khó, nhanh chóng điều tra, bắt giữ thủ phạm, được nhân dân ngợi khen, được lãnh đạo đơn vị và cấp ủy, chính quyền khen thưởng thì chúng xuyên tạc, bôi nhọ, cho rằng “phá án là việc của Công an phải làm, sao lại khen”, “nhận lương từ thuế của dân thì phải làm”, “nhận thưởng trên đau thương mất mát của nạn nhân”… Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, quy mô phức tạp, liên quan những cán bộ, đảng viên cấp cao, cơ quan điều tra trong CAND đã nỗ lực khám phá, điều tra, làm rõ bản chất hành vi phạm tội từng bị can để toà án các cấp xử lý nghiêm trước pháp luật, được dư luận đồng tình hưởng ứng. Thế nhưng, các đối tượng xấu lại vu cáo thành chuyện “thanh trừng, đấu đá nội bộ”, coi việc xử lý các vụ án tham nhũng “chỉ làm màu”…
Trong khi đó, với những việc làm tốt của cán bộ, chiến sĩ Công an, được nhân dân khen ngợi thì các đối tượng lại tìm cách bôi nhọ, cho rằng đó là sự giả tạo, chỉ để “đóng kịch”. Chẳng hạn, trong dịp thi cử của các em học sinh vừa rồi, nhiều chiến sĩ Công an đã tất bật đưa thí sinh đến điểm thi kịp thời gian hay hướng dẫn thí sinh tìm chỗ trọ, giúp đỡ các phụ huynh trong khi chờ đợi ngoài điểm thi thì các đối tượng xấu lại xuyên tạc rằng, đó là hình ảnh cắt ghép, là kịch bản đã dựng sẵn. Chúng cho rằng, lực lượng Công an Việt Nam “chỉ giỏi làm màu”, “mị dân” chứ không có hành động thật. Chúng còn bôi nhọ hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an trấn áp tội phạm ma túy, hình sự, từ những video trấn áp tội phạm lại xuyên tạc với nội dung Công an “đàn áp nhân dân”, “đe nẹt dân”…
Với luận điệu đó, chúng ra sức phủ nhận công sức của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vất vả để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc cho nhân dân. Mục đích của chúng vẫn là chiêu trò “bình cũ rượu mới” nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết giữa lực lượng Công an với các cấp chính quyền, với nhân dân, làm cho nhân dân có cái nhìn hoài nghi, sai lệch, từ đó làm giảm sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân với lực lượng Công an và kích động chống đối, mâu thuẫn. Một số luận điệu tiếp tục đòi phi chính trị hóa CAND, tách lực lượng Công an ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Công an với Quân đội. Những hành vi này không chỉ nhằm phủ nhận công lao của các cán bộ, chiến sĩ Công an mà còn làm xấu đi hình ảnh, uy tín, xuyên tạc vị trí, vai trò lực lượng CAND, tạo cớ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Máu vẫn đổ giữa thời bình
Kể từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, lực lượng CAND không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, chiến đấu ngoan cường trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào, lập nhiều chiến công to lớn, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân. Mỗi khi xảy ra các đợt mưa lũ, thiên tai, hỏa hoạn, Công an cũng là lực lượng luôn đi đầu, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn có mặt kịp thời ở những nơi nguy nan, vất vả, đúng với phương châm “khi dân cần, khi dân khó, có Công an”.
Còn nhớ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, lực lượng CAND ngày đêm căng mình làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, khu vực cách ly, phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh, trật tự, không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, rủi ro, có thể bị lây nhiễm dịch bệnh bất cứ lúc nào trong quá trình thực thi nhiệm vụ; phối hợp với lực lượng y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vừa truy vết, khoanh vùng cách ly, vừa tuyên truyền đảm bảo không lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Hình ảnh những tấm gương điển hình của lực lượng Công an như đồng chí Trung úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Đồng Nai đã cứu sống 4 người dân bị nạn khi đi tắm biển; đồng chí Thiếu tá Hoàng Hữu Bình, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Hải Dương đã cứu 2 cháu bé bị đuối nước… gây xúc động trong nhân dân. Hay những hình ảnh rất đỗi đời thường như anh Cảnh sát hình sự bất chấp nguy hiểm đuổi bắt kẻ cướp giật trên đường phố; anh Cảnh sát giao thông đội mưa đứng phân luồng, giúp cụ già, em nhỏ qua đường hay chiến sĩ Cảnh sát PCCC lao mình trong khói lửa, vừa nỗ lực dập tắt đám cháy, vừa cứu người mắc kẹt… Đó là những hình ảnh đẹp, ghi dấu ấn trong lòng quần chúng nhân dân.
Trong cuộc chiến chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương, hy sinh trong khi thi hành công vụ, trong đó có những đồng chí tuổi đời còn rất trẻ. Điển hình như 3 chiến sĩ cảnh sát anh dũng hy sinh khi chiến đấu với “giặc lửa” là Trung tá Đặng Anh Quân (SN 1977, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Cầu Giấy); Trung úy Đỗ Đức Việt (SN 1998, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Cầu Giấy); Binh nhì Nguyễn Đình Phúc (SN 2003, chiến sĩ nghĩa vụ, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Cầu Giấy). Đại úy Hồ Tấn Dương (SN 1986, Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự kinh tế và ma túy, Công an huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), Đại úy Trần Trung Hiếu (SN 1992, cán bộ Công an xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Đại úy Nguyễn Lê Chí Công Hoàng Khôi (SN 1988, công tác tại Công an phường 5, TP Tân An, Long An) hi sinh khi đang làm nhiệm vụ…
Và còn nhiều những tấm gương chiến sĩ CAND “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, sẵn sàng hi sinh xương máu để giữ vững an ninh, trật tự cho đất nước, cho nhân dân trong thời bình. Các anh ngã xuống để lại biết bao đau thương cho người thân, những người đồng đội và hàng triệu người dân trên đất nước anh hùng này. Dù không còn chiến tranh nhưng năm nào cũng có những chiến sĩ công an phải đổ máu giữa thời bình. Cuộc chiến đấu bảo vệ bình yên cho nhân dân ở mỗi thời điểm lại có sự khó khăn, thử thách với nhiều loại tội phạm manh động, nguy hiểm. Khi đã lựa chọn màu áo ấy là các anh đã sẵn sàng đối mặt với thử thách, hiểm nguy.
Đó cũng là sự tiếp nối đầy tự hào của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ CAND. Các anh ngã xuống nhưng những người đồng đội vẫn luôn khắc ghi, thực hiện tiếp những công việc còn dang dở. Tất cả vẫn luôn sẵn sàng để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Thế nhưng, trong con mắt của những thế lực thù địch, sự hy sinh đó lại là “làm màu”, “dựng kịch” hay “nghề nhàn rỗi, lương cao, quyền lực”…
Không thể phủ nhận rằng, bên cạnh những thành tích, chiến công đã đạt được, vẫn còn một số trường hợp sai phạm, từ vi phạm hành chính đến hình sự, trong đó có vụ gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng CAND. Nhưng những sai phạm ấy đều được lãnh đạo Công an các cấp chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm, có vụ truy tố trước toà với những bản án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, cho dù cán bộ ấy đã từng giữ vị trí gì.
Vì vậy, bản thân mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hơn bao giờ hết cần nâng cao nhận thức chính trị và ý thức cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, vu khống và tiếp nhận có chọn lọc các nguồn thông tin trên internet, mạng xã hội để không bị mắc mưu kẻ địch mà “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, tránh tự biến mình thành công cụ lợi dụng của kẻ địch, không để chúng lôi kéo, dẫn dụ cái nhìn sai lệch về những người đang ngày đêm bảo vệ bình yên, hạnh phúc của nhân dân…

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...