Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, không những chỉ đưa ra mục tiêu trước mắt, mà còn cả mục tiêu lâu dài với tầm nhìn xa chiến lược.
Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, cách tiếp cận và xác định mục tiêu đó trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dựa vào căn cứ khoa học cơ bản sau:
Từ rất sớm, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt vấn đề xác định mục tiêu và con đường của cách mạng vô sản là xóa chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất để đi tới chủ nghĩa cộng sản. Về vấn đề này, trong Các bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ do Ph.Ăngghen đọc tại cuộc hội nghị ở En-bơ-phen-đơ, ngày 8 tháng Hai 1845 đã kết luận: “… điều nói ở đây không phải là thực hiện sở hữu công cộng ngay tức khắc và trái với ý chí của nhân dân, mà trước hết là xác định mục tiêu cũng như biện pháp và con đường chúng ta có thể đi đúng tới mục tiêu ấy. Còn như nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa là nguyên tắc của tương lai thì điều đó sẽ được quá trình phát triển của tất cả các nước văn minh xác nhận, sẽ được sự tan rã nhanh chóng của tất cả các chế độ xã hội đến nay còn tồn tại xác nhận, sẽ được lương tri của loài người và trước hết là lương tâm của loài người, xác nhận”. Không những vậy, trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, viết và công bố tháng 2 năm 1848, các ông còn đề cập đến những mục tiêu cụ thể: “Như chúng ta đã thấy trên kia, bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”. Hai ông cũng phê phán các phong trào cách mạng của giai cấp công khi không đặt ra mục tiêu rõ ràng gì: vì vậy, trong bài viết Tình hình nước Đức, Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Công nhân ở nước này đã bày tỏ sự bất mãn của mình bằng nhiều cuộc nổi dậy nhưng không có mục tiêu rõ ràng nên không đạt được kết quả gì. Sự lạnh nhạt của người Phổ là lực lượng chính của Liên bang Đức. Nó chứng tỏ rằng ở Đức, thời kỳ phát triển toàn diện của phong trào tư sản còn chưa tới”.
Vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, khi bàn về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành cương lĩnh của Đảng, trong Dự thảo cương lĩnh của Đảng ta, viết xong vào cuối năm 1899, in lần đầu vào năm 1924, V.I.Lênin khẳng định: “Đành rằng, như Mác đã nói: “mỗi bước tiến của phong trào thực tế còn quan trọng hơn là cả một tá cương lĩnh”. Nhưng Mác hay vô luận một nhà lý luận hoặc một nhà làm công tác thực tiễn nào khác của phong trào dân chủ - xã hội cũng đều không phủ nhận tầm quan trọng to lớn của một cương lĩnh đối với sự hoạt động nhất trí và triệt để của một chính đảng” (tập 4, tr.269). Và trong Cương lĩnh đó, V.I.Lênin cũng yêu cầu phải đặt ra các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của Đảng; do đó, trong tác phẩm Hai sách lược của Đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ, năm 1905, V.I.Lênin viết: “Cương lĩnh của chúng ta không phải là một cương lĩnh cũ, mà là một cương lĩnh mới, cương lĩnh tối thiểu của Đảng công nhân dân chủ-xã hội Nga. Chúng ta có một khẩu hiệu mới: chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân. Nếu chúng ta sống được đến ngày cách mạng thực sự thắng lợi, chúng ta sẽ có cả những phương thức hành động mới, phù hợp với tính chất và với những mục tiêu của đảng của giai cấp công nhân là đảng đang mong muốn một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn”.
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm trên Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong Bài nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ của đảng, tại Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng, ngày 10-5-1950, Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục đích của Đảng là đánh Pháp, giải phóng dân tộc, thực hiện dân chủ mới, rồi sẽ tùy theo tình hình kinh tế, sự sắp đặt của Đảng, sẽ giác ngộ, giáo dục, tổ chức quần chúng đi tới xã hội chủ nghĩa”. Từ việc xác định mục đích của Đảng, trên Chuyên mục Thường thức chính trị, báo Cứu quốc, từ ngày 16-1 đến ngày 23-9-1953, Người chỉ rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong chính cương của Đảng: “Đảng có chính cương rõ rệt: Hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản” (tập 8, tr.273). Không những vậy, Người còn khẳng định: “Đảng cương là một văn kiện nó quy định: tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đảng cương là lý luận nền tảng, Đảng dùng để lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên nhất định phải thừa nhận và theo đúng Đảng cương. Nếu không vậy, thì tư tưởng sẽ rối loạn, ý kiến sẽ lung tung, Đảng sẽ yếu đuối, rời rạc, không làm được gì”.
Như vậy, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đều nhất quán về sự cần thiết phải xác lập và ban hành mục tiêu của cách mạng trong Cương lĩnh, Nghị quyết, đường lối cách mạng của các đảng cộng sản và công nhân. Việc xác lập mục tiêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, không chỉ căn cứ vào hệ thống lý luận có tính khoa học và cách mạng là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như đã luận giải trên; còn căn cứ vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam của Đảng ta trong hơn 90 năm qua.
Thực tiễn phong phú nhất là thành tựu sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới cho phép Đảng ta tiếp cận và xác định mục tiêu trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"”. Theo đó, thực tiễn vẫn là tiêu chuẩn của chân lý, là căn cứ cơ bản để Đảng ta xác lập mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Từ cách tiếp cận, mục tiêu phát triển, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dự báo tình hình thế giới và trong nước, hệ thống các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cho đến các định hướng phát triển, trong Dự thảo, Đảng ta đã đặt ra mục tiêu tổng quát đó là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời, cũng xác định mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” đã cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TS HÀ SƠN THÁI - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét