Các cuộc biểu tình phản đối vụ cảnh sát giết chết người Mỹ gốc Phi George Floyd đã diễn ra liên tiếp 6 đêm vừa qua, khiến nhiều người bị thương, hàng nghìn người bị bắt giữ và nhiều xe cảnh sát bị đám đông quá khích đốt cháy. 40 thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc biến thành bạo lực đang lan rộng khắp cả nước. Trước tình hình này, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ triển khai hàng nghìn binh sĩ và lực lượng hành pháp được vũ trang đầy đủ để ngăn chặn bạo lực ở thủ đô Washington, đồng thời cam kết thực hiện hành động tương tự ở các thành phố khác nếu nhà chức trách địa phương không thể giành lại quyền kiểm soát đường phố.
Những hình ảnh mới được công bố cho thấy thêm một góc nhìn về những gì đã xảy ra trong vụ cảnh sát Mỹ ghì gối lên cổ công dân da màu George Floyd, bất chấp sự van xin, khiến anh này tử vong. Từ vụ việc này, nước Mỹ đang rơi vào làn sóng biểu tình, đập phá, do cơn thịnh nộ với việc cảnh sát da trắng ngược đãi người da màu - vấn đề phân biệt chủng tộc vốn ăn sâu trong lòng nước Mỹ.
Toàn bộ quá trình dẫn đến cái chết của Floyd chỉ kéo dài trong khoảng 30 phút - dựa trên các clip hiện trường, lời kể của nhân chứng và hồ sơ của cảnh sát Mỹ. Trong đó, 8 phút và 46 giây là khoảng thời gian gây ám ảnh nhất, khi viên cảnh sát đã giữ nguyên tư thế ghì gối đè lên gáy của Floyd, dẫn đến hậu quả vô cùng tàn khốc. Không chỉ một sinh mạng mất đi mà nó còn thổi bùng lửa giận của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, trước tình trạng người da màu bị cảnh sát đối xử bất công. "Tôi không thở được" - câu nói cuối cùng của George Floyd trở thành thông điệp ám ảnh khắp nước Mỹ suốt những ngày qua. Nhưng đáng buồn là lời kêu cứu tuyệt vọng này cũng từng vang lên trước đó, khi một công dân da màu khác là Eric Garner cũng đã thiệt mạng dưới tay một cảnh sát da trắng tại New York vào năm 2014.
Trường hợp của George Floyd hội tụ những yếu tố bất lợi nhất mà một người da màu ở Mỹ phải đối mặt. George Floyd là người gốc Phi, không mang vũ khí nhưng bị khống chế thô bạo bởi cảnh sát. Điều này một lần nữa nhắc lại thực tế rằng, sự phân biệt chủng tộc có hệ thống vẫn luôn tạo ra rủi ro tiềm tàng với những người Mỹ da màu. Và lúc này, cái chết của George Floyd không đơn thuần chỉ là nguyên nhân khiến cho các cuộc biểu tình bùng phát. Nó đã là giọt nước tràn ly. Nước Mỹ đang trở nên vô cùng "nhạy cảm" vào lúc này, tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng về kinh tế và y tế, những hệ lụy gián tiếp của dịch COVID-19. Giới truyền thông Mỹ nhận định đại dịch đã khiến người ta rơi vào nỗi sợ hãi nhanh hơn và phơi bày những bất bình đẳng xã hội đang "xát muối" vào cộng đồng da màu.
Theo tờ Người bảo vệ (The Guardian), tỷ lệ người da màu tử vong vì COVID-19 tại Mỹ lớn hơn gấp 3 lần so với cộng đồng da trắng. Nguyên nhân là bởi người da màu thường khó có thể thực hiện giãn cách xã hội do phải mưu sinh, tỷ lệ thất nghiệp cao và mức thu nhập dưới trung bình khiến họ không thể tiếp cận bảo hiểm y tế. Thời báo New York ví nước Mỹ hiện tại giống như "thùng thuốc súng" tích tụ, khi cùng lúc bị giằng xé giữa khủng hoảng kép: dịch bệnh và các cuộc bạo loạn.
Trong khi đó, giới chức Mỹ chưa đưa ra được bất cứ giải pháp nào giải quyết, xoa dịu tình hình hiện tại, ngoài việc đưa lệnh giới nghiêm, sử dụng cảnh sát, quân đội dẹp loạn, bắt giữ người biểu tình, đổ lỗi cho các phe phái trong nội bộ cắn xé nhau giành phiếu bầu, ghép tội khủng bố cho nhóm cực đoan cổ súy biểu tình, bạo loạn hoặc đổ lỗi cho thế lực nước ngoài chi phối, nhúng tay gây loạn nước Mỹ.
Ghi nhận phản ứng của các cựu tổng thống Mỹ cho thấy, căn bệnh trầm kha phân biệt sắc tộc ở Mỹ tồn tại hàng trăm năm qua là bó tay, bởi vậy họ chỉ đưa ra lời kêu gọi chung chung hoặc mượn nó để kiếm phiếu bầu cho chính đảng của mình. Hài thay, cha đẻ học thuyết, đạo diễn của chiến lược diễn biến hòa bình khắp thế giới lại đang bó tay, bất lực với chính tình trạng tiền “cách mạng đường phố” trên chính đất nước mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét