25/4/22

NHỮNG ƯU ĐIỂM KHI TÁCH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ THÀNH 02 LUẬT: LUẬT ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT AN NINH, TRẬT TỰ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Qua gần 13 năm triển khai thực hiện, Luật đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, không phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi khách quan phải có những đạo luật thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực.

Luật Giao thông đường bộ quy định 3 lĩnh vực độc lập, khác nhau là TTATGT đường bộ, hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ nên có nhiều vấn đề bất cập, phải sử dụng nhiều văn bản dưới Luật để điều chỉnh, trong đó có quy định liên quan đến hạn chế quyền của con người. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi phải được quy định bằng Luật. Ví dụ nếu xảy ra một vụ tai nạn, lực lượng chức năng phải ngăn đường để giải quyết vụ tai nạn. Đó cũng là hạn chế quyền con người. Nhưng việc xử lý tai nạn giao thông không được quy định trong Luật mà được quy định ở Nghị định, thông tư. Đây cũng là vấn đề cấp thiết phải xây dựng 2 Luật này từ Luật Giao thông đường bộ 2008.

Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo hành bảo trì quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể, nhất là cơ chế thu hút, sử dụng vốn, quản lý đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng…còn rất nhiều vấn đề bất cập. Trong các chế định liên quan đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực TTXH chủ yếu quản lý trạng thái động; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh trạng thái tĩnh. Như vậy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh 2 trạng thái động và tĩnh đan xen, chồng lấn nhau. Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đều phải dùng các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của mình để điều chỉnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Từ đó xuất hiện những vấn đề bất cập, chồng chéo; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Trước thực trạng đó, việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 02 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu các nội dung, tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để có thể giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra, bảo đảm cả hai lĩnh vực quản lý nhà nước được thực hiện hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, thể hiện qua các ưu điểm sau:

Thứ nhất, góp phần hoàn thiện, phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật Việt Nam

Thứ hai, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn giao thông hiện nay, góp phần nâng cao nhận thức, văn hóa khi tham gia giao thông của người dân; tạo ra giải pháp đột phá nhằm kiềm chế, kéo giảm bền vững tai nạn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho xã hội do tai nạn giao thông gây ra.

Thứ ba, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; góp phần nâng cao chất lượng, điều kiện an toàn khi tham gia giao thông.

Thứ tư, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Về ý kiến cho rằng, việc ban hành hai đạo luật tách biệt sẽ chồng lấn chức năng, nhiệm vụ.

Qua nghiên cứu cho thấy, việc ban hành hai đạo luật không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ mà bảo đảm tính thống nhất khi áp dụng sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể:

Về phạm vi điều chỉnh: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh các nhóm vấn đề cơ bản, gồm: (1) Quy tắc giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; (2) Quản lý về an toàn phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; (3) Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; (4) Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; (5) Thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định những vấn đề về trật tự, an toàn giao thông (an toàn động), không quy định những nội dung thuộc về kỹ thuật an toàn giao thông. Dự án luật quy định nhiều vấn đề đang tồn tại ở các văn bản dưới luật để bổ sung vào nội dung trên. Trong khi đó, dự án Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo sẽ điều chỉnh các quy định về: (1) Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; (2) quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; (3) vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; (4) quản lý hoạt động vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Như vậy, phạm vi điều chỉnh như trên của 02 luật không trùng nhau, không chồng lấn. Việc phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về pháp luật tổ chức bộ máy và do Chính phủ quy đinh, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, sự phù hợp và có tính khả thi.

Về đối tượng điều chỉnh: Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người tham gia giao thông, bảo đảm cho việc đi lại của người dân trong trạng thái trật tự và an toàn. Trong khi đó, Luật Đường bộ chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối hạ tầng đường bộ với hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và hàng hải; giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Qua những phân tích trên cho thấy ràng, việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra để xây dựng 02 dự án luật là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Không nên quá lo ngại về việc “chẻ nhỏ” các vấn đề ra khi xây dựng luật, bởi một lần nữa khẳng định hạ tầng giao thông và  đảm bảo trật tự an toàn giao thông là hai lĩnh vực rất rộng, phức tạp. Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về pháp luật của như quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thồng đường bộ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...