Trong thời đại kỹ thuật số, báo chí và mạng xã hội đã phát triển một mối quan hệ cộng sinh phức tạp.
Báo chí truyền thống đang trải qua những biến đổi lớn do sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Ngược lại, mạng xã hội cũng được hưởng lợi từ việc lan truyền thông tin và nội dung từ các nguồn báo chí.
Báo chí truyền thống, với lịch sử lâu đời, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy cho công chúng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của mạng xã hội đã thay đổi cách mà báo chí tiếp cận độc giả và khán giả. Thay vì chỉ dựa vào các kênh phân phối truyền thống như báo in, truyền hình và các trang thông tin điện tử, các tòa soạn báo chí ngày nay phải khai thác cả nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người đọc nhanh chóng và hiệu quả hơn. Người đọc ngày nay đã hầu như bỏ quên thói quen truy cập trực tiếp vào các trang báo chí. Thay vào đó, họ đi theo gợi ý từ các post, bài viết trên mạng xã hội.
Hầu hết các cơ quan báo chí đều thiết lập sự hiện diện của mình trên các nền tảng mạng xã hội từ rất sớm. Hiện New York Times có khoảng 53 triệu người theo dõi trên X (Twitter), 17 triệu lượt thích (likes) và theo dõi (followers) trên Facebook, 13 triệu người theo dõi trên Instagram, và hơn 4 triệu người đăng ký thuê bao (subscribers) trên YouTube. Tương tự, một trong những kênh truyền hình thời sự có ảnh hưởng nhất thế giới là CNN cũng có 60 triệu người theo dõi trên X (Twitter), 35 triệu fan trên Facebook, 14 triệu người theo dõi trên Instagram và hơn 13 triệu thuê bao trên YouTube. Bản thân VietnamNet cũng đã xây dựng được kênh Facebook với 2,4 triệu người theo dõi.
Mạng xã hội, với tính tương tác và khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, đã trở thành một công cụ quan trọng để lan tỏa nội dung báo chí. Các nền tảng như Facebook, Twitter, và Instagram cho phép người dùng chia sẻ tin tức, bình luận và thảo luận, từ đó tạo nên một môi trường truyền thông phong phú và đa chiều. Nhờ có mạng xã hội, thông tin từ báo chí có thể tiếp cận một lượng khán giả rộng lớn và đa dạng hơn.
Các mạng xã hội đã triển khai nhiều chiến lược và công cụ khác nhau để hợp tác với báo chí, nhằm tạo ra một môi trường truyền thông phong phú hơn và hỗ trợ các tòa soạn báo trong việc tiếp cận độc giả. Facebook đã giới thiệu Instant Articles, cho phép các tờ báo đăng tải nội dung trực tiếp trên nền tảng của họ với tốc độ tải trang nhanh hơn và trải nghiệm người dùng tốt hơn. Google đã triển khai News Showcase, một tính năng cho phép các nhà xuất bản tin tức cung cấp nội dung chất lượng cao thông qua các thẻ câu chuyện trong Google News.
Tuy vậy, “cuộc hôn nhân” giữa báo chí và mạng xã hội không hoàn toàn suôn sẻ. Liên minh báo chí ở nhiều quốc gia, như Australia và Canada, đã bắt đầu yêu cầu các ông chủ mạng xã hội trả tiền tác quyền báo chí. Và để trả đũa, Facebook đã chặn các liên kết đến nội dung số của báo chí ở các quốc gia này.
Cơ hội và thách thức
Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội mở ra xu hướng tương tác đa chiều bình đẳng giữa báo chí và độc giả. Các bài báo, phóng sự khi được chia sẻ trên mạng xã hội thường nhận được phản hồi ngay lập tức từ người đọc, từ đó tạo ra một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà báo và công chúng. Điều này không chỉ giúp báo chí nhận được phản hồi nhanh chóng mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu và quan điểm của độc giả.
Trong một hệ sinh thái đa nền tảng, các cơ quan báo chí thường khai thác thế mạnh riêng của mạng xã hội để tạo ra những loại nội dung có sự tham gia của công chúng. Bài viết trên trang báo có thể là một chủ đề gợi mở cho một cuộc tranh luận công khai trên mạng xã hội, hoặc là đề tài để công chúng có thể đóng góp những câu chuyện của cá nhân, làm phong phú thêm nội dung báo chí.
Ở chiều ngược lại, mạng xã hội đã trở thành một nguồn tin tức cho báo chí. Nhiều sự kiện quan trọng và tin tức nóng hổi thường xuất hiện đầu tiên trên các nền tảng mạng xã hội trước khi được các tòa soạn báo chí chính thống đưa tin. Thậm chí, nhiều tờ báo giải trí còn mở hẳn chuyên mục đăng tải các nội dung khai thác từ mạng xã hội. Bên cạnh nghiệp vụ điều tra, phỏng vấn, khai thác thông tin, nhà báo cũng phải luôn cập nhật thông tin từ mạng xã hội để không bỏ lỡ những tin tức quan trọng, hoặc sử dụng nó như dữ liệu cho các sản phẩm báo chí.
Các tòa soạn báo chí có thể tận dụng mạng xã hội để phát triển các hình thức báo chí mới như báo chí đa phương tiện (multimedia journalism), báo chí dữ liệu (data journalism), và báo chí tương tác (interactive journalism). Những hình thức này không chỉ giúp nội dung báo chí trở nên sinh động và hấp dẫn hơn mà còn thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng độc giả hơn.
Tuy vậy, mạng xã hội cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với báo chí. Tốc độ thông tin vô cùng nhanh chóng, cùng với sự bùng nổ của các thể loại báo chí cá nhân – tức là sự tham gia đăng tải tin tức của mỗi cá nhân trên mạng xã hội – là một loại cạnh tranh bất cân xứng đối với báo chí. Việc cạnh tranh với các nguồn tin tức không chính thống và không được kiểm chứng là một thách thức đáng kể. Báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ đưa tin của mạng xã hội, thay vào đó phải lựa chọn giải pháp chậm lại, cung cấp nội dung sâu, có chọn lọc, phân tích đa chiều và mang tính xác tín cao hơn.
Một trong những thách thức lớn nhất mà báo chí phải đối mặt khi sử dụng mạng xã hội là vấn đề tin giả (fake news). Sự lan truyền nhanh chóng của tin giả trên mạng xã hội có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm mất uy tín của báo chí và gây hoang mang trong dư luận. Không những phải tránh cái bẫy tin giả từ các nguồn tin trên mạng xã hội, báo chí còn phải đóng vai trò là kênh kiểm chứng thông tin, điều chỉnh các thông tin không chính xác lan truyền trên mạng xã hội.
Nguyên lý cộng sinh
Sự phát triển cộng sinh giữa báo chí và mạng xã hội là một quá trình phức tạp và đa chiều, mang lại cả thách thức và cơ hội. Mối quan hệ này không chỉ đơn thuần là việc báo chí sử dụng mạng xã hội như một kênh phát hành tin tức, mà còn là sự tương tác liên tục và ảnh hưởng lẫn nhau.
Các tòa soạn báo chí phải nắm bắt các công nghệ mới để tối ưu hóa việc tiếp cận và tương tác với độc giả, nhưng đồng thời cũng phải duy trì các nguyên tắc cơ bản của nghề báo như tính chính xác, trung thực và trách nhiệm. Sự lan truyền nhanh chóng của thông tin trên mạng xã hội đặt ra yêu cầu cao hơn về việc kiểm chứng và xác minh tin tức, nhằm tránh tin giả và thông tin sai lệch.
Chỉ khi cân bằng được giữa việc ứng dụng công nghệ và bảo vệ giá trị cốt lõi của báo chí, các tòa soạn mới có thể phát triển bền vững trong thời đại kỹ thuật số. Điều này không chỉ giúp báo chí giữ vững vai trò của mình mà còn biến mạng xã hội thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, tạo ra một hệ sinh thái truyền thông minh bạch và hiệu quả.
Lê Quốc Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét