2/1/23

KHÔNG HẬN THÙ NHƯNG TUYỆT ĐỐI CŨNG KHÔNG ĐƯỢC LÃNG QUÊN

Cách đây mấy hôm, mình nhận được dòng tin nhắn từ một bạn sống ở phố Văn Chương. Bà bạn ấy đã mất cách đây mấy tháng, bà là một nhân chứng sống từ sự kiện phố Khâm Thiên bị ném bom vào 26/12/1972. Ngày còn bé, thi thoảng bà còn dắt bạn ấy đi qua Tượng đài tưởng niệm Khâm Thiên và nói rằng: “Người ở bức tượng kia là bạn của bà. Bà ấy mất ở số nhà 47 khi trên tay vẫn còn bồng con”. Sau này, bà già yếu chỉ ở trong nhà, cứ mỗi ngày 26/12, bạn ấy vẫn thay bà đi thắp hương ở tượng đài. Năm nay bà không còn, thói quen ấy vẫn được duy trì. Bạn ấy nhắn rằng: “Bà em dặn là chiến tranh đau khổ lắm, các cháu có trưởng thành thì cũng đừng có quên hồi xưa đã khổ cực thế nào. Sau này có con, nhất định em cũng dẫn chúng đi để kể về bà và lịch sử”.


Những câu chuyện về Khâm Thiên là một phần kí ức của bạn ấy và rất nhiều người khác…
Những người học sinh đến nhà thầy giáo thu lượm xác của cả gia đình. Người chồng làm nhiệm vụ phòng không trở về nhà vội vã để nhặt những mảnh thân xác của vợ và các con… Thi thoảng, lật vỡ một mảng tường gạch lại thấy một mảnh xác người. Những đứa trẻ mới vài tuổi đầu phải nhìn cảnh thi thể của bố mẹ, ông bà… không toàn vẹn. Những thi thể được di chuyển đến Bạch Mai để nối lại và làm lễ an táng, có những xác người đặt trong những cái lồng lớn, số lồng nhiều đến mức lấp kín phòng và tràn ra bên ngoài…
Mùi tử khí quấy quanh Khâm Thiên cả tháng giời. Tết Nguyên Đán năm đó không có pháo, không đào mà chỉ toàn quấn khăn trắng, lưa thưa người qua lại và những tấm cáo phó treo vất vương…
Những người sinh ra và lớn lên ở Khâm Thiên và các con phố xung quanh hiểu lý do mà tại sao vào cùng một ngày mà sao lại có nhiều đám giỗ tập thể được diễn ra như vậy. Cứ đến những ngày cuối tháng 12, những con người trải qua những ngày tháng đau thương ấy lại dành một buổi để thắp hương tại Đài tưởng niệm hố bom 51 Khâm Thiên… Bà Chu Thị Kỳ, một người từng trải qua ký ức buồn nói rằng: “Nhiều khi tôi nghĩ, chiến tranh đã lùi xa, lịch sử của cuộc chiến đã khép lại rồi. Giờ chúng ta phải sống cho ngày hôm nay chứ không thể giữ mãi trong lòng nỗi hận thù.”
50 năm không phải là một thời gian ngắn, nhiều khi là cả một đời người với bao nhiêu thế hệ được sinh ra… Những thế hệ đã qua kể cho con cháu về những ngày cũ không phải để giữ mối hận trong lòng, vì suy cho cùng, không ai muốn thế hệ sau cứ phải sống trong uất ức, khốn khổ như thế hệ trước.
Nhưng, không giữ mối hận nhưng tuyệt đối cũng không thể quên. Như câu nói trong Mùi Cỏ Cháy: "...sau này cho con cháu chúng nó biết, chúng ta đã đi qua cuộc chiến này như thế nào nhá".
Tội ác thì có thể đã trôi qua lâu lắm, những người còn sống từ ký ức 26/12/1972 thưa vắng dần, nhưng đau thương trong lòng thì không bao giờ quên được.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...