28/2/22

PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM: ĐẢNG KHÔNG NÊN LÃNH ĐẠO KINH TẾ

 

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Vậy mà gần đây lại xuất hiện quan điểm cho rằng “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế”.

Phản biện hay phản bội?

Từ lúc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, lợi dụng việc góp ý văn kiện, một số người đã “phản biện” quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nên tập trung lãnh đạo chính trị, không nên lãnh đạo kinh tế”; “Đảng chỉ nên tự khuôn mình trong phạm vi “chính trị”, còn kinh tế là địa hạt của giới kinh doanh”...

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chững lại, một số người lại đổ lỗi cho “Đảng Cộng sản Việt Nam không biết lãnh đạo kinh tế”, họ lại tiếp tục “phản biện” trên các mạng xã hội, trả lời báo chí nước ngoài rằng: “Đảng không nên “lấn sân” của Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế” và “khuyến nghị”: “Trong lĩnh vực kinh tế, đã có Quốc hội ban hành pháp luật và giám sát tối cao, đã có Chính phủ quản lý điều hành, không cần Đảng lãnh đạo”... Đó là những quan điểm sai lầm, lợi dụng phản biện để phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân.

Thực tiễn đã khẳng định kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, quy định và chế ước lẫn nhau. Trên thế giới hiện nay, không có đảng phái chính trị nào không gắn kết với kinh tế. Lênin đã từng chỉ ra rằng, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là kinh tế cô đọng lại.

Phản bác quan điểm “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế”
 Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Kinh tế quyết định chính trị, chính trị phản ánh kinh tế, nhưng chính trị không thụ động trước kinh tế, mà có vai trò tác động trở lại với kinh tế hoặc tích cực, thúc đẩy kinh tế phát triển, nếu là chính trị đúng đắn, sáng suốt; hoặc tiêu cực, kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội, nếu là chính trị sai lầm.  

Các đảng lớn của các nước tư bản phát triển đều đưa ra đường lối chính trị, dẫn dắt sự phát triển xã hội theo lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn. Trong đường lối chính trị đó đều có đường lối phát triển kinh tế.

Thực tiễn tại Việt Nam trong thế kỷ qua cho thấy, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Cũng có lúc Đảng ta có sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo kinh tế, nhưng trong suốt 92 năm qua, chưa bao giờ Đảng ta xem nhẹ, buông lỏng vấn đề lãnh đạo kinh tế.

Nhờ chú trọng lãnh đạo kinh tế, bảo đảm sự đúng đắn và nhất quán về quan điểm chính trị trong lãnh đạo kinh tế mà Đảng ta đã nhanh chóng sửa chữa được khuyết điểm, giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế quan trọng, nhất là hơn 35 năm qua thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. 

Khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường

Để “chứng minh” rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lãnh đạo kinh tế”, một số người xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta, họ cho rằng “không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”; “KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn”...

Có lẽ những người nói trên đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất của cơ chế thị trường và những khuyết tật của KTTT. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung-cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của KTTT.

Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản (CNTB), được CNTB nắm lấy, sử dụng để phát triển thành KTTT tư bản chủ nghĩa. Trải qua thời gian, KTTT tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, KTTT tư bản chủ nghĩa là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước.

Sự điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nảy sinh ra nhiều khuyết tật của cơ chế thị trường, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước.

Ngày nay, nền KTTT hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết của thị trường là cơ sở, nền tảng và điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng điều tiết của thị trường (công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).

Thực tế cho thấy, KTTT có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới không phải hoàn toàn giống nhau, mà có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và nội dung, định hướng can thiệp của nhà nước.

Có mô hình KTTT tự do ở những nước mức độ can thiệp của nhà nước vào kinh tế thấp; nhà nước chỉ bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, tự do kinh doanh, bảo đảm trật tự, ổn định xã hội, còn để phạm vi điều tiết của thị trường lớn, điều tiết mọi hoạt động kinh tế.

Có mô hình KTTT xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để tạo cơ hội như nhau cho mọi người tham gia phát triển và hưởng thành quả phát triển, chống lại độc quyền, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội (như ở Đức).

Có mô hình KTTT phúc lợi xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết thu nhập, phát triển các dịch vụ xã hội công, bảo đảm phúc lợi cho người dân, đặc biệt là những người cần được trợ giúp là trẻ em, người già, người thất nghiệp... (như ở các nước Bắc Âu). Có mô hình KTTT nhà nước phát triển, nhà nước không chỉ tạo thể chế, môi trường cho các chủ thể kinh tế hoạt động, mà còn có chiến lược, chính sách và sử dụng các nguồn lực kinh tế của nhà nước để định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế (như ở Nhật Bản, Hàn Quốc)...

Phát triển KTTT định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm hạn chế những khuyết tật của KTTT. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo đảm bởi vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thể hiện ở hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế; thể hiện ở quan hệ phân phối để mọi người đều được hưởng thành quả phát triển đất nước.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là mô hình KTTT định hướng XHCN. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được hiến định trong Hiến pháp, văn bản pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp cũng hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Trong đó có lĩnh vực kinh tế. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không làm thay các cơ quan Nhà nước. Đảng lãnh đạo kinh tế bằng cách tạo ra bảo đảm chính trị cho hoạt động kinh tế, xác định phương hướng chính trị cho hoạt động kinh tế đúng đắn và lành mạnh .

Chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân là định hướng mục tiêu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng chủ trương “phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm”. Lãnh đạo kinh tế của Đảng đã trở thành mắt xích chủ yếu, quan trọng, thiết thực và quyết định nhất trong toàn bộ đường lối lãnh đạo, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã vượt qua bao gian nan, thử thách, được cả thế giới ngưỡng mộ, đặc biệt là trong thời kỳ phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Ngân hàng Standard Chartered mới đây đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 6,7%, tăng trưởng năm 2023 là 7% và Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.

Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Fitch Ratings là một trong những tổ chức có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Việt Nam với dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% trong năm nay và 6,5% vào năm 2023.

Báo chí quốc tế trong thời gian gần đây đã có nhiều bài đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam nhờ chính sách ứng phó linh hoạt với Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh tế đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Chuyên trang tư vấn đầu tư ở châu Á Vietnam Briefing của công ty Dezan Shira nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới mà Việt Nam tham gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi Việt Nam mở cửa biên giới, tăng tốc phục hồi.

Các FTA không chỉ giúp phát triển kinh tế, mạng lưới sản xuất, mà còn góp phần nâng cao các tiêu chuẩn lao động. Tờ Reuters cũng có bài viết khẳng định: Nhờ các chính sách linh hoạt của Chính phủ Việt Nam, các hoạt động kinh doanh đã được khôi phục, đặc biệt là từ quý IV năm trước, nhờ đó, ngành dệt may Việt Nam đã hạn chế đáng kể sự gián đoạn chuỗi cung ứng, kỳ vọng tăng mạnh xuất khẩu trong năm nay.

Thực tiễn đã trả lời rõ ràng cho câu hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam có nên lãnh đạo kinh tế hay không. Thực tiễn cũng đã khẳng định những luận điệu tuyên truyền “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế" là xuyên tạc, kích động. Chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ quan điểm sai trái này.

ĐỖ PHÚ THỌ - BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

GIỮ ''PHƯƠNG DIỆN QUỐC GIA''

 

“Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào...”. Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, đã lẩy Kiều để nhắc nhở cán bộ phải tỉnh táo, giữ mình trong sạch.

Cách nói tu từ, dân dã, có ý nghĩa sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta được nhiều người trong giới chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý... học tập, vận dụng để tự răn mình, góp phần nâng cao công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái..., thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Lợi dụng tiêu cực của cán bộ để xuyên tạc hình ảnh quốc gia

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đời sống kinh tế-xã hội của cả nước đã có sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chiến lược thích ứng an toàn với dịch Covid-19 mang lại khí thế, diện mạo mới cho môi trường sản xuất, kinh doanh, tái hoạt động các đường bay quốc tế, từng bước đón du khách từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương, vùng kinh tế trọng điểm đã tăng tốc ngay từ đầu năm mới. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2022 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17-2 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 có sự phục hồi tích cực. Dù xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2022 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiến  triển tích cực.

Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1-2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, việc chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã trở thành phong trào thiện nguyện, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào yêu nước. Những thành tích, dấu ấn tích cực ấy đã thể hiện rõ nét tính ưu việt của văn hóa Việt Nam, bản chất nhân văn xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa Đảng với dân.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế-xã hội đất nước đầu năm 2022 vẫn có những mảng tối, tiêu cực. Và đây chính là cái cớ để các phần tử cực đoan chính trị, có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác, khoét sâu, tăng cấp độ, quy mô, tính chất xuyên tạc, chống phá.

Giữ "phương diện quốc gia"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021. Ảnh: TTXVN

Vụ việc tiêu cực từ Công ty Việt Á, vụ việc nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), việc kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị... đã bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, bôi đen, nhằm ý đồ lèo lái dư luận, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Trên một số trang mạng xã hội như “Việt Tân”, “RFA Tiếng Việt”, “Tiếng dân”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Diễn đàn dân chủ”... và tài khoản của một số đối tượng cực đoan, có tư tưởng thù địch, xuất hiện nhiều bài viết, clip có nội dung xuyên tạc.

Chúng bám vào những vụ việc tiêu cực đó để chỉ trích Chính phủ và hệ thống chính trị, quy kết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh quốc gia, vị thế dân tộc, kêu gọi các nhà đầu tư và du khách quốc tế tẩy chay Việt Nam. Với chiêu bài lấy hiện tượng quy kết bản chất, lấy cái cá thể chụp mũ tổng thể, các thế lực thù địch và đối tượng phản động cho rằng, “Việt Nam là đất nước của tham nhũng, tiêu cực”, rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng vì Việt Nam chỉ do một đảng lãnh đạo, một đảng thì không thể có dân chủ, không thể chống được tham nhũng”...

Trước những luận điệu xuyên tạc ấy, công chúng yêu nước dễ dàng nhận ra bản chất, bộ mặt của những đối tượng, tổ chức mang tư tưởng thù địch với đất nước. Mấy tháng trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng đã kích động, rêu rao rằng “công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã thất bại”, “Việt Nam chống dịch kém nhất thế giới”...

Đến khi chúng ta khống chế dịch thành công, chuyển sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, thì chúng lại chuyển sang bám vào những vụ việc tiêu cực, những mảng tối của “hậu Covid-19” để xuyên tạc, kích động chống phá. Không ít đối tượng nhân danh hoạt động “phản biện”, “góp ý”, “đấu tranh”... ra sức bôi đen hình ảnh đất nước, hạ thấp uy tín quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Mục đích của chúng là hòng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên méo mó, lệch lạc trong mắt kiều bào và bạn bè quốc tế, phá hoại công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước.  

Bổn phận công bộc trong giữ gìn "phương diện quốc gia"

Từ điển tiếng Việt giải thích “phương diện quốc gia” từ ý thơ của cụ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” là: “Vị quan đảm đương công việc một vùng đất nước”. Trong thời đại ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đều có một phần “phương diện quốc gia” trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, mọi việc làm, hành vi ứng xử của cán bộ, nhất là trong môi trường có yếu tố nước ngoài, đều có ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh đất nước, vị thế quốc gia, dân tộc. Cán bộ giữ cương vị càng cao, sự ảnh hưởng càng lớn. Cán bộ tốt thì dân được nhờ, đất nước được tiếng thơm. Cán bộ tiêu cực, không biết giữ mình thì đất nước mang tiếng xấu. Sự lợi dụng của các thế lực thù địch, phần tử phản động nhằm mưu đồ chống phá Đảng, chống phá đất nước cũng từ những hành vi tiêu cực đó mà ra.

Chính vì vậy, để giữ “phương diện quốc gia”, mỗi cán bộ, đảng viên phải có sự thống nhất cao về mặt nhận thức, có thái độ đấu tranh kiên quyết, bài trừ những thông tin tiêu cực về tình hình đất nước trên không gian mạng, nêu gương và dẫn dắt quần chúng. Cần nhận thức một cách thấu đáo và khách quan, việc đấu tranh phát hiện, xử lý những vụ việc tiêu cực vừa qua là sự thể hiện thái độ kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm của Đảng, Nhà nước ta đối với tham nhũng, tiêu cực.

Việc các cơ quan chức năng điều tra, khám phá thành công những vụ án, vụ việc tiêu cực trong nội bộ, chính là kết quả, thành công của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lấy những vụ việc, biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, quy chụp, lên án cả hệ thống chính trị, bôi nhọ đất nước... là thủ đoạn võ đoán, quy chụp, thể hiện rõ ý đồ thù địch.

Để giữ “phương diện quốc gia”, bên cạnh tập trung các giải pháp đấu tranh phản bác, phủ nhận, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, cần đặc biệt coi trọng việc củng cố trận địa từ bên trong. Đó chính là ý thức trách nhiệm, bổn phận của đội ngũ công bộc trước lợi ích quốc gia, dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...”.

Như vậy, văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ... chính là những nhân tố cốt lõi để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là công bộc của dân, là đại diện cho vị thế quốc gia. Trong có ấm thì ngoài mới êm. Nếu mỗi công bộc của dân có ý thức, bổn phận giữ “phương diện quốc gia” đúng mực thì chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong bộ máy công quyền, các thế lực thù địch khó tìm cớ để chống phá Đảng, chống phá đất nước. Đó cũng là phương châm lấy xây để chống trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ phải gắn liền với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp. Đó chính là phương châm của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế, nhất là cán bộ, doanh nhân trong các ngành liên quan đến ngoại giao, du lịch, thương mại... Trong từng môi trường, hoàn cảnh có yếu tố quốc tế, chính họ là cầu nối, là “sứ giả” của văn hóa dân tộc, thể hiện phong cách, thái độ, trình độ văn hóa, văn minh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè. Hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cũng đến từ những ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam thông qua những hình ảnh thân thiện ấy.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Quan điểm của Đại hội XIII của Đảng và thông điệp từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 phải được thể hiện, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống xã hội. Chúng ta xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân-thiện-mỹ của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Đó là cách thiết thực để giữ “phương diện quốc gia” trong ý thức, hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, để khi “quan trên trông xuống người ta trông vào” không hổ thẹn với lương tâm.

XUNG ĐỘT NGA - UKRAINA VÀ ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

 Mấy ngày qua, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina đã nổ ra. Đây là hệ quả của một loạt những căng thẳng xung quanh mối quan hệ giữa hai nước. Vậy tại sao quan hệ giữa Nga và Ukraina lại đi đến con đường xung đột vũ trang như hiện nay. Chúng ta cùng đi tìm hiểu:

Chính phủ Ukraine tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô vào tháng 8.1991. Khi đó, Ukraine là nơi tập trung sức mạnh nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng và quân sự của Liên Xô, cũng là nước đông dân thứ 2 trong liên bang, sau Nga. Vì vậy, việc nước này tuyên bố độc lập có tác động rất lớn, dẫn đến việc Liên Xô giải thể.

Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga khi xét tới vị trí của nước này, vốn được coi là bức tường thành giữa Nga và các nước Đông Âu, cũng như có tầm quan trọng mang tính lịch sử và biểu tượng. Ukraine thường được ví như "viên đá quý" trên chiếc "vương miện" của Liên Xô. Tổng thống Putin từng nhận định Ukraine có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga, đồng thời miêu tả người dân Nga và người dân Ukraine là "một dân tộc".


Dù vậy, dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine lại hướng về phương Tây để nhận được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Ukraine cũng nhiều lần thể hiện mong muốn gia nhập EU và NATO. Ukraine là vị trí cuối cùng của NATO khi tiến về hướng Đông giáp Nga. Bởi vậy, Ukraine được coi như là khu cấm địa của Nga và là nơi “tranh chấp bóng” quyết liệt nhất của Mỹ, phương Tây và Nga.

Như chúng ta đã biết, Tổ chức hiệp ước Bắc đại tây dương - NATO là tổ chức quân sự được phương Tây lập ra do Mỹ đứng đầu nhằm đối phó với phe Xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh lạnh. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, tổ chức này không ngừng mở rộng việc kết nạp các thành viên mới về phía Đông, hướng tới các quốc gia thuộc Liên xô cũ. Mục đích của hoạt động này rất rõ ràng đó là tạo sự kiềm tỏa về quân sự đối với Liên Bang Nga, đất nước kế thừa địa vị của Liên Xô trên trường quốc tế. Nếu Ukraina gia nhập, NATO sẽ áp sát biên giới Nga và hoàn thành mục tiêu tạo sự răn đe quân sự với Nga. Và sự việc vừa qua, Ukraina có mong muốn gia nhập NATO như là giọt nước tràn ly trong mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraina. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xung đột vũ trang giữa hai nước như hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, xoay quanh vấn đề Ukraina hiện nay là việc cạnh tranh lợi ích, ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây đứng đầu là Mỹ. Đây là vấn đề không thể tránh khỏi xuất phát từ vị trí địa chính trị và lịch sử để lại đối với Ukraina. Nếu như Ukraina lựa chọn một cách tiếp cận phù hợp hơn, hài hòa lợi ích giữa Nga và phương Tây thay vì đứng hẳn về một bên như hiện nay sẽ giúp nước này hạn chế được những mất mát, thiệt thòi về lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Bởi nếu ngả về phương Tây và Mỹ, Ukraina có thể có được lợi ích kinh tế, nhưng sẽ phải đối đầu quân sự trực diện với Nga. Và nước Nga dưới thời Putin sẽ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để củng cố nền quốc phòng và an ninh Nga. Một đất nước có 1/4 dân số người Nga, lại phân bố tập trung vào vùng Donbass và Crimea mà ở đó có căn cứ quân sự của Nga; một đất nước mà hoàn toàn phụ thuộc Nga về năng lượng, khí đốt…mà lại ngả về phía phương Tây và Mỹ để chống lại Nga. Đường lối ngoại giao đó đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và Ukraina đi vào ngõ cụt và đi tới chiến tranh.

Nhìn từ Ukraina mới cho chúng ta thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước trong hài hòa các mối quan hệ ngoại giao, đặc biệt là với Trung Quốc và Mỹ. Với chủ trương "thêm bạn, bớt thù", Đảng đã phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; nắm vững hai mặt đối tác- đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, "dĩ bất biến, ứng vạn biến"...

Với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký./.

KHI LỢI ÍCH QUỐC GIA BỊ XÂM PHẠM

 Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ucraina đang thu hút sự quan tâm của nhân dân thế giới và lo lắng cho nhân dân các quốc gia được được bình an. Có thể thấy rằng, sự việc hiện nay là kết quả của cả quá trình, xung đột kéo dài.

        Trước đó, vào tháng 12/2021, Nga gửi cho Mỹ và NATO một danh sách yêu cầu Mỹ và NATO ngừng mở rộng về phía đông, chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ucraina và cấm triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu đe doạ đến an ninh của Nga. Moskva đã đe dọa sử dụng vũ lực quân sự nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng. Đây là điều Nga đặc biệt quan ngại khi Ucraina gia nhập NATO và chủ nghĩa bành trướng của NATO đã sát sườn nước Nga có thể gây ra chiến tranh bất cứ lúc nào.

        Tâm lý bài Nga và chống Nga của các thế lực cực hữu, phát xít Ukraina những năm gần đây kể từ khi chính phủ thân Nga bị lật đổ tạo ra mối đe dọa không những đối với Nga mà cả các nước láng giềng thân Nga.


        Chính Mỹ và NATO đã làm cho mọi điều trở nên tồi tệ hơn khi kết nạp thêm 7 quốc gia mới vào năm 2004, hứa hẹn đưa Ukraina và Gruzia trở thành thành viên, khuyến khích Gruzia tấn công Nam Ossetia vào tháng 8/2008 chỉ sau 10 tháng Putin phát biểu tại hội nghị Munich mong muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông nhưng đáp lại trong 25 năm qua NATO đã tăng gấp đôi số lượng thành viên của mình, tất cả đều ở phương Đông, sát nách Nga để bao vây, cô lập Nga.

        Lịch sử đã chỉ ra bất cứ cuộc chiến tranh khu vực nào cũng có bàn tay của Mỹ, bất cứ chính phủ nào không thân Mỹ cũng bị Mỹ tìm cách lật đổ. Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991; sự chia cắt Nam Tư năm 1992, vụ ném bom trái phép vào Serbia năm 1999 và sự ly khai của Kosovo; cuộc xâm lược Afghanistan năm 2001; sự tàn phá Libya vụ ám sát Gaddafi năm 2011; phá hủy Syria lật đổ tổng thống của nước này từ năm 2011 đến năm 2019; cuộc chiến ở Yemen kể từ năm 2015.

        Cuộc chiến giữa Nga - Ukraina là hậu quả tất yếu không có gì ngạc nhiên. Chính Mỹ đã hậu thuẫn, giật dây, tiếp tay cho cuộc đảo chính tháng 2/2014 để lật đổ Tổng thống Ucraina được bầu một cách dân chủ - Viktor Yanukovych muốn cân bằng “mối quan hệ” giữa Ucraina với Nga và châu Âu, thành lập một chính phủ thân phương Tây, tìm mọi cách gây hấn, cô lập và đẩy Nga vô bước đường cùng; chính Mỹ và NATO đã lật lọng không giữ đúng lời cam kết “nổi tiếng” với Nga của Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker ngày 12/2/2017 tại Washington DC rằng: “NATO sẽ không tiến thêm một inch nào về phía đông".

        Khi lợi ích và an ninh của bất cứ quốc gia nào bị xâm phạm thì mọi sự đáp trả là cần thiết và chính đáng./.

XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE VÀ GIÁ TRỊ CỦA HOÀ BÌNH

 Ngày 24/02/2022, Nga đã tiến hành các hoạt động quân sự - với danh nghĩa gìn giữ hoà bình trên lãnh thổ của hai nước Cộng hoà mới được khai sinh cách đó không lâu: Donetsk và Lugansk, nơi mà chỉ mới tháng trước thôi vẫn là lãnh thổ của Ukraine. Thật chóng vánh.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine vốn đã tồn tại từ lâu, song có thể nói từ sau khi Crimea ly khai khỏi Ukraine và ngay lập tức sáp nhập vào Nga, đã xuất hiện những lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng, dẫn đến xung đột, và ngày hôm nay nó đã xảy ra thật. Về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chỉ có hai bên tham chiến hiểu rõ nhất, nhưng từ chính cuộc chiến đang diễn ra này cho chúng ta thấy nhiều giá trị mà khi mất đi rồi mới thấy thực sự quý giá, đó chính là đường lối đối ngoại.


Ukraine là một nước nhỏ nằm cạnh lãnh thổ rộng lớn của Liên bang Nga - là một cường quốc về mọi mặt: Chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự. Giữa hai quốc gia này có không ít những nét tương đồng, trong đó có lĩnh vực văn hoá, chế độ chính trị. Tuy nhiên, Ukraine thể hiện một sắc thái hoàn toàn khác, lãnh đạo nước này sớm bộc lộ quan điểm thân phương Tây, muốn dựa vào các nước EU và Mỹ cùng các tổ chức chính trị, kinh tế, quân sự đối trọng với cường quốc Nga. Từ đó đã nảy sinh nhiều va chạm, xung khắc giữa hai quốc gia, mà kết quả tồi tệ nhất của nó chính là cuộc chiến chúng ta thấy ngày hôm nay.

Việc lãnh thổ một nước nằm cạnh quốc gia nào đó cũng giống như chúng ta không lựa chọn được bố mẹ, mà chỉ lựa chọn được cách sống, quyết định việc làm nên giá trị một con người. Những căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói là do đường lối đối ngoại của Ukraine. Nước này đã quá tự tin vào sức mạnh của mình, cũng như sự hậu thuẫn của các nước phương Tây cùng các liên minh quân sự đang tham gia, tiêu biểu là NATO. Để giờ đây, khi mọi nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, muốn “làm lành” từ phía Ukraine đã trở thành quá muộn. Và cũng đáng suy ngẫm, khi không có một lực lượng nào từ phía NATO, Mỹ hay EU tuyên bố đem quân giúp đỡ Ukraine. Và Ukraine dường như là một phép thử trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc khác. Một bài học quá đắt giá cho ban lãnh đạo Ukraine. Và hậu quả là những người dân Ukraine đành cầu nguyện cho sự bình an trong khi tên lửa, pháo vẫn bay đỏ bầu trời Ukraine.

Nhìn lại đất nước chúng ta, đã trải qua các cuộc chiến tranh gìn giữ độc lập, tự do trong suốt chiều dài lịch sử, toàn thể người dân Việt Nam rất thấu hiểu giá trị của hoà bình. Dù cũng ở cạnh nước lớn, song có thể khẳng định, đường lối đối nội, đối ngoại độc lập, tự chủ, không tham gia liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, vừa giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho nhân dân, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Và cuối cùng, xung đột quân sự - dù trên phương diện nào đều gây mất mát, đau thương. Do vậy, hãy trân trọng và bảo vệ nền hoà bình chúng ta đang có. Mọi hành động kích động bạo lực, chiến tranh đều gắn liền với tội ác./.

VÌ SAO GIỚI DÂN CHỬI IM LẶNG KHI MỸ BỎ RƠI UKRAINA

 Trong lúc Ukraina một mình đối đầu với cuộc tấn công từ Nga, phương Tây đang làm gì? Ngày 26/02/2022, fanpage của đảng Việt Tân đã đăng một bài về vấn đề đó. Họ cho biết Putin “đang phải trả một cái giá rất đắt trên thương trường và thao trường”. Cái giá này là việc Nga bị hủy đăng cai một loạt sự kiện thể thao trong các môn bóng đá, bóng chuyền, đua xe trượt tuyết. Bài viết này được hơn 700 Like. 700 nhà dân chửi đang trầm trồ, làm như một thiệt hại trong môn bóng chuyền có thể ngăn cản một cuộc xâm lược!


Nhưng hóa ra đây là chuyện bình thường, vì lâu nay, các nhà dân chửi có thể trầm trồ trước bất cứ động thái nào của phương Tây, dù nó vô lý đến đâu đi nữa. Và họ không bao giờ công kích hay chất vấn phương Tây. Chẳng hạn, họ không mảy may nhận ra rằng tất cả những động thái trên chỉ cho thấy phương Tây đang bỏ rơi Ukraina, thay vì nhiệt tình giúp đỡ.

Để thấy điều này, hãy so sánh phát ngôn và hành động của họ. Hôm 27/01, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định rằng “Mỹ sẵn sàng cùng các đồng minh và đối tác của mình phản ứng một cách dứt khoát nếu Nga có các động thái quân sự đối với Ukraina", đồng thời "nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina". Vậy mà lời nói gió bay, hôm 24/02, ông Biden nhấn mạnh với đài CNN rằng Mỹ sẽ không gửi lực lượng quân đội của mình đến Ukraine để đối đầu trực tiếp với quân Nga. Đến nay, Mỹ mới chỉ viện trợ tiền mua vũ khí cho Ukraina, và cho quân đến đóng ở Đức.

Màn hứa hươu hứa vượn của Tổng thống Mỹ đã bị chính người Mỹ phê phán suốt mấy hôm nay. Trong khi đó, giới dân chửi người Việt hoàn toàn im lặng về việc này, và chỉ tìm cách nói đỡ cho Mỹ. Không chỉ vì họ tôn thờ Mỹ, mà còn vì họ sợ há miệng mắc quai. Nếu không nói đỡ cho Mỹ, họ sẽ để lộ ra rằng chẳng đồng minh nào có thể dựa vào Mỹ khi bị xâm lược, và như vậy, ý tưởng “dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc” của họ là ngây thơ ngốc nghếch.

THỦ ĐOẠN ĐÁNH LẬN BẢN CHẤT VỤ VIỆT Á ĐỂ CHỐNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

 Trong khi vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đang được các cơ quan chức năng tích cực mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại triệt để khai thác, lợi dụng vụ án để xuyên tạc, công kích chống phá Đảng, Nhà nước.

Một số trang mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn như Việt Tân, RFA, VOA… lợi dụng vụ việc này tung ra những luận điệu bôi xấu chế độ, xuyên tạc bản chất vụ việc. Nhiều bài viết vu cáo Việt Nam chống tham nhũng bằng cách hô hào khẩu hiệu, hướng lái dư luận, đổ lỗi việc để xảy ra những vụ án như vậy là do chế độ, lỗi do Đảng, Nhà nước.

RFA viết rằng: “Vụ Việt Á, mọi việc trở nên tồi tệ”, rồi rêu rao, hạ thấp vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn phỏng vấn, phát tán các video, hình ảnh, bài viết với nội dung sai trái, cực đoan của những đối tượng gắn mác “chuyên gia”, “học giả”, những cá nhân tự cho mình là những “nhà phản biện” để ra sức bóp méo, đả phá xung quanh vụ việc trên. Tung ra nhiều bài viết cho rằng “Ban Chỉ đạo vào cuộc chỉ để giải quyết hậu quả”; đưa ra luận điệu quy kết vấn nạn tham nhũng “thủng từ gốc”. Từ vụ việc tại Việt Á, các đối tượng xâu chuỗi những vụ án tham nhũng lớn gần đây rồi quy kết, công cuộc chống tham nhũng “chỉ trên khẩu hiệu”, không đạt kết quả đáng kể nào do “chế độ độc đảng”!

Với những thông tin mà các hội, nhóm, cá nhân trên đưa ra cho thấy sự suy diễn, thổi phồng, nhiều bài viết bịa đặt, xuyên tạc tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Về vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, qua các chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại được nhào nặn, chế biến thành công cụ, phương tiện rất nguy hại nhằm đánh lận hiện tượng để quy kết bản chất. Các đối tượng nhào nặn vụ án rồi suy diễn thành “lỗi hệ thống”, bóp méo chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

Từ vụ việc, mục đích các đối tượng tung ra thông tin sai lệch nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.

Chúng ta thấy rằng, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt quốc gia đó theo chế độ chính trị nào, dù cho đó là nước nghèo hay giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển hay kém phát triển; không phân biệt do một đảng hay do đa đảng lãnh đạo. Do vậy, không thể lấy vụ án tham nhũng tại Công ty Việt Á cũng như các vụ án tham nhũng, tiêu cực khác để gán ghép, suy diễn là do “độc đảng” như cái cách mà các thế lực thù địch đang tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm, cố tình quy kết tình trạng tham nhũng, tiêu cực là do chế độ.

Thực tế, quan điểm trong phòng, chống tham nhũng của Đảng ta được thể hiện rất rõ trong các văn kiện của Đảng, trong đó Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Để phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng, suy thoái, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, đi cùng với đó là sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp gắn với việc điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, tạo sức răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Ngày 20/1/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 21 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo. Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng, không nghỉ, không vì chống dịch mà chùng xuống, không xử lý. Đối với vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Để xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện được Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Hiện, các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời rà soát, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực. Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an chủ trì, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử.

Như vậy, từ khi vụ việc tại Công ty Việt Á được phát giác đến nay, các cơ quan chức năng đã khẩn trương đẩy nhanh tốc độ, mở rộng điều tra vụ án; ban đầu điều tra các đối tượng của một địa phương, sau đó mở rộng sang các đối tượng của địa phương khác. Điều đó thể hiện những nỗ lực, quyết tâm cao, hành động xuyên suốt, nhất quán. Thực tế trong công cuộc phòng, chống tham nhũng những năm qua theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đã chứng minh, pháp luật Việt Nam nghiêm minh “không thiên tư, thiên vị”, các cá nhân, tổ chức sai phạm đều được làm rõ để xử lý nghiêm. Thời gian qua, đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi tham nhũng chính sách, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID -19 để trục lợi đều bị xử lý nghiêm minh, không có việc Đảng, Nhà nước “tránh trách nhiệm” như những gì mà các thế lực thù địch rêu rao, vu cáo.

Qua vụ Việt Á cho thấy, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vụ án cũng chứng minh chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước ta được thực thi trên thực tế chứ không phải “khẩu hiệu suông, mị dân” như luận điệu kẻ xấu. Chúng ta đã thấy rõ những tác hại của vấn nạn tham nhũng gây ra, thấy rõ sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết tâm cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, với tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh chống “đạn bọc đường” và âm mưu của kẻ địch lợi dụng cuộc đấu  tranh đó để chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi mỗi người phải luôn nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không để bị lôi kéo, kích động, biến thành những con rối.

CẦN NHÌN NHẬN KHÁCH QUAN TRONG ĐÁNH GIÁ CỦA CƠ QUAN NGOẠI GIAO NƯỚC NGOÀI

 Ngày 18/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng tự do báo chí cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam là Phạm Thị Đoan Trang, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin.

Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, được triển khai thực hiện trong thực tế và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Phạm Thị Đoan Trang bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạm pháp luật nhiều lần, nghiêm trọng, liên hệ với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, xuất bản các ấn phẩm trái phép có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, kích động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. “Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam” - bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Liên quan việc Phạm Thị Đoan Trang bị xét xử theo pháp luật Việt Nam, hôm 14/12/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng ra “tuyên bố báo chí”, lên án và kêu gọi trả tự do cho Phạm Thị Đoan Trang. Trong tuyên bố còn cho rằng, hành vi phạm pháp của Trang thể hiện “nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam”.  Trong khi đó, một số tổ chức lấy mác “quốc tế” cũng đưa ra các “giải thưởng nhân quyền” và nhắm vào Phạm Thị Đoan Trang để tô vẽ hình tượng, trao giải.

Ngày 19/1/2022, tại Genève, Thụy Sĩ, giải thưởng nhân quyền có tên Martin Ennals cũng ra thông cáo “xướng tên nhà báo Phạm Thị Đoan Trang - nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Việt Nam, vừa bị kết án 9 năm tù hồi tháng 12/2021”! Trong thông cáo báo chí, tổ chức này mô tả: “Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ hơn 10 năm nay trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng nhấn mạnh các sáng kiến của cô, bao gồm việc lập ra trang mạng thông tin nhân quyền và luật pháp Luật Khoa tạp chí, Nhà xuất bản Tự Do”.

Thực chất, dù tổ chức trao giải khác nhau nhưng đều có mẫu số chung khi cùng copy từ một khuôn mẫu như những gì mà Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hay Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ) đưa ra. Trước đó, các tổ chức này đưa ra các thông cáo báo chí vu cáo Việt Nam là một trong những nước giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới. Thông cáo của CPJ cho rằng, Việt Nam vi phạm tự do báo chí nghiêm trọng và nêu yêu sách đòi Việt Nam phải “trả tự do cho các nhà báo”! Những cái tên được CPJ xướng lên làm “ví dụ điển hình” cho các nhà báo bị giam giữ như Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất… Thực ra đây là luận điệu tái lặp của CPJ, RSF… khi có những quy kết không đúng về tình hình nhân quyền của Việt Nam nói chung cũng như tự do báo chí nói riêng. Như thông cáo trên, chỉ cần nhìn vào những cái tên trên đủ để thấy rằng CPJ xuyên tạc, bóp méo vấn đề quyền con người ở Việt Nam như thế nào. Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… dù trước đây từng có giai đoạn hoạt động tại một số cơ quan báo chí, song do vi phạm pháp luật, họ đã bị kỷ luật, thay đổi công việc, ở thời điểm bắt giữ thì họ không còn là những nhà báo hay phóngviên như CPJ công bố. Trái lại, đó đều là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị bắt giữ và xét xử theo các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Trở lại việc Bộ Ngoại giao Canada và Vương quốc Anh ngày 10/2 đã trao “Giải thưởng Tự do Báo chí Canada - Vương quốc Anh năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang, lý do mà cơ quan này đưa ra là “để ghi nhận những đóng góp của bà cho việc thúc đẩy tự do báo chí tại Việt Nam”. Trong thông cáo báo chí, nêu: “Giải thưởng Tự do Báo chí của Canada - Vương quốc Anh ghi nhận công việc của những người đã bảo vệ các nhà báo hoặc đi đầu trong tự do báo chí ở cấp địa phương, tôn vinh các tổ chức, chiến dịch và cá nhân ít được biết đến trong cuộc đấu tranh với việc không trừng phạt những hành vi chống lại nhà báo. Ra mắt năm 2020, giải thưởng ghi nhận những người thúc đẩy tự do báo chí, bất kể trực tiếp hay gián tiếp. Bà Trang được biết đến với những cuốn sách về dân chủ và những bài viết về xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Là người thúc đẩy sự tiến bộ về quyền con người và tinh thần thượng tôn pháp luật, bà Trang viết về các vấn đề môi trường quan trọng. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã trao Giải Tự do báo chí cho bà Trang năm 2019 để ghi nhận công lao này…”.

Dẫn lại đoạn thông cáo trên thì thấy rằng, lời lẽ cũng giống như những gì mà RSF, CPJ hay HRW - những tổ chức thù địch chống phá Việt Nam đưa ra. Trong đó, chính thông cáo này còn dẫn lại ý của RSF về việc đã trao Giải Tự do báo chí cho Phạm Thị Đoan Trang năm 2019. “Ăn theo” vấn đề này, những cá nhân thuộc các tổ chức trên cũng đưa ra các lời lẽ, ý kiến nhằm cổ xuý việc trao giải thưởng nhân quyền cho Phạm Thị Đoan Trang, đối lập với việc tung hô “nữ ký giả” là sự chỉ trích, miệt thị Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trên trang mạng xã hội của Việt Tân cũng không quên đưa ra “lời chúc mừng nhà báo Phạm Thị Đoan Trang”!

Như vậy, chúng ta thấy dù giải thưởng và thông cáo báo chí được đưa ra với danh nghĩa của cơ quan Nhà nước là Bộ Ngoại giao nhưng nội dung trong nhìn nhận, đánh giá cũng sai lệch, tương tự với sự “tôn vinh giải thưởng” và thông cáo báo chí mà các tổ chức như RSF, CPJ hay HRW đưa ra. Dễ nhận thấy, sự đánh giá về hành vi của Phạm Thị Đoan Trang với danh nghĩa nhà báo với vấn đề nhân quyền, sự chỉ trích phiên toà hay “nền dân chủ” trong các thông cáo này dường như vẫn là các bản copy của nhau. Đây là điều không nên. Bởi lẽ, những tổ chức như RSF, CPJ hay HRW đã được nhận diện rõ về động cơ, mục đích thù địch, chống phá Việt Nam, thường xuyên lấy các vụ việc phạm pháp ở Việt Nam để chụp mũ dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, làm nguyên cớ để kích động chống phá. Dư luận không lạ gì những thủ đoạn đánh lận, nguỵ biện mà các tổ chức này đưa ra, ngay việc sử dụng các giải thưởng lấy tên nhân quyền cũng chỉ là cái cớ để thu hút và đánh lừa dư luận. Thế nhưng, với cơ quan Nhà nước, ngoại giao hay tổ chức quốc tế chính danh, khi đánh giá về một vấn đề, sự việc ở quốc gia khác mà dựa vào “phiên bản” như của RSF, CPJ hay HRW là điều không nên. Với sự trùng lặp nội dung và đánh giá như vậy, người ta có quyền nghi ngại những cá nhân của chính các tổ chức này can thiệp hay đứng sau các bản báo cáo, đánh giá của cơ quan ngoại giao nhà nước, làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của báo cáo. Trong quan hệ quốc tế, đây là điều mà các cơ quan ngoại giao luôn cẩn trọng, bởi những đánh giá của họ với một quốc gia khác cần phải thể hiện được tính khách quan, đúng đắn, thể hiện bằng việc nhìn nhận toàn diện chứ không nên “theo ý” bởi một cá nhân hay tổ chức nào khác, vì động cơ nào khác. Bởi lẽ đó, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng tự do báo chí cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam là Phạm Thị Đoan Trang, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam”. 

Ngày 14/12/2021, TAND Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a, b, c - Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến ngày 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước. Ngoài ra, bị cáo còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

Viện Kiểm sát xác định, các tài liệu có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. HĐXX xác định hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn quyết liệt thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh. Khi quyết định hình phạt, HĐXX đánh giá bị cáo khai báo không thành khẩn, phạm tội nhiều lần nên quyết định áp dụng hình phạt tù với thời hạn trên để giáo dục và phòng ngừa chung.

20/2/22

KHÔNG KÍCH ĐỘNG HẬN THÙ NHƯNG KHÔNG THỂ QUÊN!

 Bất kỳ một người dân Việt Nam, chúng ta không bao giờ quên những cuộc chiến tranh mà Trung Quốc đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.  Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương nó đã gây ra trong lòng người dân đất Việt vẫn không bao giờ nguôi ngoai.

        Hơn 3h sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc đã xua 600.000 quân bất ngờ tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Với khẩu hiệu “dạy cho Việt Nam một bài học” và chiến thuật: phá sạch- đốt sạch- giết sạch. Quân xâm lược Trung Quốc đã gây nhiều tội ác nghiêm trọng, nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam.

        Thế nhưng, với sự anh dũng, bất khuất của quân và dân ta ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã cầm chân được quân đội Trung Quốc. Chỉ với lực lượng chiến sĩ công an nhân dân vũ trang, bộ đội biên phòng và lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang địa phương...quân và dân 6 tỉnh biên giới đã tiêu diệt nhiều tên xâm lược.

        Trung Quốc với chiến thuật biển người, đánh nhanh thắng nhanh tràn qua biên giới và tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam và nếm đòn thất bại. Trung Quốc đã bị tổn thất về lực lượng vô cùng nặng nề.

        Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng rất kiên cường- anh dũng- bất khuất, không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù, dù chúng mạnh, đông quân đến đâu.

        Cuộc chiến tuy chỉ 30 ngày, sau đó kéo dài thêm xung đột trên các cao điểm phía bắc thêm 10 năm. Nhưng đây là một cuộc chiến tranh đẫm máu, gây nên vết thương trong lòng người dân đất Việt.

        Cuộc chiến đã tàn phá nhiều làng mạc, nhiều chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và người dân đã ngã xuống trên khắp dải biên cương để bảo vệ đất nước. Chiến thắng chiến tranh biên giới phía Bắc là một bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam. Được lịch sử ghi nhận như 1 chiến công oai hùng của dân tộc Việt Nam.

        Chiến tranh là điều không ai muốn vì khi nó xảy ra thì ngọc đá đều tan. Ôn lại lịch sử chứ không kích động hận thù. Ôn lại để càng thêm yêu quý giá trị của hòa bình, tri ân cha ông đã hiến máu xương để có ngày hôm nay. Tất nhiên, chủ quyền quốc gia là bất biến, là bất khả xâm phạm; nếu có bất cứ thế lực nào muốn xâm lược nước ta thì chắc chắn hào khí Việt Nam lại trỗi dậy và cái kết cho kẻ xâm lược sẽ đắng như cái cách mà người Pháp, Mỹ, Trung Quốc từng nhận./.

Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống

  Trung sĩ Công an cứu người đuối nước, lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống      Phát hiện 2 cháu bé đang chấp chới giữa dòng nước, không q...