Chăm lo giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp
Trong 10 năm trở lại đây, khu công nghiệp được thành lập ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhu cầu cao về lao động khu công nghiệp ở một số tỉnh, thành phố đã dẫn tới gia tăng dân số cơ học, kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân.
Các cơ sở giáo dục mầm non huy động hơn 1,7 triệu trẻ em; trong đó phần đông con công nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân khu công nghiệp gặp khá nhiều khó khăn; giáo viên phải đi sớm, về muộn, thậm chí trông giữ trẻ cả đêm theo ca, kíp làm việc của bố, mẹ.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng hợp thống kê từ các địa phương cho thấy, cả nước có 212 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với 14.204 cơ sở giáo dục mầm non (3.175 trường công lập, 1.991 trường ngoài công lập và 9.038 cơ sở độc lập ngoài công lập).
Từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; trong đó các điều 5, 8, 10 quy định chính sách đặc thù đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động. Nghị định quy định kinh phí hỗ trợ đối tượng thụ hưởng ở cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục gồm: Trẻ em con công nhân được hỗ trợ tối thiểu 160 nghìn đồng/trẻ/tháng; giáo viên được hỗ trợ tối thiểu 800 nghìn đồng/tháng.
Cùng với quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để các địa phương đầu tư phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn, nhất là giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, tập trung đông công nhân.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 30/11/2023, cả nước có 51 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết HĐND hỗ trợ giáo viên, trẻ mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Trong đó, ba tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/giáo viên/ tháng; 48 tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ bằng mức tối thiểu theo quy định là 800 nghìn đồng/giáo viên/tháng.
Mức hỗ trợ nêu trên nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên. Đối với trẻ mầm non, bảy tỉnh có mức hỗ trợ từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/trẻ/tháng; 44 tỉnh có mức hỗ trợ bằng mức tối thiểu là 160 nghìn đồng/trẻ/tháng.
Các chính sách hỗ trợ đối với giáo dục mầm non địa bàn có khu công nghiệp đã giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm chi phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bảo đảm chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, khi triển khai các chính sách đối với giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, việc xác nhận tiêu chuẩn, đối tượng, hồ sơ của cha mẹ trẻ tại các nhà máy, xí nghiệp để trẻ cũng như giáo viên được hưởng hỗ trợ theo quy định còn nhiều vướng mắc.
Vì vậy, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách tới các cấp quản lý, các đối tượng thụ hưởng. Ngành giáo dục phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn địa phương thực hiện chính sách bảo đảm đúng đối tượng và các quy định về thủ tục hồ sơ…
Công đoàn các cấp cần vào cuộc để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc xác nhận nơi làm việc của cha mẹ tại khu công nghiệp, bảo đảm chế độ cho trẻ em và tạo điều kiện để giáo viên mầm non đủ điều kiện được hưởng chính sách. Tổ chức công đoàn trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp cũng cần quan tâm thực hiện chính sách liên quan nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động.
Các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; nghiên cứu tham mưu bổ sung chính sách mở rộng đối tượng trẻ em là con công nhân, giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục công lập được hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho công nhân, nâng cao chất lượng giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét