Giữa nghệ sĩ có tài và nghệ sĩ lớn là khoảng cách mênh mông của sự rèn luyện.
Có lẽ chưa bao giờ hàng loạt nghệ sĩ, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, cả những người mà tên tuổi trở thành một bảo chứng về niềm tin và tài năng lại vướng vào nhiều chuyện thị phi như thế.
Scandal bủa vây nghệ sĩ
Trong thời đại bùng nổ thông tin, khi mạng xã hội xóa nhòa nhiều ranh giới thì cũng mở ra không gian kết nối giữa công chúng và nghệ sĩ. Nhưng đây cũng là kênh bị một cộng đồng rộng lớn soi chiếu bởi hành động, phát ngôn.
Đình đám nhất trong lùm xùm của nghệ sĩ phải kể đến nghệ sĩ Hoài Linh với việc chậm chuyển tiền hỗ trợ nhân dân miền Trung mà không nêu rõ lý do.
Gần đây nhất, tài khoản Facebook cá nhân của NSƯT Đức Hải đăng dòng trạng thái cùng nhiều bình luận phản cảm, tục tĩu. Tuy nhiên, khi được báo chí hỏi tới thì NSƯT Đức Hải trần tình rằng mình bị hacker chiếm quyền kiểm soát tài khoản chứ bản thân không đăng những nội dung đó. Độ xác thực từ lời giải thích của anh đến đâu thì công chúng cũng chưa có đủ cơ sở để đánh giá, đang chờ xem kết quả thực hư.
Cũng trên môi trường mạng, vừa qua hàng loạt nghệ sĩ đã tham gia quảng cáo sản phẩm sai sự thật. Rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn đã được réo tên. Sau rất nhiều phản ứng của truyền thông lẫn dư luận, nghệ sĩ Quyền Linh và nghệ sĩ Hồng Vân cũng đã lên tiếng xin lỗi công chúng.
Trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, việc nghệ sĩ quảng cáo cho các thương hiệu không còn là chuyện xưa nay hiếm. Nhiều nghệ sĩ khi bị phát giác sản phẩm bị quảng cáo sai sự thật thường biện minh cho việc mình quá tin tưởng đối tác hoặc không có chuyên môn để thẩm định sản phẩm, tuy nhiên, cần phải thẳng thắn tự soi mình như nghệ sĩ Quyền Linh đã nói trong lời xin lỗi: “Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật”.
Trong bối cảnh cả nước đang phòng chống dịch COVID-19, nghệ sĩ hài QT và diễn viên TB cũng trở thành tâm điểm của dư luận khi xuất hiện tại buổi khai trương thẩm mỹ viện ở Lâm Đồng. Những người tham gia đều không khai báo y tế.
Nghệ sĩ là người có ảnh hưởng đến công chúng, đôi khi họ còn dẫn dắt được công chúng bởi việc làm của mình. Thay vì biện minh, nghệ sĩ hành xử sai nên thừa nhận mình sai, bởi dù khó nói ra nhưng cũng đã giúp nhiều người không mắc vào cái sai của chính họ.
Nghệ sĩ và công chúng
Để có được chỗ đứng trong nghề nghiệp và được công chúng công nhận, nghệ sĩ đã phải trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu không mệt mỏi. Dĩ nhiên, cũng có nghệ sĩ được “tổ thương” mà hào quang đến với họ quá sớm.
Dù con đường đến với vinh quang gian nan hay bằng phẳng, sự nghiệp của nghệ sĩ không thể tách rời khỏi công chúng.
Người xưa thường nói “Kiếm củi ba năm, đốt 1 giờ”. Câu nói này áp vào rất nhiều trường hợp trở nên đúng. Khi nghệ sĩ Chí Tài qua đời, từ công chúng cho tới nghệ sĩ đều dành cho anh sự tiếc thương và trân trọng, nói như MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, nghệ sĩ Chí Tài là “người nghệ sĩ duy nhất không có anti-fan”. Nghệ sĩ Chí Tài đã “kiếm củi” trong sự nghiệp nghệ thuật của mình và anh đã đem theo sự trân trọng và yêu thương của mình sang cõi khác mà không phải đốt đi thương hiệu đó.
Công chúng giao tiếp với con người nghệ sĩ bằng cảm xúc nghệ thuật. Vì thế, nghệ sĩ dễ lan tỏa cảm xúc của mình cho họ.
Trước kia, tình cảm của nghệ sĩ với công chúng được chi phối bởi cảm xúc của họ thông qua hoạt động nghệ thuật. Ngày nay, cảm xúc còn bị chi phối bởi hành xử của họ trong đời thường.
Nghệ sĩ từ chỗ được mến mộ, hâm mộ về tài năng nghệ thuật nên một số người nghĩ mình có quyền lực.
Nghệ sĩ không bị kiểm soát do sự cẩu thả của họ đôi lúc dễ được bỏ qua, “nghệ sĩ mà!”. Pháp luật không có quy định khắt khe đối với nghệ sĩ trong các hành vi xã hội, vì nghệ sĩ cũng là công dân như mọi công dân. Do vậy, họ thụ hưởng từ công chúng nhưng nghĩ rằng mình cũng chỉ có nghĩa vụ như mọi người.
Một nghệ sĩ nổi tiếng về tài năng có thể giàu có, thành đạt nhưng để trở thành nghệ sĩ lớn thì khác. Giữa nghệ sĩ có tài và nghệ sĩ lớn là khoảng cách mênh mông của sự rèn luyện, là khát vọng cống hiến, sự dấn thân với nghề nghiệp, nghiêm khắc với hành xử của bản thân và hơn hết là lòng nhân ái và có trách nhiệm với cộng đồng.
Trong cộng đồng đó có công chúng, những người không trực tiếp nuôi nghệ sĩ nhưng họ làm nên vị trí của người nghệ sĩ. •
Trong giới nghệ sĩ có rất nhiều người đã cống hiến nhiều cho công chúng và để lại cho đời sự ảnh hưởng tích cực từ nhân cách của họ. Năm 2013, nghệ sĩ Văn Hiệp đã qua đời ở tuổi 71. Trong một bài thơ của mình, ông viết: “Đất và giun và rất nhiều giun/ Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm/ Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non/ Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun”.
Nghe tin ông mất, nghệ sĩ Minh Vương thảng thốt: Ông không quan tâm tới việc xét duyệt NSƯT hay này nọ. Cứ lặng lẽ cống hiến và đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Một nghệ sĩ không được phong tặng gì nhưng gấp vạn lần một số NSND khác!
Tháng 3-2021, NSND Trần Hạnh cũng đã rời cõi tạm. Sinh thời, ông từng nói: “Có cho vàng cũng không thích bằng có vai diễn. Ai mời tôi đi làm mà hỏi chuyện thù lao đầu tiên, tôi sẽ thẳng thừng từ chối. Tôi chỉ sợ mình làm không tốt chứ không sợ cát xê thấp. Sau khi tôi làm xong rồi, ai muốn đưa tôi bao nhiêu thì đưa. Tôi không mặc cả”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét