Chủ nghĩa cá nhân với nhiều biểu hiện khác nhau nhưng đều mang lại những hệ luỵ lớn, tiềm ẩn nguy hại lớn cho quốc gia và dân tộc.
Tiếp nối những thành công của công tác chỉnh đốn đảng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng, kiên trì, kiên quyết quyét sạch chủ nghĩa cá nhân – nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tự diễn biến, tự chuyển hóa… Làm thế nào để đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân?
Theo nhiều chuyên gia, để chống lại chủ nghĩa cá nhân, trước hết, chúng ta phải nhận diện rõ những biểu hiện và diễn biến của chủ nghĩa cá nhân trong hành xử của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong cuộc sống hiện nay, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau rất tinh vi.
Tiến sỹ Chu Đức Tính – nguyên Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch chỉ rõ một số biểu hiện cụ thể và phổ biến của chủ nghĩa cá nhân, đó là: Kiêu căng, suy bì tị nạnh, chăm chăm lợi ích của mình, lợi ích của gia đình mình, của tập thể nhỏ của mình, của cá nhân mình, rồi dẫn đến tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu…
“Đây là giặc nội xâm cần nhận rõ và phải hết sức chống lại, nếu không chống được sẽ liên quan đến sự hư hỏng của cán bộ và sẽ liên quan đến sự tồn vong của Đảng”, TS Chu Đức Tính nêu rõ.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thanh, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các biến thể của virus chủ nghĩa cá nhân nhiều vô kể, với các biểu hiện khác nhau. Đặc biệt trong những năm gần đây, chủ nghĩa cá nhân thể hiện qua sự nể nang, né tránh, xu nịnh, thao túng quyền lực…, từ đó tìm mọi cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ mình và những nhóm người cùng cánh hẩu, chủ nghĩa cá nhân biến con người thành kẻ tham lam không có điểm dừng.
“Chủ nghĩa cá nhân như một tín đồ tôn giáo mù quáng không có điểm dừng trong vun vén lợi ích cá nhân. Chúng ta hình dung khi người ta cần tiền, có một ít tiền có thể thấy đủ. Nhưng người mang nặng chủ nghĩa cá nhân, không bao giờ bằng lòng, nhìn quanh đâu đó vẫn có người hơn mình, thế nên chỉ kết thúc khi hai số không cuối cùng lồng với nhau thành chiếc còng số 8… Những điều đó, người có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa đều biết nhưng vẫn cứ làm”, Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích.
Chủ nghĩa cá nhân với nhiều biểu hiện khác nhau nhưng đều mang lại những hệ luỵ lớn, tiềm ẩn nguy hại lớn cho quốc gia và dân tộc, vì vậy, chúng ta phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ cả về giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên lẫn các chế tài pháp lý, cùng với đó là sự giám sát, kiểm tra từ bên trong lẫn bên ngoài…
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh nêu quan điểm: “Một trong những vấn đề là phải xây dựng cho được phẩm chất chính trị đạo đức của cán bộ. Tôi rất thích câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến công tác kiểm tra, thanh tra, rồi xử lý nghiêm, kiên quyết. Tất cả những việc đó phải làm đồng bộ, nhưng khâu đột phá của đảng ta là đặt công tác chính trị lên hàng đầu”.
Theo bà Hà Thị Mai Hiên, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, chúng ta mở rộng dân chủ, huy động nhân dân tham gia vào công tác xây dựng đảng là rất đúng và trúng. Nhân dân hiểu rất rõ về hành vi, ứng xử, tư cách đạo đức của cán bộ đảng viên, song họ chưa có được hành lang pháp lý để thực hiện giám sát, kiểm tra và phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện tiêu cực của cán bộ. Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị, chúng ta cần có cơ chế phát huy được sức mạnh của nhân dân vào lĩnh vực này.
“Phải sớm có cơ chế để nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng. Đây là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của công tác xây dựng Đảng, cũng như trong việc phòng chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm”, bà Hà Thị Mai Hiên nhấn mạnh.
Đảng đã có các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng và chỉnh đốn, đặc biệt gần đây là quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Nhưng hơn cả, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấy được trách nhiệm của mình, phải thực sự gương mẫu, các tổ chức đảng phải công tâm trong đánh giá cán bộ và điều quan trọng là huy động được sự tham gia tích cực, rộng rãi hơn từ nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế, tiến tới đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân./.
Tiến Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét