Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng các tỉnh thành phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, lãnh đạo Thành phố đã và đang nỗ lực để kiềm chế, ngăn chặn dịch bệnh kết hợp với việc triển khai thực hiện các giải pháp an sinh xã hội. Bên cạnh sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thì đâu đó vẫn còn một số trường hợp vì mục đích cá nhân còn có suy nghĩ, thái độ, lời nói, cách hành xử làm ảnh hưởng hay phủ nhận sự cố gắng của cả một tập thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Những thái độ, hành xử đó nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ có nguy cơ gây trở ngại lớn trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố.
Trong khi cả thành phố đang nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về giản cách xã hội thì vẫn còn hiện tượng một số cá nhân luôn mong muốn dịch nhanh chóng được dập tắt, để không bị cách ly, phong tỏa, để được đi làm, đi chơi… nhưng bản thân lại ra đường khi không thật sự cần thiết trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Thậm chí, nhiều trường hợp F1 đang trong diện cách ly lại lại trốn khỏi nơi cách ly làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều người dân tỏ ra khó chịu, bực bội, chống đối thâm chí là chửi thề lực lượng chức năng khi bị nhắc nhở, xử phạt vì không chấp hành lệnh giãn cách xã hội; nhiều người còn gọi cán bộ ở các chốt kiểm soát dịch bệnh là “nó”, “chúng nó”; nhiều người còn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng để được bán hàng tại các chợ, không đảm bảo giãn cách theo quy định; có người lại tìm cách lén lút mua giấy xét nghiệm Covid-19 trái phép để lách qua các chốt kiểm dịch. Lối hành xử nói không đi đôi với làm, hành động trước sau bất nhất của một số cá nhân trong trường hợp này đã gây ra trở ngại không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch của Thành phố.
Trong khi đài báo tuyên truyền người dân không được tích trữ lượng thực thì ngay khi có thông báo về tình hình dịch bệnh, nhiều người đã đổ xô vào các siêu thị để mua hàng hóa khối lượng lớn… Hành động mua nhiều, mua hết phần người khác còn có biểu hiện đầu cơ, thiếu tính chia sẻ cộng đồng. Có người gom hàng bình ổn giá tại siêu thị lớn để đem ra bán với giá trên “trời” nhằm trục lợi trong đợt dịch. Thông qua những sự việc này, các đối tượng xâu lại có cơ hội lợi dụng để đổ lỗi cho chính quyền đã để xảy ra khan hiếm thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, thậm chí xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.
Theo công thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chỉ tính từ 11h ngày 4/9 đến 11h ngày 5/9, các lực lượng chức năng của thành phố tiếp tục kiểm tra, tham mưu, xử lý 915 trường vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19, với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Cụ thể, các lực lượng chức năng đã tham mưu xử phạt 698 trường hợp ra ngoài khi không thực sự cần thiết; 49 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, vứt khẩu trang không đúng nơi quy định; 20 trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch... Tổng số tiền xử phạt các trường hợp vi phạm là 1,2 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy số liệu người dân vi phạm vẫn là rất lớn, gây ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công dịch Covid của cả thành phố.
Tình hình dịch bệnh ở Thành phố diễn biến phức tạp là điều không ai trong chúng ta mong muốn. Công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố hiện nay phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nên khó tránh khỏi những thiếu sót, lúng túng bước đầu. Lúc này, cần lắm ý thức và sự chung tay của người dân. Mỗi người chịu thiệt một chút, bớt tư lợi, biết sẻ chia, giúp đỡ người yếu thế hơn mình; thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Mong muốn sống trong một thành phố ổn định, yên bình là nguyện vọng hết sức chính đáng của mỗi người. Nếu như đã không thể góp sức, thì cũng không nên làm ảnh hưởng đến sự nỗ lực của một tập thể đã và đang trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go này.
Hãy cứ nhìn vào các tỉnh phía Nam, nơi mà những ca nhiêm bệnh, số người chết vẫn ở mức cao thì chúng ta mới thấy mình đang may mắn như thế nào. Chúng ta vẫn đang được sinh hoạt trong gia đình mình chứ không phải bệnh viện; chúng ta được hít thở bởi lá phổi khỏe mạnh chứ không phải dùng máy thở. Vẫn biết đất nước và mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhưng còn mạng sống thì chúng ta sẽ còn xây dựng lại được. Hãy thực hiện đúng những quy định về phòng, chống dịch và đừng hỏi tại sao mình không được ra đường bởi đến khi thở bằng máy thở rồi thì có hối hận cũng đã muộn rồi. Ranh giới giữa sự sống và cái chết lúc này quá mong manh. Nếu bây giờ bạn là người tử tế hay chưa tử tế thì hãy sống tử tế, có trách nhiệm với cộng đồng vào những ngày khó khăn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét